Nhiều cặp vợ chồng trẻ quan niệm "dù trai hay gái, chỉ... một là đủ"

Đó là quan điểm của không ít phụ nữ trẻ này nay ở các thành phố lớn khi hôn nhân với họ không phải chỉ hướng đến mục đích duy nhất là “duy trì nòi giống”.
Theo số liệu trong cuộc tổng điều tra dân số ngày 1.4.2019 tại TP.HCM, tổng tỷ suất sinh ở TP.HCNM năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con. TP.HCM đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh có mức sinh thấp, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động vì thế có nguy cơ ngày càng giảm.

“Thấy chúng đi chơi suốt mà chẳng nghĩ đến chuyện mang bầu”

Nguyễn Quý và Ngô Thu Uyên (có studio ảnh tại đường Âu Cơ, Q.Tân Phú, TP.HCM) cưới nhau được 2 năm. Đến nay, gia đình và họ hàng sốt ruột vì cả hai chưa có dấu hiệu có em bé. Mẹ của Quý thấy hai vợ chồng nay ở Đà Lạt, mai đi Nha Trang, rồi thoắt cái lại Phú Quốc… Không những thế, trên Facebook của con dâu toàn thấy ảnh đi làm đẹp như uốn tóc, làm móng, chăm sóc da mặt..., mẹ Quý bèn ra tối hậu thư “chơi hết năm nay phải sinh cháu cho tôi ẵm”.
Tuy nhiên, Uyên cho biết: “Tụi mình mới 28 tuổi, mình muốn trải nghiệm cuộc sống đã, muốn đi đây đi đó cho thỏa, nếu có con coi như bị “trói chân”. Thanh xuân mà, đừng vướng bận sớm để sau này hối tiếc. Có khi lúc đó lại trách nhau “chỉ vì anh mà tôi quanh quẩn trong nhà này không đi đâu được” hoặc trách con là “chỉ vì con mà ba mẹ không biết Phú Quốc, Đà Lạt ở đâu” thì nguy. Tuy nhiên mình có kế hoạch hết rồi, đến 30 tuổi sẽ sinh cháu cho ông bà”.
Dù có kế hoạch sinh con, nhưng vợ chồng Quý – Uyên cũng dự định chỉ đẻ một con để tập trung chăm sóc  con được tốt nhất, cho học trường tốt nhất, sau này đi du học. “Nếu 2 đứa thì khó lòng đạt được mục tiêu cho con đi du học. Hơn nữa, mình thấy cuộc sống ngày nay nhiều áp lực quá, phải đối mặt với nhiều vấn đề quá, đẻ thêm một đứa là thêm một nỗi lo toan. Không chỉ về tiền bạc, mà còn về tinh thần. Mình sợ cảm giác con mình bị tổn thương bởi cuộc sống này”, Uyên chia sẻ.
Bà Nguyễn Minh Tú (lô A, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) sống cùng vợ chồng con trai ở đây được 4 năm. Thấy trẻ con nô đùa ở hành lang, bà Tú lại than thở: “Tôi thèm có một đứa cháu cho vui cửa vui nhà mà vợ chồng nó cứ đi đây đi đó suốt, chẳng chịu mang bầu. Tôi tưởng có vấn đề gì nên giục đi khám bác sĩ, ai dè con trai tôi nói “tụi con chưa muốn sinh con vì chưa sẵn sàng. Mẹ đợi con đi xong chuyến châu Âu về sẽ đẻ cháu cho mẹ bồng”. Tụi trẻ thời nay có suy nghĩ kỳ lạ thật!”.
Chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn đắt đỏ, thuê người trông con mỗi tháng cũng ít nhất 3-4 triệu đồng, rồi mai mốt lo học hành cho con cũng không đơn giản.  
Nguyễn Thúy Nga  

Nói về việc này, anh Minh Tân (con trai bà Minh Tú), cho biết: “Tôi muốn chúng tôi đủ trưởng thành, đủ nhận thức về cuộc sống để biết được sinh một đứa con ra thì cần làm gì tốt nhất cho con, lúc đó mới sinh. Và tôi cho rằng cha mẹ có hạnh phúc, có thoải mái thì con cái mới hạnh phúc được. Vì vậy, chúng tôi cũng chỉ định đẻ một con để cả vợ chồng, con cái đều có thời gian yêu thương, chăm sóc nhau”.

Một con để nuôi dạy cho tốt

Lý giải về việc phụ nữ trẻ ngày càng có xu thế “lười” sinh con, chị Nguyễn Thúy Nga (27 tuổi), nhân viên thu ngân tại hệ thống siêu thị BigC, nhìn nhận: “Bản thân em thấy, cuộc sống ở thành phố lớn rất áp lực. Chẳng hạn như vợ chồng em cưới nhau được 3 năm rồi nhưng kế hoạch đến sang năm mới có con. Lý do là vì tụi em chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị đủ điều kiện để đón một đứa trẻ ra đời.  Hai vợ chồng mong muốn phải mua được nhà, sau đó tích lũy được một chút tiền rồi mới sinh con. Nếu không, con mình sẽ rất thiệt thòi”.
Thúy Nga kể nếu sang năm có con, vợ chồng cô cũng sẽ rất khó khăn do hai vợ chồng không sống chung với bố mẹ, đi làm suốt ngày. Nội ngoại đều ở xa, nếu vào chăm cháu thì chỉ vào được vài tháng, sau đó vợ chồng cô phải thuê người giúp việc hoặc gửi con nhà trẻ. “Chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn đắt đỏ, thuê người trông con mỗi tháng cũng ít nhất 3-4 triệu đồng, rồi mai mốt lo học hành cho con cũng không đơn giản. Đó là tài chính, còn việc dạy con thời nay cũng nhọc nhằn, tốn nhiều tâm sức. Em nghĩ thôi đã thấy hoang mang. Vì thế hai vợ chồng quyết định dù trai hay gái cũng chỉ đẻ một con”, Nga thổ lộ.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Tuyết Lan (làm việc tại Trường ĐH Văn Hiến), lại chỉ thích… lấy chồng chứ không quá mặn mà với chuyện sinh con. Lan chia sẻ: “Em không ham hố vụ có bầu sinh con đâu. Tất nhiên tùy tình hình chồng mình như thế nào đã. Nếu điều kiện tài chính và sức khỏe phù hợp thì có thể nghĩ đến chuyện sinh đứa con thứ hai, còn không thì một đứa rồi tập trung nuôi cho tốt. Bây giờ mấy con không quan trọng. Thời nay sinh con, mang bầu rồi chăm sóc, lo cho bé trưởng thành không hề dễ dàng, Một đứa mà lo cho tốt thì vẫn hơn”.
Theo Tuyết Lan, khái niệm con đàn cháu đống chỉ thuộc về các cụ ngày xưa, còn thời nay, phụ nữ trẻ biết sống cho bản thân mình nhiều hơn và có trách nhiệm với mỗi quyết định của mình, trong đó có việc sinh con. "Và cũng không ít phụ nữ sợ sinh con nhiều sẽ mập, sẽ xấu, đó là một lý do có thật", Tuyết Lan chia sẻ.

Theo Thanh Niên