Khi Karen tăng cân, sếp nói rằng cô không thể tiếp tục làm việc ở quầy lễ tân. Thay vào đó, cô được chuyển đến phòng bưu phẩm.

"Không phải một cuộc gặp riêng, anh ta nói điều này ngay trong cuộc họp lớn của công ty. Mọi người chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Ngay cả tôi cũng từng nghĩ rằng đó là lỗi của mình, đáng ra tôi không nên tăng cân", Karen nói với The Guardian.

Karen đã làm việc cho một công ty quần áo. Cô được yêu cầu mặc trang phục của công ty khi ngồi sau quầy lễ tân.

"Có thời điểm tôi đạt đến cỡ 18, nhưng quần áo của họ chỉ đến cỡ 14. Họ nói rằng sẽ rất xấu cho hình ảnh của công ty nếu có một người quá cân trong quầy lễ tân".

ky thi beo phi anh 1

Các nghiên cứu chỉ ra nhiều công ty chỉ ưu tiên tuyển người gầy.

"Con chim béo" là biệt danh xúc phạm mà các đồng nghiệp vẫn gọi Louise, quản lý của một công ty viễn thông ở Anh. Khi mới gia nhập công ty, Louise có ngoại hình mũm mĩm và mặc size áo 24.

Cô tin rằng chính cân nặng là thứ cản trở cơ hội thăng tiến của mình. "Tôi thạo việc nhưng không được dự họp, được mời tham gia các dự án và cũng không có khách hàng".

Sự kỳ thị dai dẳng buộc Louise phải giảm cân. "Trong vòng 12 tháng kể từ khi giảm cân, tôi đã chuyển từ quản lý 6 người sang quản lý 100 người. Tôi đã đứng trước các thành viên hội đồng quản trị cấp cao hơn. Đó thực sự là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của tôi".

Ít được tuyển dụng, bị mất việc, nhận lương thấp hơn, không có cơ hội thăng tiến và thường bị bắt nạt là tình cảnh chung của nhiều người thừa cân, béo phì trên khắp thế giới ở nơi làm việc, theo các nghiên cứu.

Khi nỗi ám ảnh "trẻ, gầy" và định kiến người thừa cân là lười biếng, vô trách nhiệm, thiếu ý chí vẫn tồn tại, mục tiêu xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng và môi trường làm việc vẫn còn xa vời, theo The Conversation.

Giảm cân hoặc nghỉ việc

Năm 2019, hãng hàng không Pakistan International Airlines (PIA) đã yêu cầu những nhân viên "béo phì" của mình phải hoàn thành việc giảm cân trong vòng 6 tháng.

Theo quy định có hiệu lực từ ngày 31/1/2019, những người có trọng lượng cơ thể thừa quá 13,5 kg sẽ bị chuyển đến Trung tâm y tế để đánh giá và lên phương án giảm cân. Trong trường hợp không thể giảm, tiếp viên sẽ bị cấm bay.

Thông báo được Tổng giám đốc dịch vụ bay, Aamir Bashi, gửi tới 1.800 nhân viên phi hành đoàn làm dấy lên sự phản đối. Nhiều người cho rằng đây là một hình thức miệt thị cơ thể người khác.

Mashhood Tajwar, đại diện của hãng, cho biết thông báo của họ hoàn toàn hợp lệ vì: "Không ai muốn nhìn thấy một phi hành đoàn xấu xí trên máy bay".

Trên khắp thế giới, vô số nghiên cứu và cả những câu chuyện thực tế cho thấy người thừa cân, béo phì phải đối mặt với định kiến sâu rộng.

Đầu tiên, nhóm thừa cân có ít cơ hội việc làm hơn. Trong một khảo sát của trang web việc làm Fairygodboss, chỉ 15% trong số 500 chuyên gia tuyển dụng nói rằng họ sẽ cân nhắc tuyển dụng người có ngoại hình mũm mĩm.

Nhóm này cũng thường bị trả lương thấp hơn. Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter phát hiện ra rằng trong một năm phụ nữ có cân nặng vượt mức trung bình kiếm được ít hơn 1.500 bảng Anh so với phụ nữ có cân nặng dưới trung bình, cùng chiều cao.

Theo nhiều nghiên cứu, những người thừa cân cũng làm việc nhiều giờ hơn nhưng ít được cân nhắc cho vị trí lãnh đạo, hạn chế cơ hội thăng tiến.

"Tôi chỉ làm việc với người gầy"

Khi nhận thức của con người về sự đa dạng hình thể ngày càng tăng, cuộc đấu tranh chống lại các định kiến đối với người thừa cân ở nơi làm việc cũng đang trở nên mạnh mẽ hơn.

Năm 2020, HLV thể hình nổi tiếng người Anh Samantha Yardley bị "ném đá" dữ dội sau khi tuyên bố cô sẽ không bao giờ làm việc với người béo phì và chỉ thích hợp tác với người gầy.

Phát biểu trong chương trình truyền hình This Morning, Yardley cho biết cô không thích những người thừa cân vì họ "luôn uể oải và lười biếng".

Bình luận này khiến Yardley vấp phải sự chỉ trích và bị tẩy chay trong thời gian dài.

ky thi beo phi anh 5

Người thừa cân phải chịu sự đối xử bất công ở nơi làm việc.

Đầu tháng 4, một cửa hàng quần áo ở Gwangju (Hàn Quốc) đã buộc phải đóng cửa sau khi thông tin tuyển dụng: "Ở đây chỉ tuyển người xinh và gầy".

Chủ cửa hàng cho biết mình chỉ phỏng vấn những người mặc vừa quần áo size XS hoặc S ở cửa hàng cho vị trí nhân viên bán hàng kiêm người mẫu của shop.

Tiến sĩ dinh dưỡng Emilia Thompson cho biết sự kỳ thị nhắm vào nhóm thừa cân, béo phì chỉ xoay quanh sự xấu hổ, miệt thị cơ thể người khác và hoàn toàn không mang ý nghĩa tích cực như thúc đẩy sự thay đổi.

"Những người bị kỳ thị hoặc xấu hổ về cân nặng của họ ít có khả năng thay đổi, ít tìm kiếm sự hỗ trợ và gần như không có khả năng nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần. Họ cũng không còn khả năng cải thiện kết quả sức khỏe hay tham gia hoạt động thể chất", tiến sĩ Thompson cho biết.

Theo Zing