Hội "1% siêu giàu" là danh từ chung chỉ nhóm 1% những người sở hữu nhiều tài sản, tiền của nhất trong tổng dân số của từng quốc gia. Theo Bloomberg, khối lượng tài sản để gia nhập "câu lạc bộ" danh giá này ở mỗi quốc gia là khác nhau.

Có nơi chỉ cần có thu nhập vài chục nghìn USD/năm đã được đánh giá là người "siêu giàu". Tuy nhiên, ở một số nơi khác, các siêu giàu phải chứng minh khối tài sản cá nhân vượt hàng triệu USD kèm nhiều điều kiện khác để góp tên trong hội này.

Ví dụ, ở Monaco, các triệu phú phải sở hữu ít nhất 8 triệu USD để được có tên trong danh sách những người giàu nhất. Monaco được mệnh danh là đất nước của giới siêu giàu, nơi du thuyền, máy bay trực thăng, siêu xe như Rolls Royce và Ferrari xuất hiện nhan nhản như taxi ven đường. Vì vậy, lượng tài sản cần thiết để vượt lên mặt bằng chung của cư dân ở đây cũng khá cao.

1% nguoi giau nhat the gioi anh 1

Khối tài sản tối thiểu để góp mặt trong danh sách 1% giàu nhất tại từng quốc gia. Ảnh:Bloomberg.

Thụy Sĩ và Mỹ là hai quốc gia có lượng tài sản cần thiết để gia nhập hội "1% siêu giàu" cao tiếp theo. Theo báo cáo Wealth 2021 của Knight Frank, người giàu ở hai nước này phải sở hữu tối thiểu 5,1 triệu USD và 4,4 triệu USD để lọt top 1%. Ở Singapore, chỉ cần sở hữu 2,9 triệu USD là đủ điều kiện có tên trong danh sách này.

Ở Trung Quốc, thu nhập trước thuế khoảng 107.000 USD/năm đã đủ để lọt top 1% người giàu nhất trong tổng 1,4 tỷ dân. Tại UAE, thu nhập tối thiểu phải hơn 900.000 USD/năm. Con số này gấp 12 lần thu nhập ngưỡng siêu giàu tại Ấn Độ. Ở hầu hết nước phát triển, thu nhập từ 200.000 đến 300.000 USD/năm là đủ giúp bạn lọt top 1%.

Kết quả của khảo sát cho thấy sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các quốc gia. Lượng tài sản để lọt nhóm 1% người giàu nhất ở Monaco cao gấp 400 lần so với Kenya, nơi được xếp hạng thấp nhất trong số 30 địa điểm được khảo sát trong nghiên cứu của Knight Frank.

Theo Bloomberg Billionaires Index, 500 người giàu nhất thế giới kiếm thêm xấp xỉ 1.800 tỷ USD trong năm ngoái. Trong đó, những người giàu nhất thế giới như CEO Tesla Elon Musk và CEO Amazon Jeff Bezos có thêm hàng chục tỷ USD

Bên cạnh đó, Singapore là địa điểm được dự báo sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của giới siêu giàu. Từ lâu, thành phố này đã là trung tâm của nhiều cự phú trên thế giới bởi mức sống cao và các quy tắc bảo mật nghiêm ngặt.

1% nguoi giau nhat the gioi anh 2

Các quốc gia có tỷ lệ triệu phú, tỷ phú sinh sống nhiều nhất trên thế giới. Ảnh:Bloomberg.

Lợi nhuận mà các triệu phú, tỷ phú kiếm được tăng vọt trong đại dịch cùng chi phí phát sinh từ cuộc khủng hoảng Covid-19 leo thang đã khiến một số quốc gia áp dụng cách khai thác thuế tài sản mới. Hơn 1/3 chuyên gia tư vấn cho giới siêu giàu trong báo cáo của Knight Frank cho biết vấn đề thuế là mối quan tâm hàng đầu của giới siêu giàu hiện nay.

Ông Liam Bailey, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank, nhận xét: "Ta có thể thấy rõ ảnh hưởng từ chính sách thuế đối với những cá nhân giàu nhất".

"Các chính phủ đã chi rất nhiều tiền để hỗ trợ nền kinh tế. Ngày càng nhiều người quan tâm đến câu hỏi: Ai sẽ trả tiền cho tất cả khoản chi này của chính phủ?", ông Bailey nói.

Theo  Zing