Tân thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. Ảnh: Twitter/Sanna Marin.

Sanna Marin hôm 8/12 được đảng Dân chủ Xã hội (SDP) chiếm đa số trong liên minh 5 đảng của chính phủ Phần Lan, đề cử giữ chức thủ tướng thay Antti Rinne, người từ chức hôm 3/12 do bị chỉ trích vì cách xử lý cuộc biểu tình của nhân viên ngành bưu chính.

Sau khi được Tổng thống Sauli Niinistö phê chuẩn để nhậm chức hôm nay, người phụ nữ 34 tuổi này sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Phần Lan và là thủ tướng tại vị trẻ nhất thế giới, soán ngôi của Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk, 35 tuổi.

"Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng lại niềm tin. Tôi chưa bao giờ để tâm tới tuổi tác hay giới tính của mình, mà luôn nghĩ về những lý do khiến tôi bước chân vào con đường chính trị, điều giúp chúng tôi giành được sự tin tưởng của cử tri", Marin trả lời báo chí.

Trên trang blog của mình, Marin cho biết bà bước chân vào chính trị rất sớm, khi mới 20 tuổi, sau khi trải qua quãng đời thơ ấu với nhiều khó khăn. Bà lớn lên trong một gia đình "cầu vồng", được mẹ và người bạn đời cũng là phụ nữ nuôi dưỡng.

Gia đình Marin thuộc tầng lớp lao động ở Phần Lan, sống trong nhà thuê ở Espoo, Pirkkala trước khi chuyển tới Tampere. Mẹ Marin và bạn đời chia tay khi bà còn rất nhỏ và gia đình cũng thường xuyên gặp vấn đề về tài chính.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Marin cho biết bà thường xuyên cảm thấy mình như "người vô hình" ở trường học vì không thể trò chuyện cởi mở về gia đình. "Im lặng là điều khó khăn nhất", bà nói. "Sự vô hình tạo nên cảm giác bất lực. Chúng tôi không được công nhận là một gia đình thực sự hay bình đẳng với những người khác. Nhưng tôi may mắn không bị bắt nạt nhiều. Ngay từ khi còn bé, tôi đã rất thẳng thắn và bướng bỉnh".

Khi 15 tuổi, Marin xin làm thêm tại một tiệm bánh trong kỳ nghỉ hè và đi phát báo để có tiền tiêu vặt. Sau khi trở thành người đầu tiên trong gia đình hoàn thành chương trình trung học, bà làm công việc thu ngân tại một cửa hàng trong vài năm, trước khi đăng ký học đại học Tampere. Bà tốt nghiệp đại học, sau đó sở hữu bằng thạc sĩ ngành nghiên cứu hành chính.

Marin cho hay khi còn nhỏ, bà chưa từng nghĩ rằng mình sẽ tham gia chính trị. "Lúc ở trường trung học, tôi cảm thấy những người làm chính trị khá khác biệt và đến từ tầng lớp khác so với tôi. Lúc đó, tôi không nghĩ rằng mình có thể làm chính trị".

Tuy nhiên, mẹ Marin đã luôn động viên con gái và giúp củng cố niềm tin rằng bà có thể hiện thực hóa mọi ước mơ. Trong bài đăng trên trang web riêng, Marin cho biết bà bắt đầu con đường chính trị do muốn "gây ảnh hưởng tới cách xã hội nhìn nhận công dân và các quyền của họ".

Sau khi tham gia chính trị lúc 20 tuổi, bà tranh cử ghế hội đồng thành phố Tampere, phía bắc Helsinki lúc 22 tuổi, nhưng không trúng cử. Dù vậy, Marin không nản chí và chỉ trong vòng 5 năm sau, bà không chỉ được bầu vào hội đồng thành phố và còn trở thành chủ tịch hội đồng, khi mới 27 tuổi.

Kể từ thời điểm này, Marin thăng tiến nhanh chóng đến mức sự nghiệp chính trị của bà được coi như một hiện tượng. Năm 2014, bà được bầu làm phó chủ tịch thứ hai của đảng SDP và bước chân vào quốc hội một năm sau đó. Marin là người đã thay cựu thủ tướng Rinne lãnh đạo đảng khi ông nghỉ ốm trong thời gian dài cuối năm ngoái, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông hồi tháng 6.

Được ví như "phiên bản Phần Lan" của Jacinda Ardern, nữ thủ tướng 39 tuổi của New Zealand, Marin mang tư tưởng cấp tiến cánh tả. Đảng SDP của bà cũng có nhiều nét tương đồng với Công đảng New Zealand, như có mối liên hệ chặt chẽ với các công đoàn, mong muốn cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và ủng hộ việc củng cố hệ thống phúc lợi xã hội.

Marin nằm trong thế hệ chính trị gia không ngần ngại tiết lộ cuộc sống riêng tư của mình với các cử tri. Tài khoản Instagram của bà gồm những bức ảnh chụp các cuộc họp chính trị, cũng như khoảng thời gian bà ở cùng con gái hoặc thư giãn bên bể bơi trong kỳ nghỉ ở Italy hay các khoảnh khắc tình cảm cùng người chồng Markus Räikköne.

Tương tự Thủ tướng Ardern, Marin cũng mới làm mẹ khi con gái Emma của bà chào đời năm ngoái.

Sanna Marin cùng con gái Emma. Ảnh: Instagram/Sannamarin.

Ngoài Marin, lãnh đạo 4 đảng còn lại trong liên minh của chính phủ Phần Lan cũng đều là phụ nữ, trong đó có tới 3 người dưới 34 tuổi. Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb trong bài đăng trên Twitter đánh giá chính phủ do phụ nữ lãnh đạo cho thấy Phần Lan là một quốc gia "hiện đại và tiến bộ". "Một ngày nào đó, giới tính sẽ không còn quan trọng trong chính phủ, mà là những người tiên phong", ông viết.

"Tân thủ tướng Phần Lan là một phụ nữ 34 tuổi. Giờ đây, lãnh đạo toàn bộ 5 đảng trong chính quyền đều là nữ. Điều đó cho thấy chính trị có thể thay đổi", một người dùng Twitter bày tỏ ý kiến, trong khi người khác lưu ý rằng "Phần Lan là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới".

Tuy nhiên, liên minh trung tả mới được thành lập cách đây 6 tháng đang phải đối mặt với các cuộc đình công lớn, gây tổn thất kinh tế nặng nề. Chức thủ tướng Phần Lan cũng được chuyển giao vào thời điểm nhạy cảm, khi nước này đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), đóng vai trò trung tâm trong những nỗ lực cắt giảm ngân sách cho khối trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Dù vậy, việc Marin tiếp quản vị trí của cựu thủ tướng Rinne được cho là sẽ không dẫn tới những thay đổi chính sách quan trọng trong chính quyền do đảng SDP lãnh đạo. "Chúng tôi có một chương trình chung mà tất cả đều đã cam kết", bà Marin nói.

Trong lá thư gửi các thành viên đảng SDP hôm 8/12, Marin cũng cho biết "trọng tâm chính của đảng SDP là tiếp tục nhiệm vụ xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn". Chính phủ liên minh của bà dự kiến tiếp tục duy trì mục tiêu tạo việc làm cũng như bảo vệ môi trường.

Theo vnexpress