Trẻ em đã quen với cảnh ngập lụt trên Quần đảo Marshall, 1 quốc gia ở Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng nhất bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu - Ảnh: AFP/Getty Images
Lợi dụng tình cảnh của những phụ nữ trên Quần đảo Marshall, Paul Petersen đã trả tiền cho họ đến Mỹ bất hợp pháp để trao con làm con nuôi cho người Mỹ. 3 năm gần đây, riêng Petersen đã thực hiện ít nhất 70 trường hợp nhận con nuôi ở Arizona, Utah và Arkansas.
Petersen “đã lôi kéo các bà mẹ chấp thuận cho con làm con nuôi, một việc những người phụ nữ này không hoàn toàn hiểu rõ”, Trợ lý Thứ nhất Thẩm phán liên bang Quận Tây Arkansas - Timothy Brooks - cho biết. Thẩm phán Brooks nói rằng Petersen đã lạm dụng chức trách luật sư để đánh lừa hoặc hướng dẫn người khác nói dối trước tòa án trong việc nhận con nuôi.
Thẩm phán Brooks buộc tội Petersen đã biến niềm vui nhận con nuôi thành "một doanh nghiệp buôn bán trẻ sơ sinh”.
Quần đảo Marshall trước đây từng được Mỹ sử dụng làm bãi thử bom hạt nhân trong cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh và vì vậy, người dân trên đảo có tỷ lệ mắc bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh cao. Quần đảo này giành được độc lập từ Hoa Kỳ vào năm 1986 nhưng "quan hệ liên kết tự do" tồn tại giữa 2 quốc gia, có nghĩa là những người Marshall đủ điều kiện có thể làm việc, sinh sống và học tập ở Mỹ mà không cần thị thực. Tuy nhiên, công dân Quần đảo Marshall bị cấm đến Mỹ với mục đích cho nhận con nuôi kể từ năm 2003.
Petersen vốn là một thành viên của Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su, bản thân từng là một nhà truyền giáo Mormon ở Quần đảo Marshall, ông ta thông thạo ngôn ngữ của người Marshall.
Vị cựu quan chức tuyên bố rằng ông ta đã thực hiện hàng trăm vụ nhận con nuôi hợp pháp sau khi “tìm ngôi nhà cho những đứa trẻ dễ bị tổn thương từ Quần đảo Marshall và giúp đỡ những bà mẹ nghèo muốn có cuộc sống gia đình ổn định hơn cho con cái của họ”. Nhưng tội ác của Petersen cho thấy mối liên hệ đáng lo ngại giữa các nhóm dân cư 1 số khu vực nghèo nhất trên thế giới và đặc tính dễ bị bóc lột của họ khi diễn ra khủng hoảng khí hậu.
Quần đảo Marshall là 1 quốc gia ở vùng trũng Thái Bình Dương, chỉ nằm cao hơn mặt biển Thái Bình Dương khoảng 1,8m, có các quốc gia láng giềng gần nhất cách xa hàng ngàn hải lý là Hawaii (Mỹ), Papua New Guinea và Nhật Bản.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Hawaii dự báo có khoảng 55.000 người Quần đảo Marshall có thể mất đất sinh sống vì bị ngập sâu trong nước biển vào khoảng thập niên 2080. Một cơn bão trái mùa quét qua quần đảo năm 2015 đã xé toạc các mái nhà, gây mất điện một nửa trong số 25.000 người sống ở thủ đô Majuro, và khiến các con tàu vội lao vào bờ tránh bão. Theo báo cáo năm 2015 của HuffPost, quần đảo thường xuyên trong tình trạng thiếu nước ngọt, suy dinh dưỡng và bệnh tật.
Vào năm 2018, Quần đảo Marshall là quốc gia đầu tiên đệ trình “Đóng góp do Quốc gia xác định” (NDC) cập nhật cam kết giảm phát thải theo Hiệp định khí hậu Paris. Quần đảo Marshall cam kết sẽ giảm lượng khí thải xuống 58% so với mức năm 2010 vào năm 2035 và cam kết sẽ đạt mức zero vào năm 2050.
Đầu năm nay, Tổng thống David Kabua, cảnh báo rằng đất nước của ông có nguy cơ bị cuốn trôi bởi nước biển dâng và kêu gọi các quốc gia khác tại Đại hội đồng LHQ hành động, ông lưu ý rằng các quốc gia đảo nhỏ và đảo san hô như của ông “không có thời gian cho những lời hứa trên giấy”.
Nhưng khi việc ngăn chặn triều cường ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi nếu có cơ hội.
Melisa Laelan, người sáng lập và là người đứng đầu Liên minh Arkansas của người Quần đảo Marshall, nói với tờ The New Yorker đầu năm nay rằng khi biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, “số lượng người rời khỏi quần đảo mỗi năm ngày càng cao hơn”. Khoảng 12-15.000 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, tụ về điểm đến “không hợp lý” ở Springdale tây bắc Arkansas.
Do một loạt các khác biệt văn hóa, rào cản ngôn ngữ và, trong một số trường hợp, do hành vi săn mồi của các luật sư và người trung gian, nhiều phụ nữ Marshall đã cho con làm con nuôi mà không biết rằng họ sẽ không bao giờ gặp lại con mình.
Shelma Lamy là một bà mẹ đơn thân 20 tuổi nuôi 1 cô con gái nhỏ, cô được Petersen đưa đến Mỹ khi mang thai 7 tháng vào năm 2015 và được trả 1.500 USD mỗi tháng làm chi phí sinh hoạt. Ngay sau khi cô sinh, con trai của cô đã được 1 cặp vợ chồng da trắng ở Utah nhận làm con nuôi. Lamy sau đó tiếp tục có thêm 2 con được nhận nuôi thông qua đường dây của Petersen.
“Tôi được nói rằng các con sẽ quay lại với tôi khi tròn 18 tuổi. Khi chúng kết thúc trung học, cha mẹ nuôi sẽ kể cho bọn trẻ nghe về tôi, và cuối cùng chúng sẽ quay lại”, người phụ nữ Marshall – hiện đang mang thai mới - nói với tờ The New Yorker và buồn bã thừa nhận rằng cuối cùng điều đó có thể không xảy ra. Đơn giản vì Luật Arkansas cho phép nhận con nuôi khép kín, có nghĩa là “không có sự tương tác giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi”.
Năm 2018, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng 3 khu vực (Mỹ Latinh, cận Sahara châu Phi và Đông Nam Á) sẽ tạo ra thêm 143 triệu người di cư vì khí hậu vào năm 2050. Làm thế nào để bảo vệ hàng triệu người dễ bị tổn thương khỏi các âm mưu do bọn tội phạm như Petersen thực hiện là một thách thức lớn.
Thẩm phán Arkansas, người kết án Petersen, đã mô tả hành vi nhận con nuôi của ông ta là một "kế sinh nhai tội phạm", bằng cách đó ông ta đã lừa gạt người đóng thuế. Petersen bị kết án 6 năm ngồi tù liên bang tại Arkansas, đây là hình phạt đầu tiên trong 3 hình phạt mà ông ta sẽ phải đối mặt, 2 phiên tòa tiếp theo với cùng tội danh được xét xử tại các tiểu bang Utah và Arizona.
Các công tố viên cho biết, số tiền Petersen kiếm được từ hoạt động nhận con nuôi đã giúp ông ta có một lối sống xa hoa, bao gồm các chuyến đi đắt tiền, xe hơi sang trọng và nhiều nhà ở.
Theo phunuonline.com