Cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark tại tọa đàm "Phụ nữ tham chính và Phụ nữ lãnh đạo" và buổi công chiếu bộ phim tài liệu "Một năm cùng Helen" tại Hà Nội này 7/11

Dù ở bất cứ đâu trên thế giới và dù bận rộn đến đâu, Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand ba nhiệm kỳ liên tiếp, người sau này trở thành nữ tổng giám đốc đầu tiên của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, luôn dành thời gian cuối ngày gọi điện về cho bố. Trước mỗi chuyến công tác dài, người từng được xếp vào danh sách 25 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes, lại xắn tay áo nấu hàng chục hộp thịt hầm và xếp gọn gàng vào tủ đông để bố ăn dần trong cả tháng.

Helen Clark sinh ra trong một gia đình ba đời làm nông trên sườn núi Pirongia ở khu vực Waikato, phía bắc New Zealand. "Nhà không có con trai. Bố huy động 4 chị em gái chúng tôi làm mọi việc trên nông trại. Tôi chưa bao giờ có khái niệm con gái không thể làm được việc này hay việc kia. Trong gia đình chúng tôi không tồn tại định kiến về giới", nữ lãnh đạo Clark nói trong cuộc phỏng vấn với VnExpress.

Nhờ gia đình, từ rất sớm, Helen Clark đã ý thức được sức mạnh của phụ nữ. Kể từ khi bắt đầu hoạt động chính trị năm 21 tuổi cho đến khi làm thủ tướng rồi trở thành lãnh đạo quyền lực thứ ba tại Liên Hợp Quốc, bà không ngừng tranh đấu cho sự bình đẳng giữa nam và nữ. "Có những vấn đề chưa từng được New Zealand ưu tiên cho đến khi một lãnh đạo nữ như tôi lên nắm quyền", bà Clark nhấn mạnh.

Khi giữ chức Bộ trưởng Y tế, bà vận động thông qua luật cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và trường học, đồng thời xây dựng thành công chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung và ung thư vú trên phạm vi toàn quốc. Trên cương vị thủ tướng, Clark tiếp tục ủng hộ các chính sách tăng quyền lợi cho phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của bà, trẻ em New Zealand từ 3 đến 4 tuổi được chính phủ tài trợ 20 giờ trông nom mỗi tuần nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ. Theo một nghiên cứu trong nhóm các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới OECD, bao gồm New Zealand, việc chính phủ hỗ trợ dịch vụ chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi sẽ giúp tăng tỷ lệ phụ nữ có con nhỏ tham gia thị trường lao động. Một khảo sát 10 nước trong khối này cho thấy khi chi phí chăm sóc trẻ giảm đi một nửa, số giờ làm việc của các bà mẹ tăng thêm 7-10%.

Theo nghiên cứu năm 2010 của viện đánh giá chính sách thị trường lao động thuộc Bộ Việc làm Thụy Điển, mỗi tháng người chồng nghỉ ở nhà chăm sóc con nhỏ giúp lương của vợ tăng tương ứng 7% trong 4 năm kế tiếp. Học hỏi mô hình của các nước Bắc Âu, Helen Clark là lãnh đạo New Zealand đầu tiên đưa quyền hưởng chế độ thai sản dành cho các ông bố vào luật. Bà nhắc đến gia đình riêng của nữ thủ tướng đương nhiệm Jacinda Ardern như là một ví dụ chứng minh sự tiến bộ về bình đẳng giới ở New Zealand. Bạn đời của Thủ tướng Ardern đã tạm gác công việc của một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng để ở nhà chăm con gái mới sinh. "Phụ nữ và đàn ông trẻ tuổi trên khắp thế giới sẽ nhìn vào họ và tự nhủ: 'Điều này thật sự tuyệt vời!'", bà Clark tin rằng đây là một thông điệp mạnh mẽ về sự sẻ chia trách nhiệm gia đình.

Helen Clark đặc biệt tin vào sức ảnh hưởng của phụ nữ khi họ nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Trong một báo cáo năm 2015, tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu McKinsey nhận định nếu phụ nữ tham gia một cách bình đẳng với nam giới trên thị trường lao động, giá trị tăng thêm của kinh tế thế giới sẽ đạt 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025, gần bằng giá trị của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cộng lại. "Các công ty tư nhân có nhiều lãnh đạo nữ cấp cao làm ăn tốt hơn. Các nghiên cứu đã chứng minh các công ty này nhạy bén hơn với nhu cầu của khách hàng", cựu thủ tướng New Zealand khẳng định.

Người phụ nữ phá vỡ 'các bức trần kính'

"Tôi đụng phải bức trần giới hạn khi chân ướt chân ráo vào quốc hội", bà nhắc đến hình ảnh "bức trần kính" tượng trưng cho những định kiến chống lại nữ giới, những rào cản khiến phụ nữ không thể phát huy hết khả năng.

Helen Clark được bầu làm nghị sĩ năm 1981, trước đó bà vừa hoạt động chính trị vừa giảng dạy tại đại học Auckland. "Các nghị sĩ nữ chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ yếu thế trong quốc hội", nhà lãnh đạo năm nay 68 tuổi đã trải qua đủ thăng trầm trên chính trường bất giác nhún vai và rướn nhẹ lông mày khi nhớ lại đầu những năm 80, quốc hội New Zealand chỉ có 8 nghị sĩ nữ, chiếm chưa tới 9% tổng số nghị sĩ. "Nếu lúc đó ai hỏi tôi có nghĩ tới ngày trở thành thủ tướng hay không, câu trả lời của tôi chắc chắn là 'Vô vọng'".

Tháng 12/1993, Helen Clark trở thành lãnh đạo của phe đối lập trong chính phủ. Ba năm tiếp theo là giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà khi các kết quả thăm dò ý kiến cử tri đều cho thấy tỉ lệ tín nhiệm thấp dành cho vị nữ chủ tịch đảng Lao động. "Tôi mất ba năm chiến đấu để gây dựng uy tín và để được nhìn nhận một cách nghiêm túc". Kết quả, Helen Clark không chỉ thoát vụ đảo chính trong nội bộ đảng mà còn vượt qua được "lời nguyền" của cánh báo chí rằng: "Bà ta sẽ không bao giờ trở thành thủ tướng". Năm 49 tuổi, Helen Clark là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử của New Zealand và là một trong 5 thủ tướng tại vị lâu nhất.

Làm thủ tướng đã không dễ nhưng làm nữ thủ tướng còn khó hơn. "Khi bạn là một nữ lãnh đạo, mọi thứ liên quan đến bạn đều thành chuyện chính trị", Clark nói từ phong cách ăn mặc, kiểu tóc cho đến tông giọng trầm của bà đều trở thành chủ đề bình phẩm. Thậm chí các vấn đề riêng tư, như hai vợ chồng bà quyết định không sinh con, cũng bị đem ra phê phán.

Theo VNExpress