Ginsburg là nữ thẩm phán thứ hai của Tòa án Tối cao Mỹ. Bà giữ vị trí này suốt 27 năm qua cho tới khi qua đời, ngày 18/9. Trong quá trình làm việc, bà nổi tiếng vì đã chấp bút cho một số phán quyết có tính cột mốc của tòa tối cao.

Năm 1996, ba năm sau khi gia nhập tòa tối cao liên bang, thẩm phán Ginsburg đã viết ý kiến cho phía đa số trong vụ kiện có tính cột mốc về vấn đề phân biệt giới tính. Trong vụ kiện này, trường công lập Virginia Military Institute (VMI) của bang Virginia, nổi tiếng vì lối đào tạo nghiêm khắc như trại huấn luyện tân binh, có chính sách chỉ tiếp nhận nam sinh. Khi không được trường VMI tiếp nhận, nhiều nữ sinh khởi kiện.

Để thỏa hiệp, trường VMI tuyên bố sẽ lập ra chương trình đào tạo khác dành cho phụ nữ. Bước đi này của nhà trường được tòa án sơ thẩm chấp nhận nhưng không nhận được sự đồng ý của tòa tối cao liên bang.

Trong phán quyết vào năm 1996, thẩm phán Ginsburg nhận định chương trình đào tạo dành cho phụ nữ chỉ là "cái bóng nhạt nhòa" của VMI vì không có giáo trình, phương pháp giảng dạy, hoặc cơ hội giống như trường nam sinh. Theo Ginsburg, một số nữ sinh thích nội dung học ở VMI và hoàn toàn có thể thỏa mãn yêu cầu sức khỏe mà nhà trường đặt ra cho nam sinh.

Vì thế, trường VMI đã vi phạm điều khoản bảo đảm bình đẳng được quy định trong tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ. "Nữ giới muốn và đủ điều kiện theo học tại trường VMI không thể nhận được thứ gì đó có chất lượng kém hơn, căn cứ nghĩa vụ bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ của tiểu bang Virginia", thẩm phán Ginsburg viết.

Phán quyết do Ginsburg chấp bút không chỉ thay đổi chính sách chiêu sinh của VMI mà còn được đánh giá là vụ kiện có tính cột mốc giúp cấm việc phân biệt đối xử dựa trên định kiến về khả năng và sở thích của một giới tính.

Thẩm phán Ruth Bader Ginburg (phải) đứng cạnh tổng thống Bill Clinton tại sự kiện bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ năm 1993. Ảnh: AP.

Năm 1999, 9 năm sau khi Đạo luật về người Mỹ tàn tật được thông qua, thẩm phán Ginsburg viết phán quyết Olmstead v. L.C. được cho là củng cố phạm vi của đạo luật này để bao gồm cả người khiếm khuyết về tâm lý.

Trong vụ kiện, hai người phụ nữ mắc khiếm khuyết tâm lý khởi kiện chính quyền bang Georgia. Đơn kiện cáo buộc hai nguyên đơn bị tách biệt trong cơ sở chữa bệnh khép kín, trong khi chuyên gia nhận định hai người nên được tham gia chương trình chữa trị trong cộng đồng.

Bang Georgia cho rằng không phân biệt đối xử với hai người phụ nữ. Việc để họ trong cơ sở khép kín là do hạn chế ngân sách. Tuy nhiên, thẩm phán Ginsburg chỉ ra rằng chương trình bảo hiểm Medicaid nhận chi trả cho việc chữa trị trong cộng đồng, vốn tốn ít chi phí hơn so với chữa trị khép kín.

Theo Ginsburg, "để tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết, người có khiếm khuyết tâm lý phải từ bỏ đời sống cộng đồng dù họ vốn có thể tận hưởng cuộc sống ấy nếu có sắp xếp hợp lý. Trong khi đó, người không có khiếm khuyết tâm lý lại có thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết mà không cần phải có sự hy sinh tương tự". Như vậy, việc ép buộc người có khiếm khuyết tâm lý phải chọn lựa giữa chỗ ở và sự tự do sẽ là phân biệt đối xử.

Lá phiếu của thẩm phán Ginsburg cũng đã giúp hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại mọi bang của Mỹ sau phán quyết năm 2015 của vụ kiện Obergefell v. Hodges. Đây là khoảnh khắc lớn đối với cặp đôi đồng giới và quyền lợi của những người trong cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTQ).

Trong vụ kiện này, một số cặp đôi đồng giới đã khởi kiện vì chính quyền bang mình ban lệnh cấm hôn nhân đồng giới hoặc không công nhận hôn nhân hợp pháp. Cuối cùng, tòa tối cao liên bang ra phán quyết có lợi cho các nguyên đơn với kết quả 5 thẩm phán tối cao bỏ phiếu thuận, bốn thẩm phán bỏ phiếu chống.

Trong phần tranh luận trực tiếp, thẩm phán Ginsburg nói "chúng ta đã thay đổi nhận thức về hôn nhân. Hôn nhân ngày nay không còn giống như dưới truyền thống thông luật hoặc luật thành văn".

