Nhóm trai làng bộ tộc Bashilele có chung một vợ.


Tộc người Bashilele (hay còn gọi là Lele) sống tại tỉnh Tây Kasai của nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Thời đó, họ đốt rừng để trồng bắp và khoai mì, săn thú và đánh cá. 

Người lớn tuổi luôn dư giả của ăn của để trong khi người trẻ phải lao động vất vả trong suốt một thời gian dài mới có thể tích góp đủ để "mua" được vợ. 

Tình trạng này đến nay không còn nữa nhưng một thời là hoàn cảnh phổ biến ở khu vực châu Phi này.

Chọn kiếp vợ chung vì nghèo 

Vì thiếu nữ trở nên hiếm khi những đàn ông giàu có và đa thê đã "tậu" hết về cho mình nhiều cô vợ trẻ nên trong bước đầu làm lụng gầy cơ nghiệp, thanh niên Bashilele buộc phải chấp nhận cảnh "chồng chung" với nhóm bạn cùng trang lứa.

Mỗi ngôi làng tại đây có 4 dãy nhà dành cho 4 nhóm nam giới trạc tuổi nhau ở chung, 4 dãy nhà này được dựng lên bao quanh theo bốn cạnh của một khoảng đất trống hình vuông. 

Hai nhóm thanh niên xấp xỉ tuổi nhau không được ở hai dãy nhà liền kề để tránh xích mích xung đột. Do đó, mỗi một thanh niên luôn giữ được mối quan hệ khắng khít với bà con dòng họ sống ở những làng khác và cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với những bạn bè cùng trang lứa trong cùng làng.

Khi các thanh niên này đến tuổi cưới vợ, họ phải cùng nhau tìm cho cả nhóm một cô vợ chung vì như đã nói trên, họ chưa có đủ điều kiện để "ra riêng". 

Cô vợ chung này có thể sẽ do những người lớn tuổi gửi con gái sang, còn nếu trong làng không có thì họ phải tự mình qua làng khác để "bắt vợ". 

Cũng có khi may mắn hơn là có một cô gái độc thân ở làng bên tự tìm sang xin làm vợ chung.

"Mua vợ" bằng chỉ cuộn

Người vợ chung này hoàn toàn không phải là nô lệ tình dục cho một nhóm đàn ông như nhiều người từng nghĩ mà thực tế là trong vòng từ 6 tháng đến 2 năm đầu, cô ấy được các ông chồng chiều chuộng hết mức, được chồng phục vụ ăn uống và không phải làm việc nhà gì cả, mọi việc đều đã có "nhóm ông chồng" lo liệu. Mấy ông chồng còn tranh nhau ve vãn, tán tỉnh để vợ vui. 

Và cũng trong vòng 2 năm tối đa đó, các ông chồng phải lo gắng sức để có được một món của hồi môn cho cha mẹ vợ. Một người vợ chung đòi giá hồi môn là 300 cuộn chỉ được kết bằng sợi cây cọ (so với 150 cuộn đối với một người vợ riêng chỉ cho một người).

Khi của hồi môn được trao xong, người vợ sẽ tự mình chọn ra những người đàn ông mà cô ấy thích nhất để làm chồng. 

Và hẳn nhiên là cô ta không thể chọn hết tất cả khoảng 30 người đàn ông trong nhóm thanh niên mà phải qua một buổi hội làng. 

Mỗi ứng viên sẽ cắm xuống đất một thanh gỗ trong khu vực làm lễ và cô gái sẽ nhổ bỏ thanh gỗ của những người mà cô không chọn. Thường là cô gái chỉ chọn khoảng 5 ông chồng mà thôi.

Sau lễ kén chồng, vợ sẽ về sống chung với các ông chồng trong một ngôi nhà riêng và mỗi ông sẽ tuần tự thực hiện "nghĩa vụ" của mình khi đến lượt. Khi đó, cô vợ chung sẽ phải bắt tay vào bếp nấu nướng bữa ăn cho mấy ông chồng, giặt giũ cho chồng và ái ân với các ông chồng. Và nhất là phải chung thủy với chồng. 

Nhưng ít ra thì chung thủy trong làng thôi, chứ trên rẫy hay ngoài bìa rừng thì, còn tùy, cô vợ có thể gặp và ân ái với bất cứ chàng trai ve vãn được cô, ngoại trừ những người lạ đến làng. 

Những đứa con mà cô ấy sinh ra được hưởng địa vị đặc biệt là những đứa con chung của làng. Những ông chồng chung cũng đôi khi có thể qua lại với một phụ nữ khác nhưng mỗi lần "xé rào" thì phải tự giác nộp phạt cho làng từ 5 đến 10 cuộn chỉ cọ.

Và theo thời gian, đến khi mà đàn ông đã dành dụm được đủ số của hồi môn là 150 cuộn chỉ cọ thì có thể đứng ra "sắm" cho riêng mình một cô vợ khác để thoát khỏi "kiếp chồng chung". Tuy nhiên, anh ấy vẫn có thể qua lại với cô vợ chung lúc trước nếu muốn.

Hiện nay, tập tục lấy "chồng chung" này hầu như không còn tồn tại.

Theo Tuổi trẻ