Quyển sách khái quát mối quan hệ giữa Trung Quốc - nơi dòng sông Mekong bắt đầu - và các nước Đông Nam Á. Mekong đang đối mặt với các vấn đề: ô nhiễm do rác thải, du lịch, công nghiệp hóa và cạn kiệt nguồn nước do dự án thủy điện.

Sách "Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ", xuất bản lần đầu năm 2017. Tháng 7 năm nay, NXB Phụ Nữ - Phanbook phát hành phiên bản chuyển ngữ. Ảnh: Phanbook

Mekong là nền tảng của một hệ sinh thái từ sông băng, hồ, đồng bằng, đến từng kênh, rạch nhỏ. Sự đa dạng sinh học của sông có ý nghĩa toàn cầu - khi sản lượng cá đánh bắt được gấp 13 lần so với số lượng ở sông, hồ Bắc Mỹ. Jon Swain, tác giả của sách về Mekong - River of Time đánh giá đây là tài liệu thích hợp để phổ cập kiến thức môi trường Đông Nam Á.

Eyler phân tích những dự án phát triển kinh tế không đề cao những lợi ích bền vững, tác động xấu đến hệ sinh thái. Như tại Campuchia, người dân đánh bắt cá "quá tay", tiêu diệt triệt để nguồn cá và làm nguy hại đến sinh cảnh. Lào dự tính xây đập nước thứ sáu, do muốn trở thành trung tâm sản xuất thủy điện, bán cho nước khác. Theo tác giả, Trung Quốc chịu trách nhiệm lớn cho sự thoái hóa của Mekong. Đập thủy điện ở sông Lan Thương (Trung Quốc), thường xuyên giữ lại nước ở thượng nguồn, khiến những quốc gia như Lào, Thái Lan... hạn hán.

Theo gokunming, tác giả viết sách sau chuyến thực địa tại đồng bằng Mekong năm 2013. Khi chứng kiến công ty Trung Quốc đang xây chiếc cầu nối liền Lào và Thái Lan, ông cảm tưởng về "cái chết" sắp đến của dòng sông. Một khi hạ tầng giao thông phát triển, quá trình đô thị hóa đẩy nhanh, con người liệu có kịp bảo vệ dòng sông trước khi bị tàn phá? Eyler trăn trở sự đa dạng sinh học - điều làm Mekong hùng vĩ sẽ biến mất. Ông muốn ghi lại tư liệu về dòng sông qua tiếp xúc với người bản địa. Eyler quan sát thiên nhiên, con người vùng Mekong thay đổi trong nhiều năm liền. Văn hóa địa phương dần mất đi, người trẻ không còn mặn mà với các công việc ở nông thôn. Điều này thúc đẩy công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển - vốn không nghiêm ngặt trong quy chế xử lý rác thải đô thị, khiến dòng Mekong ô nhiễm.

Cfr cho rằng tác giả sau cùng vẫn lạc quan, tin tưởng con người có thể cứu dòng sông nếu như các chính phủ chú trọng các chính sách bảo vệ môi trường và người dân thay đổi nhận thức. Sách gợi lại đời sống tốt đẹp nhờ dòng sông, con người làm nghề dựa vào sản vật thiên nhiên. Như việc làm mắm bò hốc ở Campuchia là cách hay để có dự trữ cá. Eyler phỏng vấn, nói chuyện với người dân để thu thập thông tin, tình cờ có được những mối quan hệ thân thiết. Ông ngưỡng mộ người bạn tuyên truyền lối sống bền vững và tổ chức cuộc cổ động nhằm nâng cao ý thức ở vùng Tam giác Vàng.

Tác giả Brian Eyler, là chuyên gia về vấn đề xuyên biên giới tại Mekong và hợp tác kinh tế Trung Quốc -
Đông Nam Á. Ảnh: Stimson.org.

Brian Eyler là Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm Stimson tại Washington (Mỹ). Trong 15 năm, Eyler nghiên cứu về dòng sông và cuộc sống người ở Mekong. Ông là cố vấn cho tổ chức Kinh tế Mekong Langcang tại Vân Nam. Năm 2013, tác giả đồng thành lập trang web East by Southeast, cung cấp thông tin kinh tế, môi trường của các quốc gia Đông Nam Á.

Mekong – một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, dài 4.354km. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dòng sông có vai trò quan trọng với sự kiến tạo các nước Đông Nam Á.

Theo vnexpress