Sierra Leone là một trong những nơi tồi tệ nhất trên thế giới đối với những ai sinh ra là phụ nữ. Đất nước Tây Phi với khoảng sáu triệu dân này đang bị chia cắt bởi một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài hơn một thập niên và gần đây còn bị tàn phá bởi dịch bệnh do vi-rút Ebola gây ra.


                                      Zarina (7 tuổi) chuyên đi nhặt rác tại bãi rác Ghazipur ở Delhi, Ấn Độ để nuôi sống bản thân Ảnh: Stephanie Sinclair


Xứ sở nạn nhân bị hắt hủi, ghẻ lạnh

Phụ nữ ở Sierra Leone suốt đời phải trải qua những rào cản và truyền thống coi thường phụ nữ. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), 90% phụ nữ ở đây đã trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM) khi họ sắp bước vào tuổi trưởng thành. 

Tại quốc gia này, gần một nửa số chị em đã phải kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi và mang thai từ rất sớm.  Nhiều người trong số họ còn là nạn nhân của bạo lực tình dục. Ở Sierra Leone, tội hiếp dâm thường không bị trừng phạt.  Vào năm 2013, hơn 1/4 trẻ gái từ 15 đến 18 tuổi ở Sierra Leone đã mang thai hoặc có con, chiếm tỷ lệ mang thai sớm cao nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc mang thai sớm và FGM cũng dẫn đến tỷ lệ phụ nữ Sierra Leone tử vong khi sinh cao nhất thế giới.

Khi tôi gặp Sarah ở Freetown,  cô mới 14 tuổi và đang mang thai sáu tháng. Sarah có giọng nói nhỏ nhẹ cùng vóc người nhỏ nhắn, thanh tú. Cô nói với tôi rằng cô đã bị cưỡng hiếp bởi một cậu bé sống gần nhà. Cậu ta đã rời thị trấn sau khi bị cáo buộc hiếp dâm cô. Khi biết tin Sarah có thai, mẹ cô đã đuổi cô ra khỏi nhà. Hiện tại, Sarah sống cùng mẹ của cậu bé đã cưỡng hiếp cô. Ở Sierra Leone, phụ nữ thường sống với gia đình chồng. Tại đây, Sarah phải nấu ăn, dọn dẹp và giặt giũ cho cả gia đình. Nếu có hơi lơ là việc nhà vì quá mệt, cô sẽ bị “mẹ chồng” đánh đập.

Ở một đất nước nghèo, được điều hành bởi một chính phủ dường như thường lãng quên phái nữ, điều khôn ngoan nhất các cô gái có thể làm là cố gắng thoát khỏi nơi họ sinh ra. Giữa tất cả mối đe dọa, trường học có thể là nơi trú ẩn duy nhất của họ. Giáo dục là một thách thức lớn vì không phải cô gái nào cũng có tiền đóng học phí. 

Cơ hội đổi đời từ một tấm bằng

Một tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học có thể mang lại cho các cô gái nhiều tự do hơn về kinh tế và không ít cơ hội cho tương lai. Họ có thể bước tiếp vào một trường đại học hoặc tìm những công việc tốt.

Tuy nhiên, một thống kê từ năm 2008-2012 cho thấy chỉ có 1/3 trẻ em gái học tới cấp trung học và việc mang thai là một trong những trở ngại lớn nhất. Bộ Giáo dục Sierra Leone đã cấm các cô gái đang mang thai đến trường. Chính sách này được áp dụng từ năm 2015 với mục đích ngăn họ làm ảnh hưởng đến bạn cùng trường và tránh cho họ bị chế giễu.

Mary Kposowa, cựu giám đốc một trung tâm dành cho trẻ em gái ở Sierra Leone, cho biết một số học sinh của cô gặp khó khăn khi đăng ký vào các trường học sau khi họ tạm nghỉ học để sinh con.

Người dân Sierra Leone thường nói rằng, gốc rễ của những tổn thương ở đất nước họ bắt đầu từ cuộc nội chiến giữa các nhóm nổi dậy và chính phủ. Nhiều năm qua, hàng ngàn trẻ em gái và phụ nữ đã bị hãm hiếp. Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng và hơn hai triệu người phải rời quê hương. Gần đây, dịch bệnh do vi-rút Ebola đã tàn phá đất nước họ, cướp đi sinh mạng của khoảng 4.000 người trong vòng chưa đầy hai năm.