Chỉ hai năm trước, bằng phán quyết Timbs v. Indiana vào năm 2018, thẩm phán Ginsburg đã giúp mở rộng phạm vi áp dụng của Tu chính pháp thứ 8 trong Hiến pháp Mỹ, động thái có thể giúp bị cáo hình sự trên cả nước Mỹ chống lại việc bị chính quyền tịch thu tài sản quá mức.

Trong sự việc, sau khi Tyson Timbs nhận tội bán số heroin trị giá 225 USD, chính quyền bang Indiana tịch thu ôtô mà bị cáo đang lái trong khi bán ma túy. Chiếc xe do bị cáo mua bằng tiền bảo hiểm nhân thọ của bố với giá 42.000 USD, cao gấp bốn lần so với mức phạt tiền tối đa đối với tội danh của Timbs.

Tòa sơ thẩm bác bỏ hành động tịch thu vì cho rằng chính quyền đã vi phạm vào Tu chính pháp thứ 8 của Hiến pháp Mỹ, vốn cấm mức phạt quá mức. Tới tòa tối cao bang Indiana, phán quyết sơ thẩm bị lật ngược với nhận định không có căn cứ cho thấy Tu chính pháp thứ 8 áp dụng trong phạm vi tiểu bang.

Tuy nhiên, trong phán quyết có sự đồng thuận của cả 9 vị thẩm phán tối cao liên bang, thẩm phán Ginsburg bác bỏ phán quyết của tòa tối cao tiểu bang và kết luận quy định cấm mức phạt quá mức được áp dụng như nhau đối với chính quyền cấp liên bang và tiểu bang. "Lệnh cấm mức phạt quá mức đã luôn là lá chắn trong suốt lịch sử Mỹ Anglo-Saxon vì có lý do của nó: Mức phạt quá lớn sẽ làm suy yếu các sự tự do hiến định khác", nữ thẩm phán viết.

Bên cạnh những lần bỏ phiếu thuận ở phía đa số, thẩm phán Ginsburg còn được biết đến nhiều hơn với những lá phiếu chống "nảy lửa" khi ở phía thiểu số.

Ví dụ, Ginsburg là một trong bốn thẩm phán thiểu số trong phán quyết Ledbetter v. Goodyear Tire & Rubber Co., vào năm 2007 và đồng thời có hành động hiếm thấy là đọc to ý kiến phản đối khi đang ngồi trên ghế thẩm phán.

Trong sự việc này, Lilly Ledbetter khởi kiện công ty cũ với cáo buộc bị phân biệt đối xử trong mức lương. Theo Ledbetter, cùng làm chức vụ quản lý khu vực nhưng chị được trả lương ít hơn hẳn so với người được trả lương thấp nhất trong số các đồng nghiệp nam.

Đa số thẩm phán tòa tối cao liên bang bác bỏ đơn khởi kiện của Ledbetter. Họ không tập trung vào vấn đề mấu chốt là chênh lệch thu nhập mà chỉ cho rằng thời điểm đệ đơn kiện đã cách phán quyết ban đầu quá xa.

Ngược lại, thẩm phán Ginsburg chỉ ra tính chất bí mật của mức lương và nhận định "phía đa số không hiểu hoặc thờ ơ trước cách thức quỷ quyệt mà phụ nữ có thể trở thành nạn nhân của việc phân biệt đối xử về thu nhập". "Trách nhiệm của Quốc hội bây giờ là chỉnh lại cách giải thích pháp luật đầy bủn xỉn của tòa này", bà viết.

Hai năm sau, Quốc hội Mỹ làm theo lời thẩm phán Ginsburg và thông qua Đạo luật Thu nhập bình đẳng Lilly Ledbetter. Luật này quy định mỗi tờ séc trả lương có tính phân biệt đối xử sẽ khiến thời hạn 180 ngày đệ đơn kiện được tính lại từ đầu. Ginsburg sau đó đóng khung và giữ lại bản sao của đạo luật này trên tường trong phòng làm việc.

Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg (phải) nhận giải thưởng Tự do và Công lý cho Mọi người vào tháng 1. Ảnh: LBJ Foundation Photo/Jay Godwin.

Trong một "trận chiến" khác, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa ứng viên George Bush và Al Gore được đưa lên trước tòa sau khi bang Florida có vấn đề về việc kiểm phiếu. Với tỉ lệ phiếu chống và phiếu thuận là 5-4, tòa tối cao liên bang đã xóa lệnh kiểm lại phiếu mà tòa tối cao bang Florida đưa ra trước đó.

Phản đối, thẩm phán Ginsburg chỉ trích phía đa số đã quá "nhiệt tình" khi giải thích luật của bang Florida. "Bối cảnh phi thường của vụ việc này đã che phủ nguyên tắc giải quyết thông thường là "tòa liên bang trao quyền giải thích pháp luật của tiểu bang cho tòa tối cao bang đó". Nếu các thành viên khác trong tòa này lưu tâm tới hệ thống hai cấp chính quyền của nước Mỹ như lúc thông thường, họ sẽ giữ nguyên phán quyết của tòa tối cao bang Florida", bà viết.

Đặc biệt, những thẩm phán bỏ phiếu phản đối khác như John Paul Stevens, David Souter, và Stephen Breyer đều kết thúc ý kiến bằng câu "tôi trân trọng phản đối". Riêng thẩm phán Ginsburg chỉ viết "tôi phản đối".

Theo vnexpress