Ra mắt vào năm 2014, Red Velvet được coi là một trong những nhóm nữ Kpop thành công nhất thuộc thế hệ 3. Tuy nhiên, tương lai của Red Velvet đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi Irene, thành viên giữ vị trí visual, bị dư luận chỉ trích nặng nề. Đầu tháng này, một stylist (cố vấn trang phục) đã tố cáo hành vi chèn ép, sỉ nhục nhân viên của nữ idol trong một buổi chụp hình thời trang.

Vụ việc nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông, công chúng Hàn Quốc và thế giới. Nhiều nhân viên từng hợp tác trong ngành cũng xác nhận lối hành xử ngạo mạn của nữ idol phía sau ánh đèn sân khấu.

Bê bối của "nữ thần visual thế hệ 3" phần nào vén màn bí mật về tình trạng bắt nạt đồng nghiệp, nhân viên trong giới nghệ sĩ. Thực tế, lợi dụng quyền lực, địa vị để chèn ép người khác là vấn nạn "ăn sâu bám rễ" tại Hàn Quốc, nơi có sự phân cấp vai vế xã hội rõ rệt.

irene bat nat stylist anh 1

Nữ nghệ sĩ thần tượng Irene (Red Velvet) trở thành tâm điểm chỉ trích vì hành vi chèn ép nhân viên stylist.

Dùng quyền lực để chèn ép người khác

Nhà văn Jung, người đang thực hiện một cuốn sách về phong trào #MeToo, cho rằng làn sóng chỉ trích của công chúng đối với ca sĩ Irene bắt nguồn từ sự phẫn nộ trước nạn "gapjil".

Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ hành vi bắt nạt, o ép người khác dựa vào quyền lực và địa vị xã hội của mình.

"Bất kể tính xác thực hay mức độ nghiêm trọng của vụ việc, công chúng coi đây là một hành động 'gapjil' - vấn nạn nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc", Jung nhận định.

Tại xứ kim chi, người nổi tiếng, đặc biệt là các nghệ sĩ thần tượng, luôn cố gắng xây dựng và giữ gìn hình ảnh tươi mới, lành mạnh trước công chúng. Đặc biệt, với các idol nữ, họ cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về đạo đức và ngoại hình để tồn tại trong giới giải trí.

Ngược lại, đa số nghệ sĩ nam có thể hoạt động trong ngành dù gây nhiều tranh cãi, thậm chí là vướng vào các vấn đề pháp lý. Năm 2014, nam ca sĩ Kim Hyun Joong đối mặt với một loạt cáo buộc, nhưng vẫn tiếp tục phát hành album và xuất hiện trên truyền hình sau một thời gian ngắn.

"Dù là nam hay nữ, các nghệ sĩ đều phải hứng chịu sự phẫn nộ của công chúng nếu phạm sai lầm. Tuy nhiên, làn sóng tẩy chay ấy sẽ kéo dài trong bao lâu, ảnh hưởng thế nào đối với sự nghiệp của một nghệ sĩ thì không thể đong đếm được", Jung nói.

irene bat nat stylist anh 2

Sự nghiệp của nhiều nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc bị hủy hoại vì bê bối bắt nạt đồng nghiệp, nhân viên.

Trong trường hợp của Irene, truyền thông và công chúng Hàn Quốc đang cố gắng kéo đổ hình tượng "nữ thần visual" cô dày công xây dựng. Báo đài liên tục đưa tin về sự việc, thậm chí còn đăng tải những nội dung tổng hợp tin đồn, tranh cãi thái độ trong quá khứ và phân tích nhân tướng học của cô.

Mới đây, một số nhãn hàng thân thiết buộc phải gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo do Irene làm đại diện vì áp lực dư luận. Hàng loạt người hâm mộ quay lưng, bày tỏ sự thất vọng về thần tượng và lo lắng cho tương lai của Red Velvet.

Bên cạnh đó, nhà văn Jung cũng liên hệ làn sóng bài trừ nữ idol với tình trạng thiếu hụt phụ nữ nắm quyền ở nơi làm việc. Theo nghiên cứu của Jung, 70% các công ty tại Hàn Quốc vắng bóng phái đẹp trong các vị trí lãnh đạo như hội đồng quản trí hay ban quản lý.

Cô cho biết nữ giới Hàn Quốc gặp nhiều trở ngại trong công việc khi phải cân bằng giữa gia đình và công việc, vấp phải định kiến giới và thường xuyên bị quấy rối tình dục trong môi trường làm việc.

Hiện tại, Jung cho rằng rất khó để nhận định về tương lai của Red Velvet nói chung và Irene nói riêng.

"Tôi không biết sự việc sẽ tiếp diễn ra sao. Tôi nghĩ tranh cãi 'gapjil' của Irene có một phần trách nhiệm của truyền thông khi áp đặt tiêu chuẩn quá khắt khe với phái nữ", Jung chia sẻ.

Theo  Zing