Mới đây, báo cáo Chỉ số sinh hoạt toàn cầu (WCOL) thường niên của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cho thấy đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến mức sống của người dân tại 133 thành phố trên thế giới.

Upasana Dutt, Giám đốc WCOL, đánh giá kết quả năm nay "bất thường hơn" so với các năm trước. "Đại dịch có tác động không nhỏ đến thói quen tiêu dùng của người dân toàn cầu".

Theo bảng xếp hạng WCOL 2020, Zürich (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp) tăng 4 hạng, vượt qua Osaka (Nhật Bản) và Singapore để trở thành 2 địa điểm có chi phí sinh hoạt cao nhất thế giới, bên cạnh Hong Kong (Trung Quốc).

Đáng nói, trong năm nay, đảo quốc sư tử giảm 3 bậc, đánh mất vị trí dẫn đầu suốt nhiều năm của mình. "Những năm qua, Singapore luôn nằm ở hạng nhất trên bảng xếp hạng. Nhưng giờ đây, điều đó đã thay đổi", bà Dutt nhận định.

Lý giải điều này, WCOL cho rằng việc phần lớn người ngoại quốc về nước tránh dịch khiến nhu cầu tiêu dùng tại đảo quốc sư tử sụt giảm mạnh. Trường hợp này cũng xảy ra ở Osaka, khi chính phủ Nhật Bản trợ cấp chi phí cho một số tiện ích công cộng.

thanh pho dat nhat the gioi anh 1

Zürich (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp) trở thành 2 thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, theo báo cáo của WCOL năm 2020.

Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại Tehran, thủ đô của Iran, tăng mạnh từ vị trí 106 lên 79 trong năm 2020. Báo cáo WCOL giải thích rằng các lệnh trừng phạt do Mỹ áp lên quốc gia này đã ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa.

Ngược lại, mức sinh hoạt tại nhiều thành phố ở Brazil, điển hình là São Paulo, giảm rõ rệt. Thành phố này hiện xếp thứ 119 trên bảng xếp hạng, phản ánh tình trạng nghèo đói gia tăng và mất giá đồng tiền.

Ở châu Âu, người dân tại các quốc gia nằm ở phía tây châu lục phải chi nhiều tiền hơn cho sinh hoạt. 4 trong số 10 thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng WCOL 2020 nằm ở Tây Âu, bao gồm Zürich, Paris, Geneva (Thụy Sĩ) và Copenhagen (Đan Mạch).

"Giá nhà tại Zürich có xu hướng tăng cao trong vài tháng qua. Cùng với Paris, các dịch vụ y tế tại thành phố này cũng tăng giá nhanh chóng", Dutt nói.

Ngoài ra, báo cáo trên cũng xếp phản ứng và năng lực ứng phó dịch bệnh của chính phủ các nước là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới mức sống. Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều quốc gia chọn tăng thuế để bù đắp sự thiếu hụt doanh thu.

Một số nước khác, ví dụ Argentina, đã áp dụng biện pháp kiểm soát giá thành với các sản phẩm có nhu cầu cao trong mùa dịch như giấy vệ sinh, nước rửa tay... để hạn chế tình trạng mua sắm hoảng loạn.

Khi được hỏi về khả năng phục hồi của các thành phố từng giữ vị trí đầu bảng như Singapore hay Osaka, bà Dutt cho biết điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. "Giá cả sinh hoạt phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng lạm phát, tỷ giá hối đoái...".

 

Theo Zing