Thanh Huyền, quê Thanh Hóa, đã sống và làm việc ở Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Bỉ và Đức, hiện là Marketing Specialist trong một tập đoàn hàng đầu của Nhật, văn phòng chi nhánh châu Âu tại Đức. Huyền đồng sáng lập trang song ngữ Anh - Việt - Beyond Tra Da Podcast, để chia sẻ việc học, xin học bổng và định hướng công việc cho các bạn trẻ.

Quá trình hội nhập, làm việc ở đa quốc gia, Huyền rút ra nhiều bài học cho mình và có thể hữu ích với nhiều bạn trẻ.

                      Huyền tới thăm thành phố Porto, Bồ Đào Nha, tháng 8/2020. Ảnh: NVCC.

Sáng suốt khi lựa chọn công việc

Nếu phải chọn, tôi sẽ chọn một công ty tốt thay vì chọn một công việc thú vị. Nếu có công việc tốt trong một công ty ổn là tốt nhất, nhưng nếu phải chọn công việc bình thường trong một công ty tốt về lâu dài sẽ tốt hơn một công việc thú vị trong một công ty bình thường. Đó là trường hợp bạn được lựa chọn, còn khi đang thất nghiệp thì công việc nào cũng tốt.

Vậy thế nào là một công ty tốt? Ví dụ, với hộ chiếu Việt Nam, khi đã có visa Mỹ thì xin visa để sang một số nước dễ dàng hơn rất nhiều, thậm chí không cần xin visa. Công ty tốt cũng giống như visa Mỹ vậy. Ngoài ra, định nghĩa một công ty tốt còn tùy vào nghề nghiệp, ngành nghề và định hình chiến lược sự nghiệp lâu dài của bạn nữa, không có một đáp án chung.

Nếu bạn muốn làm Marketing B2C thì một công ty nhỏ FMCG sẽ tốt cho bạn bắt đầu hơn là một công ty lớn B2B. Khi học xong MBA, tôi nhận được lời mời làm việc từ hai công ty. Lúc nói chuyện và tìm hiểu, tôi biết công việc tại Bỉ thú vị hơn nhiều nhưng công ty đó quy mô nhỏ.

Công việc ở Đức chán hơn một chút (một đặc thù của nhiều công ty lớn) và quyết định nhiều khi cần rất nhiều thời gian (vì là công ty Nhật). Tôi định chọn công việc ở Bỉ, nhưng cố vấn (mentor) của tôi đã thuyết phục chọn công ty ở Đức. Đến giờ, tôi thấy sự lựa chọn đó là đúng.

Tìm mentor sớm

Tìm được một mentor tốt rất quan trọng, tôi may mắn khi có 4 người giúp đỡ, định hướng công việc và học tập.

Để tìm đươc mentor phù hợp, bạn hãy bắt đầu bằng việc hỏi. Một điều tôi nhận ra từ chính mình là tâm lý ngại hỏi, sợ phiền hà đến người khác, suy nghĩ có hỏi thì người ta cũng chẳng giúp. Tuy nhiên, bạn nên nhớ nếu không hỏi thì đương nhiên câu trả lời sẽ luôn là không.

Nếu bạn hỏi sẽ có người từ chối và sẽ có người giúp. Tôi nhận ra những người đã có kinh nghiệm và thành công nhất định đều khá hào phóng trong việc giúp đỡ người khác.

Nếu được làm lại, tôi sẽ nhận ra tầm quan trọng của mentor sớm hơn và bắt đầu sớm hơn.

Chủ động trong công việc

Nếu công việc hơi nhàm chán nhưng mọi thứ khác ở công ty đều ổn, hãy nói chuyện với sếp trước khi xin nghỉ việc. Đôi khi sếp không biết bạn chán việc, nói chuyện thẳng với sếp và mong muốn nhận được những dự án thú vị hơn. Trường hợp mọi việc không thay đổi, lúc ấy bạn xin nghỉ cũng chưa muộn.

Nếu thấy một dự án nào đó trong công ty bạn muốn tham gia, hãy liên hệ trực tiếp với người phụ trách và nói rằng bạn muốn học hỏi, hỗ trợ họ. Bạn không nên chỉ chờ sếp giao việc cho mình.

Thay vì chỉ làm việc được giao, tôi chủ động tìm kiếm và viết ra những đề xuất dự án tôi muốn làm và có lợi cho công ty. Sếp đồng ý cho tôi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về dự án này. Sau đó, tôi được cử sang trụ sở chính ở Tokyo, Nhật Bản, trình bày hai dự án và được thông qua, cấp ngân sách để thực hiện.

Ngoài việc được làm những dự án mà mình muốn, tôi còn cơ hội mở rộng mối quan hệ với đồng nghiệp ở trụ sở ở Nhật. Tôi cũng được sếp tin tưởng hơn.

Công ty Nhật khó thăng tiến về mặt thay đổi tên chức vụ vì nhiều khi phải theo thâm niên. Nhưng bằng cách trên, tôi được tăng lương, được giao các dự án khác.

Khéo léo trong ứng xử với sếp

Khi làm việc với những quản lý mà bạn cho là không giỏi lắm, đừng cố chứng minh bạn giỏi hơn họ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến việc thăng tiến của bạn, hoặc đôi khi là việc bạn có được tham gia một dự án hay không.

Nếu tỏ ra hoặc chứng minh bạn giỏi hơn, họ sẽ càng có thành kiến với bạn. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận họ là sếp mình, tìm cách lôi kéo sự ủng hộ, khéo léo tìm sự đồng thuận của họ cho những dự án của mình. Bạn có thể trình bày riêng với sếp những ý tưởng mà bạn nghĩ là hay và xin ý kiến. Việc này nhằm liên kết ý tưởng dự án của bạn với sếp.

Quản lý thời gian hiệu quả

Tôi dễ bị phân tâm nên thường tắt thông báo của Whatsapp, Facebook và những ứng dụng khác trên điện thoại, trừ tin nhắn và cuộc gọi đến. Chỉ kiểm tra điện thoại vài giờ/lần giúp tôi làm việc hiệu quả hơn nhiều.

Ngoài ra, một khi đã mở email, bạn phải xử lý email đó: Trả lời, ghi chú vào phần danh sách cần hoàn thành (to-do list), hay cho vào follow up (theo dõi, giám sát). Đã mở email là bạn phải rời nó ra khỏi inbox, tránh việc phải xử lý thư đó khi bạn mở ra lần tiếp theo.

Bạn nên tránh bắt đầu và làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc. To-do list của tôi có phần việc ưu tiên và tôi chỉ làm một việc, kết thúc rồi chuyển sang làm việc khác. Làm nhiều việc một lúc khiến tôi tốn nhiều thời gian và không hiệu quả.

Theo vnexpress