Bà Elisabeth Simelton trong một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp ở Hà Tĩnh. 

Elisabeth Simelton đến Tuyên Quang (Việt Nam) năm 1995 khi đang còn là sinh viên Đại học Sư phạm Thụy Điển. Lần đó cô đi theo diện nhận học bổng nhiên cứu và nhớ mãi những đồi núi đá, mô hình nông lâm kết hợp ở vùng núi phía Bắc.

Một năm sau, Elisabeth Simelton quay lại Hòa Bình thực tập tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý, Lịch sử. Tiếp xúc với nông dân qua những lần đi trải nghiệm, cô gái Thụy Điển cảm mến họ bởi sự chất phác, chân thành, muốn đem kiến thức mà mình tích lũy được giúp họ cải thiện cuộc sống.

Từ đó, Elisabeth Simelton bắt đầu học tiếng Việt, lên ý tưởng sẽ làm việc lâu dài tại dải đất hình chữ S. Cô lấy tên Việt Nam là Mỹ Linh.

Năm nay 51 tuổi, Simelton già dặn, từng trải rất nhiều so với ngày đầu đặt chân đến Việt Nam. "Tôi quá yêu con người và đất nước các bạn, đặc biệt là truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm", bà cười giải thích. 

Những năm 1997-2000, bà liên tục cùng các tổ chức quốc tế đến vùng Tây Bắc Việt Nam thực hiện các dự án nông nghiệp, khuyến ngư. Năm 2010, sau quá trình học lên tiến sĩ, bà trở lại Hòa Bình thực hiện dự án nuôi cá ruộng cùng Trung tâm nghiên cứu Nông lâm Thế giới (ICRAF).

Sau đó, Simelton quyết định ở lâu dài tại Việt Nam để đem kiến thức nông nghiệp giúp đỡ bà con. Cứ hai năm một lần, bà mới quay trở lại quê hương Bắc Âu thăm nhà.

23 năm ở Việt Nam, Simelton đặt chân đến nhiều tỉnh thành và ấn tượng với Hà Tĩnh, mảnh đất chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên. "Tôi thích ăn kẹo cu đơ, món đậu phụ sốt cà chua của vùng đất này", Simelton cười tươi nói.

Bà Elisabeth Simelton gây ấn tượng bởi sự lạc quan, nụ cười thường trực

Bà lần đầu ghé thăm Hà Tĩnh vào năm 2011 k

hi tham gia dự án đánh giá sự hiểu biết của nông dân về biến đổi khí hậu, và dự án thôn thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Được thí điểm ở ba thôn, trong đó có Mỹ Lợi (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), dự án nhằm nâng cao khả năng đáp ứng các mục tiêu về an ninh lương thực, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, giảm nhẹ sự ấm lên toàn cầu bằng cách giảm khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp...

Ở Hà Tĩnh trong thời gian dài, bà Simelton tới các huyện miền núi để tìm hiểu các mô hình của nông dân, tham giam lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho người dân. "Tôi hướng dẫn người dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực", bà Simelton cho hay.

Vài năm trước, trong một lần hỗ trợ triển khai các mô hình nông nghiệp cải tạo vườn tạp, chăn nuôi và trồng rừng tại huyện Kỳ Anh, bà Simelton cùng một đồng nghiệp bỏ hơn 20 triệu đồng tiền cá nhân hỗ trợ mua giống cây bóng mát cho nông dân.

Bà Simelton tâm sự, mục đích làm dự án là khuyến khích nông dân Việt Nam mạnh dạn xây dựng các mô hình sinh kế thông minh, cải thiện thu nhập. Khi có được kiến thức tốt, họ sẽ trở thành những người nông dân hăng hái, tích cực trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Gắn bó lâu dài với Hà Tĩnh, bà Simelton cảm thấy xót xa khi cơn bão Doksuri quét qua vùng đất này vào tháng 10/2017. Chứng kiến cảnh nhiều làng quê xơ xác sau thiên tai, bà cùng Trung tâm nghiên cứu Nông lâm Thế giới đã kêu gọi viện trợ cho nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Bà Simelton mong muốn được gắn bó lâu dài với Việt Nam, nhìn thấy nông dân có cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Bạn bè đùa bà "say nông nghiệp đến nỗi quên lấy chồng", Simelton chỉ đáp lại bằng nụ cười hiền.

Từng nhiều lần làm việc với Simelton, ông Trần Đình Gia, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, đánh giá bà luôn lo lắng cho tương lai của nông dân. "Bà ấy sống gần gũi, thoải mái, luôn tiếp cận, hòa mình vào cuộc sống của nông dân để tìm cách giúp đỡ họ", ông Gia nói.

Theo VNExpress