                                   Cuộc hôn nhân sắp đặt giữa Baby Seibureh (17 tuổi) và Claude Seibureh (48 tuổi) ở Freetown Ảnh: Stephanie Sinclair
 

“Đất nước này không quan tâm đến thân thể, mạng sống và tinh thần của phụ nữ. Mọi chính sách của đất nước đều không có tiếng nói của phụ nữ” - Fatou Wurie, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Freetown, người lớn lên ở nước ngoài, sau đó trở về quê hương - nói. Wurie đã có phản ứng mạnh mẽ khi về thăm quê hương Sierra Leone lần đầu tiên. “Tôi đã từng ở Nigeria, Ghana, Sénégal và Bờ Biển Ngà nhưng Sierra Leone rất khác: ít mời gọi hơn, ít hào nhoáng hơn, đề phòng hơn và không thoải mái. Nhưng tôi cũng thấy rằng ngay cả ở đất nước đầy khó khăn này, một số cô gái vẫn đang tìm mọi cách để vượt lên số phận” - cô Wurie nhận định.

Những cô gái khát khao vượt lên số phận

Regina Mosetay đang ngồi trong thư viện trường ở Freetown. Bên ngoài, các bạn cùng lớp của cô đang ăn trưa và cười nói còn trong này, cô đang ôn bài cho kỳ thi cuối. Regina làm mẹ khi 17 tuổi nên cô phải vừa chăm sóc con gái mình là Aminata vừa học. Việc vừa cho con bú, vừa thay tã và học bài rất bình thường đối với cô.  

Regina có đôi mắt hình quả hạnh và khuôn mặt trái xoan. Cô lớn lên ở một xóm lao động với những con phố nhỏ hẹp luôn tấp nập. Mẹ cô đã nuôi nấng cô cùng anh trai và em gái trong ngôi nhà của cả đại gia đình với bà ngoại, anh chị em họ, chú bác... 

Cô bị đuổi học sau khi mang thai. Regina vô cùng đau khổ vì cô rất yêu thích việc học. Cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mang thai sớm nhưng rồi Regina đã có thai với bạn trai, Alhassan, vào năm 2015. Lúc đó Alhassan đang học năm cuối đại học. 

Regina may mắn được vào học ở một trung tâm hỗ trợ trẻ em gái trong ba tháng để cố gắng bắt kịp chương trình học. Sau khi sinh một tháng, cô được trở lại trường học. Regina sau đó đã cảnh báo bạn bè mình rằng hãy cẩn thận khi gặp gỡ các chàng trai, nếu không điều tương tự có thể xảy ra với họ.

Regina hiện sống với bạn trai cùng mẹ và bà của anh. Mẹ và bà của Alhassan hiện đang giúp chăm sóc Aminata khi Regina đến trường. Regina hy vọng cô và Alhassan sẽ xây dựng gia đình sau khi cô tốt nghiệp đại học. Cô muốn sau này làm việc cho một tổ chức giúp đỡ trẻ em, đặc biệt là giúp trẻ em gái có cuộc sống tốt hơn.

Kadiatu Kamara (hay KK, 19 tuổi), sinh ra tại một ngôi làng ven biển Bureh. Cha KK qua đời khi cô còn nhỏ. Cô sống cùng mẹ, bốn anh em trai và một em gái. Mẹ của KK đã phải làm việc vất vả để nuôi cô và một người anh trai đi học.

Aarti (9 tuổi) đi bán hoa một mình trên con phố Delhi trong mưa bão. Bất chấp rủi ro, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới đang phải làm việc để giúp đỡ gia đình thay vì đi học Ảnh: Stephanie Sinclair
 

Bốn năm trước, khi một câu lạc bộ lướt sóng bắt đầu hoạt động trên bãi biển, cô đã rất thích thú với môn thể thao này. Trước đây, cô chỉ nhìn thấy hình ảnh người ta lướt sóng trong những cuốn tạp chí du khách nước ngoài bỏ lại ở bãi biển.

Khi mới bắt đầu, KK không biết bơi. Một lần, sợi dây buộc ở mắt cá chân của cô bị đứt, tấm ván trôi đi và cô suýt chết đuối nếu không được một người lướt sóng khác kịp thời cứu sống. 

KK là một trong số ít nữ vận động viên lướt ván của Sierra Leone. Cô biết những cô gái đã mang thai và bỏ học thường phải kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi nhưng bản thân cô không thích điều đó và cô tập trung vào lướt sóng - niềm đam mê của cô.
KK cho rằng phụ nữ phải kiếm được tiền để không phụ thuộc vào đàn ông, để làm chủ cuộc đời mình. Cô phụ bếp cho một nhà hàng trên bãi biển. Buổi sáng, cô dậy sớm, lướt sóng, sau đó đi học. 
KK đang ấp ủ kế hoạch làm ra những tấm ván lướt sóng của riêng mình. Cô hy vọng ngày nào đó sẽ mở một cửa hàng để bán chúng và thành lập một trường dạy lướt sóng. Ngoài ra, KK còn muốn trở thành bác sĩ hoặc kế toán để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. 

Theo phunuonline.com.vn