Minh họa

Theo số liệu thống kê mới ở Ba Lan, trung bình cứ 4 người vợ thì có 1 người có thu nhập cao hơn chồng. Thực tế, người trong cuộc không dễ thích nghi với thực tế này. Cho dù đàn ông đã không còn là thợ săn, người hùng đảm bảo nơi ở và thức ăn nuôi sống cả gia đình, song nhiều người chồng thấy mặc cảm.
 
Muôn vẻ, người trong cuộc

Chị Monika có thu nhập nhiều gấp 3 lần chồng mình. Tuy nhiên, chị cũng phải dành thời lượng gấp 3 lần chồng để thực hiện công việc của công ty và gia đình. “Từ lâu, tôi đã phải mang việc công ty về nhà làm tiếp, kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Vào lúc rảnh rỗi, tôi quét dọn nhà cửa, giặt giũ, tắm rửa”. 


Jacek, chồng chị, chưa tốt nghiệp đại học và làm thêm 2 tuần/tháng. Anh thường xuyên vùi đầu vào laptop với khẳng định “tìm việc làm”, song nhiều lần Monika bắt quả tang anh chơi game. Trong xô đựng rác có nhiều vỏ lon bia. Ở nhà, Jacek không nấu cơm, cũng không giúp vợ làm những công việc khác.

Vợ phải nài nỉ, anh mới đi chợ vào ngày nghỉ cuối tuần. “Đã vài tuần chúng tôi không có quan hệ tình dục, bởi không có thời gian, hoặc đơn giản không còn sức lực. Tôi cũng không biết khi nào mới sinh con, bởi tôi không biết có thể nuôi con vào lúc nào”, Monika than thở.

 
Chị Marta làm ở công ty quảng cáo còn anh Piotr, chồng chị, đã hơn 2 năm nghỉ không lương, ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. “Chúng tôi cùng thống nhất phương án “vợ gánh vác gia đình” bởi Marta kiếm được nhiều tiền hơn tôi và có triển vọng hơn.

Chúng tôi cũng không muốn thuê người giúp việc. Một số người bạn chê tôi “tự biến mình thành gà mái”. Mẹ tôi cũng không tán thành. Song thực tế vợ chồng tôi biết rõ việc mình làm”, Piotr tâm sự.

“Tôi biết, với sự phân công giữa hai vợ chồng, các con được chăm sóc tốt. Chồng tôi có năng khiếu sư phạm, anh dạy các con khám phá thế giới, anh ấy nấu ăn cũng rất ngon và làm việc nhà khéo. Liệu điều đó có khiến Piotr kém hấp dẫn đối với tôi? Không hề! Khi anh chăm sóc con, tôi cảm nhận tình yêu nồng cháy của anh”, chị Marta chia sẻ.


Chị Ewa có thu nhập gấp hơn 2 lần Andrzej, chồng chị, kể từ ngày chị được thăng chức. “Đó là tình huống không mong muốn đối với tôi. Hiện tại dù tôi đã quen với điều đó, song thực lòng tôi vẫn cảm thấy bản thân bị áp lực. Phải thừa nhận, vợ tôi có trình độ cao hơn tôi.

Cô ấy liên tục bổ túc khóa học nào đó, trong khi tôi không còn đầu óc để nâng cao kiến thức, bởi tuổi cao, sức yếu. Khi chúng tôi quen nhau, tôi có công ty riêng và nghĩ rằng, bản thân mạnh hơn vợ. Sau vài năm làm ăn thua lỗ, công ty buộc phải cắt giảm nhân công, thu hẹp sản xuất, thu nhập vẫn đủ sống.

Có thể vợ tôi không thấy hết khó khăn của tôi, song tôi không còn cơ may phát triển”, anh Andrzej chia sẻ.
Chị Ewa có cái nhìn khác: “Chồng tôi hoàn toàn không có ý chí phấn đấu và tự hài lòng với nếp sống trì trệ. Từ ngày hai con lớn lấy chồng, ra ở riêng, ông ấy điều hành công ty không khác gì một công chức lười nhác”.
 
Thay lời kết

Rõ ràng, việc người vợ tập trung phát triển sự nghiệp, kiếm tiền nhiều hơn chồng chưa hẳn đã là bi kịch đối với người trong cuộc. Nếu hai người thực lòng tôn trọng nhau, cùng có ý thức phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của gia đình, mọi khó khăn đều có thể vượt qua, mọi mặc cảm đều trở nên vô nghĩa.

Theo Phunuvietnam.vn