Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích lời khuyên nên ăn mặc kín đáo trong lễ hội té nước Songkran: Chúng tôi phải mặc kín đáo dưới cái nóng gần 40 độ sao?

Du lịch Thái Lan vào dịp từ 13/4 đến 15/4 hàng năm, bạn sẽ được chứng kiến cảnh tượng người dân đổ ra đường dội nước vào nhau cùng với lời chúc mừng năm mới "Sawasdee Pee Mai!".

Đối với người Thái, đây là những ngày được mong chờ nhất năm. Cả người dân địa phương và du khách đều đổ xô ra đường để tham dự lễ hội té nước. Người Thái tin rằng việc té nước vào ngày này sẽ mang lại may mắn, tốt lành. 

Tuy nhiên, có những góc khuất đằng sau lễ hội thuộc hàng lớn nhất châu này. Đó là việc các cô gái bị tấn công tình dục, sàm sỡ, xâm hại. 

Phong trào này là một sự phản đối hiếm hoi từ phụ nữ Thái Lan, những người đang lên tiếng chống lại định kiến của xã hội cũng như lời khuyên của chính phủ Thái Lan. Trước đó, chính quyền nước này  đưa ra lời khuyên phụ nữ nên ăn mặc kín đáo để tránh bị quấy rối tình dục trong lễ hội Songkran, theo Coconuts.Năm nay, khi sắp tới ngày diễn ra lễ hội Té nước truyền thống, khắp Thái Lan đang truyền nhau một thông điệp lên án góc tối này. Các dòng chữ Dont tell me how to dress (Đừng dạy tôi phải mặc như thế nào) và Tell men to respect (Hãy bảo đàn ông cư xử đàng hoàng) xuất hiện trên khắp mạng xã hội. 

Siêu mẫu mang hai dòng máu Thái - Mỹ Cindy ĐGM Siri cũng đăng một video phản đối đây là lỗi của các nạn nhân, vì họ không ăn mặc kín đáo. "Vậy tôi phải mặc kín đáo đến thế nào thì mới được an toàn?", Siêu mẫu đăng chất vấn trên mạng xã hội.

Theo cô, phụ nữ có quyền được mặc bất kỳ thứ gì họ thích, chỉ cần không phạm pháp và "bị tấn công tình dục không bao giờ là lỗi của phụ nữ".

Loạt bài viết của Cindy về vấn đề này được rất nhiều người hưởng ứng, trong đó có cả những người nổi tiếng như Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2015.

Theo một bản khảo sát được Coconuts công bố ngày 28/2, hơn 50% phụ nữ cho biết họ từng bị quấy rối tình dục trong lễ hội té nước. Tổ chức Phong trào Đàn ông và Phụ nữ tiến bộ Thái Lan cũng trình lên Bộ Nội vụ về việc yêu cầu chính phủ đưa ra các giải pháp ngăn chặn vấn đề nhức nhối này. Trong đơn, tổ chức chỉ ra rằng phần lớn nạn nhân bị những gã đàn ông say rượu tấn công.

Một trong những nạn nhân cho biết, cô bị một gã đàn ông tấn công trên đường phố Khaosan trong lễ hội Songkran năm 2016. Cô đã không dám báo với cảnh sát về sự việc vì sợ gặp rắc rối, theo Post Today. 

"Tôi cảm thấy ghê tởm, và không muốn tham gia vào bất kỳ lễ hội té nước lần nào nữa", nạn nhân cho biết.

Một phụ nữ khác nói rằng cô và bạn bè cũng bị những gã biến thái sờ ngực. "Songkran 2017 là một lễ hội vui nhộn. Nhưng kể từ lúc đó, với tôi lễ hội này đã kết thúc".

Songkran là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là sự dịch chuyển, hàm ý nói đến khoảng thời gian mà mặt trời di chuyển từ cung hoàng đạo Song Ngư đến Bạch Dương, chu kỳ khởi đầu năm mới theo lịch của người Thái.

Lễ té nước Songkran là một truyền thống quan trọng với người Thái Lan, mang ý nghĩa rửa sạch tất cảđiềm xấu và đón chào một năm mới tốt lành. Đó một trong những hoạt động thú vị của người Thái Lan dịp lễ hội té nước Songkran.

Ngày 13/4 được gọi là Wan Maha Songkran, là ngày mặt trời chuyển dịch sang cung Bạch Dương, là ngày cuối cùng của năm cũ. Ngày 14/4 được gọi là Wan Nao, là ngày kết nối giữa năm cũ và năm mới.

Ngày 15/4 được gọi là Wan Ta -leung Sok, ngày đầu tiên của năm mới. Những ngày nàylà dịp các gia đình Thái Lan quây quần, đoàn tụ bên nhau, tôn kính các bậc cao niên và thắt chặt thêm tình cảm gắn bó keo sơn với hàng xóm láng giềng.


Theo VNExpress