Nhiều mặt hàng “chỉ bán ở thị trường VN”

Nhân câu chuyện về sản phẩm tương ớt Chin -su bị thu hồi ở Nhật Bản do chứa chất axit benzoic (E210), vẫn được sử dụng với một số thực phẩm khác tại Nhật trừ tương ớt, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, cho rằng lý do duy nhất có thể lý giải là chất axit benzoic nếu sử dụng trong sản phẩm cũng chứa axit ascorbic (vitamin C) sẽ tạo ra lượng benzene nhỏ. Đây là hóa chất gây bệnh bạch cầu và ung thư mà khoa học đã chứng minh.


“Ở đây, tương ớt có hàm lượng vitamin C rất cao, nên Nhật không cho phép sử dụng trong sản phẩm. Trong thực phẩm, có rất nhiều phụ gia được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho sử dụng an toàn, song nếu áp dụng một cách máy móc, kết hợp với chất nào đó thì sẽ tạo ra chất độc hại. Các nước nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, còn VN ta mới dừng lại ở việc Codex không cấm thì mình cứ dùng”, bác sĩ Ký cho biết.

Tương tự với chất chống ô xy hóa là BHA (320 - butylated hydroxyanisole) và BHT (321 - butylated hydroxytoluene) cũng được Codex cho phép sử dụng trong thực phẩm. VN sử dụng khá phổ biến 2 chất này dùng trong sản xuất dầu thực vật và sản phẩm dầu đậu nành, nhưng chỉ để bán tại thị trường nội địa. Dầu thực vật xuất khẩu sang các nước phát triển không có 2 chất này. Theo chuyên gia thực phẩm Nguyễn Thị Duy Tứ (Công ty TNHH Tâm Minh Ký), 2 chất này ở Nhật nếu dùng trong thực phẩm phải có chỉ định.
“Thực phẩm tại thị trường VN đang lạm dụng chất bảo quản nhiều quá”, bà Duy Tứ nhận xét. Với nước tương cũng vậy, theo chuẩn của EU, tối đa mỗi ngày cho một người dùng nước tương ở mức an toàn là 0,02 mg/kg trọng lượng cơ thể, thấp hơn 50 lần so với chuẩn 1 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày theo quy định tại VN.
Hay nước tương hiệu Maggi bán tại Pháp thành phần chỉ là: nước, muối, protein lúa mì, bột ngọt, đường, chất béo, a xít béo bão hòa, carbohydrate... Tuy nhiên, nước tương Maggi bán tại siêu thị Việt, ngoài các thành phần nước, muối, chiết xuất từ đậu nành lên men tự nhiên, đường, có thêm loạt các chất điều vị (611), màu tổng hợp (150c), a xít amin, chất điều chỉnh độ chua (260), chất điều vị (631, 627), chất ổn định (415), chất bảo quản (202), hương nước tương tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp (950)...
Người tiêu dùng Việt không quá lạ với những sản phẩm sữa, dầu gội đầu, nước tương, nước ngọt của các tập đoàn quốc tế có nhà máy sản xuất bán tại VN, thường có gắn thêm dòng “hàng chỉ bán tại VN”. Theo giải thích của nhà phân phối, nhiều chất bảo quản các nước hạn chế dùng, hoặc dùng có chỉ định, nhưng danh mục cho phép sử dụng trong thực phẩm của VN vẫn dùng bình thường nên có sự phân biệt sản phẩm theo hai dòng thị trường như vậy.

Hàng xuất đi EU, không đủ chuẩn vào siêu thị Việt

Không những hàng sản xuất theo “chuẩn riêng” gây băn khoăn lo lắng cho người tiêu dùng mà ngay chính doanh nghiệp (DN) VN khi làm hàng xuất khẩu và bán tại thị trường nội địa cũng gặp trở ngại. Mấy năm qua, rất nhiều hàng thủy hải sản VN đạt chuẩn xuất khẩu sang EU, song lại không đưa hàng vào được các siêu thị tại VN. Đây là thực tế gây sốc cho nhiều DN.
Vướng mắc trên nằm ở quy định “Giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu” (MRPL) về các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Quyết định 2005/34/EC ngày 11.1.2005 của Ủy ban Châu Âu (EC) quy định: Nếu kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức MPRL thì thực phẩm không bị cấm sử dụng và vẫn được phép nhập khẩu vào EU. Song, VN mới chỉ ban hành mức “Giới hạn tối đa cho phép” (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng nhưng chưa ban hành quy định về mức MPRL (Giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu).

