Khách tham quan triển lãm thời Xô Viết tại trung tâm văn hóa Rybinsk

Một cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm nghiên cứu độc lập Levada hồi cuối tháng 11 cho thấy, 58% người Nga được hỏi nói rằng họ hối tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô, 25% không tiếc nuối và 16% không thể diễn tả cảm xúc bằng một từ.

Khi các nhà nghiên cứu hỏi về nguyên nhân, 54% trong số những người hối tiếc về sự kết thúc của Liên Xô nói rằng, họ nhớ hệ thống kinh tế, 36% nói họ mất đi cảm giác thuộc về một siêu cường thực sự, 34% phàn nàn về sự giảm lòng tin giữa những người bình thường, và 26% nói, sự sụp đổ đã phá hủy mối quan hệ giữa bạn bè và người thân.

Nghiên cứu còn cho thấy, 52% người Nga nghĩ rằng việc Liên Xô sụp đổ có thể tránh được, 29% nói sự kiện này hoàn toàn không thể tránh và 19% không có ý kiến.

Số người tiếc nuối sự sụp đổ của Liên Xô tăng liên tục trong thập kỷ qua, năm 2009 thậm chí còn cao hơn hiện tại, ở mức 60%. Mức cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận vào năm 2000 là 75%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhiều lần đề cập đến sự sụp đổ của Liên Xô trong các bài phát biểu của mình. Phát biểu trước Quốc hội Nga năm 2005, ông Putin gọi đây là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20 và là nguyên nhân gây gián đoạn lớn đối với người Nga.

Tháng 9.2016, ông Putin nói rằng, Đảng Cộng sản đáng ra nên biến Liên Xô thành một nhà nước dân chủ thay vì tách thành các quốc gia độc lập.

Mặc dù vậy, Tổng thống Putin luôn nhấn mạnh rằng ông và các quan chức Nga không có kế hoạch khôi phục lại Liên Xô.

Theo RT, ông Putin còn cáo buộc các chính phủ phương Tây cố tình gây nhầm lẫn nước Nga hiện đại với Liên Xô, gây tổn hại lợi ích của người dân bình thường với cái cớ là ngăn chặn một mối đe dọa không có thật.

Theo Lao động