Nghi thức đập nát nhẫn, đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hôn nhân ở Nhật.
Nó là biểu tượng của sự tan vỡ, mất mát...



Trước đó, thái độ tiêu cực với việc ly hôn trong xã hội Nhật Bản bắt nguồn từ "koseki", hay hệ thống đăng ký gia đình. Vào thời trước những năm 1990, các biên bản đăng ký còn được viết tay, khi kết hôn, một người sẽ đổi sang họ của người kia và nhập vào gia đình vợ hoặc chồng. Tên của họ sẽ được viết trong danh sách đăng ký gia đình chính thức của người kia. Khi hôn nhân chấm dứt, tên của họ sẽ bị gạch bỏ bằng một chữ X lớn - biểu tượng "batsu" trong tiếng Nhật. Họ sẽ trở thành "batsuichi" (ly hôn một lần). Ly hôn hai lần đồng nghĩa với hai dấu X và trở thành "batsuni".

Ngoài ra, batsu (dấu X) cũng thường được giáo viên dùng để chữa bài cho học sinh. Việc dùng tay tạo chữ X là cử chỉ để cho thấy thứ gì đó "không ổn" hoặc "không đủ tốt". Định kiến "batsu = không tốt" khớp với liên hệ "ly hôn = không tốt" của phần lớn người dân Nhật Bản.

Bên cạnh khó khăn về tài chính, các bà mẹ đơn thân còn đối mặt với định kiến của xã hội

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ ly hôn tại Nhật Bản đã tăng tới mức chóng mặt. Một khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản vào năm tài khóa 2016 cho thấy, tỉ lệ ly hôn là 1,73/1.000 dân. Con số này đã tăng gấp 3 lần thời trước Thế chiến II. Năm 2016, 621.000 cặp đôi kết hôn và 217.000 cặp ly hôn. Tức là cứ 3 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn.

Tương đồng với con số đó, gần đây truyền thông ở Nhật Bản cũng đang có xu hướng dần thay thế ý nghĩ tiêu cực "batsu = không tốt" của chữ X với "maru" (vòng tròn) để nói về hiện tượng ly hôn. Tiêu biểu có công ty Recruit Holdings (nổi tiếng với việc xuất bản tạp chí cô dâu và đám cưới Zexy) cũng đã chọn từ "maru ni" làm từ khóa cho năm 2014 để khuyến khích mọi người tìm lấy cơ hội hạnh phúc lần thứ hai. Họ đẩy mạnh ý tưởng rằng dù lần đầu không bền lâu, bạn không nên trốn dưới chăn và kéo rèm che kín cả đời. Công ty này cũng đã thực hiện một cuộc điều tra về tái hôn tại đất nước này. Khi nhiều người được hỏi về cảm nghĩ của họ về tái hôn, đã có 72% chia sẻ rằng họ suy nghĩ tích cực hơn về vấn đề này. Khi được hỏi chi tiết hơn, chỉ 8% cho rằng tái hôn tạo ra gánh nặng cho gia đình và người thân của các cặp đôi, và chỉ 1% cảm thấy rằng tái hôn là một điều đáng xấu hổ.  

Song hành với thái độ cởi mở về ly hôn, hiện ở Nhật cũng đã xuất hiện những giải pháp chuyên hỗ trợ phụ nữ sau ly hôn. Tiêu biểu có nhóm “Single Mothers By Choice” (Làm mẹ đơn thân là một sự lựa chọn) với những chiến lược giúp nhau thành công, khẳng định vị thế của mình trong công việc và xã hội với những kế hoạch thành công mà không cần có sự hỗ trợ tài chính của người đàn ông.

"Divorce Newspapers" một tờ báo chuyên dành để nói về những người đã ly hôn
cũng đang được nhiều độc giả quan tâm ở Nhật Bản.


Divorce Newspapers (tạm dịch: Tờ báo ly hôn) cũng đang hỗ trợ đăng tin của những đôi vợ chồng đang trên bờ vực hôn nhân có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ và phơi bày những rạn nứt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Với nội dung này của mình, Divorce Newspapers hy vọng sẽ giúp những người đang nghĩ tới chuyện ly hôn ở Nhật có cái nhìn thoải mái hơn về chuyện đã qua và tự tin để bắt đầu một cuộc sống mới...

Theo Phunuvietnam.vn