ẢNH: SHUTTERSTOCK - ĐỒ HỌA: DU SƠN

Đại diện VASEP cho rằng EU quy định dư lượng hóa chất, kháng sinh nằm dưới ngưỡng MPRL không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhưng VN không có giới hạn tối thiểu, nên các siêu thị vẫn không chịu chấp nhận các lô hàng thực phẩm dù “đủ chuẩn vào EU” đưa vào bán tại thị trường nội địa. Đại diện VASEP cho biết đã gửi 6 công văn, đối thoại trực tiếp với Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế về vấn đề này, thế nhưng hiện vướng mắc về hàng thủy sản đạt chuẩn EU, không vào được siêu thị vẫn còn được các cơ quan ban ngành nghiên cứu.

Cấm độc chất gây ung thư... nhưng “ân hạn” 2 năm

Ngoài thủy sản, hàng nông sản Việt cũng đang gặp không ít khó khăn với cách áp chuẩn “không giống ai” của cơ quan chức năng. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (BTVT) thuộc Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2018, VN có 385 hoạt chất đơn và hơn 1.000 hỗn hợp các hoạt chất. Mỗi năm VN sử dụng khoảng 30.000 tấn thuốc trừ sâu trừ bệnh.
Có 3 hóa chất độc hại (fipronil, chlorpyrifos và glyphosate) đã được Cơ quan Bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (US.EPA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào hàng có nguy cơ gây ung thư cao, Bộ NN-PTNT tuy đã ra lệnh cấm nhưng lại... cho “ân hạn” thêm 2 năm.
Cụ thể, ngày 12.2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã ký Quyết định 501 loại bỏ 2 hoạt chất chlorpyrifos ethyl và fipronil ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại VN. Nhưng “thòng” thêm câu cho phép các loại thuốc BVTV này chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực. Riêng hoạt chất glyphosate vẫn đang được tiếp tục xem xét dù có rất nhiều nước cấm sử dụng. Đặc biệt mới đây, ngày 19.3, tòa án ở Mỹ ra phán quyết hoạt chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư.
Theo US.EPA và WHO, việc tiêu thụ trong thời gian dài hoặc quá mức sản phẩm có chứa fipronil gây nên khả năng gia tăng tế bào khối u tuyến giáp, gan và thận. Còn chlorpyrifos là chất độc hại đối với con người, khi da tiếp xúc với chất này có thể làm cơ bắp co thắt không tự chủ. Khi mắt tiếp xúc với chlorpyrifos có thể gây mờ mắt...
Rõ ràng, việc “ân hạn” này của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ DN nhưng gây hại không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường VN. Đáng nói hơn, thời gian “ân hạn” 2 năm được Bộ NN-PTNT áp dụng với nhiều loại độc chất khác và gần đây là hoạt chất paraquat và 2.4-D.
GS Võ Tòng Xuân nhận xét cách các lãnh đạo Bộ NN-PTNT thường dẫn ra hàng loạt các quy định, nghị định, thông tư để giải thích trước một quyết định cấm hoạt chất độc nào đó theo các thủ tục, trình tự rất cứng nhắc và “vô cảm”.
“Nếu vì vướng ở những quy trình thủ tục trên, đúng ra lãnh đạo Bộ NN-PTNT cần sửa đổi và kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi để có thể bảo vệ tốt nhất sức khỏe cộng đồng. Chúng ta không thể vì vướng quy định, mà chấp nhận các hoạt chất gây ung thư được tiếp tục lưu hành”, GS Võ Tòng Xuân nêu vấn đề.

VN cần có danh mục phụ gia theo lộ trình tùy thuộc vào tình hình kinh tế, văn hóa, thói quen người tiêu dùng. Chưa bắt chước hoàn toàn các nước phát triển được, nhưng chí ít phải cập nhật thường xuyên hơn. Hiện danh mục và hàm lượng phụ gia thực phẩm của chúng ta đang khá lạc hậu với các nước thế giới, nếu không nói là chuẩn thấp hơn các nước phát triển rất nhiều. Điều này gây thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng Việt.

Ông Nguyễn Lý Trường An (Chuyên gia xuất nhập khẩu - Phó giám đốc Công ty SeaAir Global)

Các nước phát triển 3 tháng một lần cập nhật và nếu cần là thay đổi các chất bảo quản được phép sử dụng trong thực phẩm. Danh mục cho phép các phụ gia thực phẩm của VN ít được cập nhật theo đúng xu thế thế giới, nên trở nên “lạc hậu” từ lâu. Chúng ta cứ theo Codex cho phép dùng tối đa bao nhiêu để áp mà không nghiên cứu sâu khi nó kết hợp với chất khác, sẽ tạo ra chất độc hại như cách làm của Nhật.

Chuyên gia dinh dưỡng Trần Văn Ký

 

                                                                                                                         Theo Thanh Niên