Kinh tế Thái Lan có thể suy thoái mạnh nhất châu Á vì Covid-19

Theo tờ CGTN, tính đến thời điểm này, khoảng 44% hộ gia đình ở thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận đã rơi vào cảnh nợ nần. Tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, số lượng người dân Thái Lan thất nghiệp ngày càng tăng.

Năm ngoái, nợ trung bình của các hộ gia đình Thái Lan là khoảng 11.000 USD. So với mức thu nhập trung bình dưới 500 USD mỗi tháng, tổng số nợ của hộ gần bằng 80% GDP Thái Lan, tỷ lệ cao thứ 2 ở châu Á.

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, Thái Lan có nguy cơ suy thoái lớn nhất tại khu vực châu Á. Tầng lớp trung lưu và người lao động của Thái Lan sẽ tiếp tục đối mặt với một loạt các vấn đề: nợ tăng, chi tiêu tiêu dùng yếu, nhà máy đóng cửa, thất nghiệp. Tất cả điều này có thể đẩy Thái Lan vào cuộc suy thoái mạnh nhất từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Cách đây 2 thập kỷ, Thái Lan là điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ tháng 7/1997. Sau đó, cơn khủng hoảng nhanh chóng lan sang các quốc gia khác trong khu vực và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm 10,5%. Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến mọi tầng lớp khi tỷ lệ thất nghiệp tăng đến mức nguy hiểm.

Tiến sĩ Somprawin Manprasert, nhà kinh tế trưởng và phó Chủ tịch Ngân hàng Ayutthaya, người đã theo dõi nguy cơ suy thoái kinh tế Thái Lan trong năm qua, nhận định: "Chúng tôi đã thấy xác suất gia tăng cho suy thoái kinh tế Thái Lan kể từ quý cuối năm ngoái và tình trạng này xảy ra từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Chúng tôi khá chắc chắn rằng Thái Lan đã ở trong thời kỳ suy thoái".

Mức độ suy thoái phụ thuộc vào thời gian đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu? Sẽ chẳng ai biết được! Các trường hợp sa thải lao động xuất hiện ngày càng nhiều, danh sách các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gia tăng… mọi chuyện đang có chiều hướng tồi tệ hơn. Ngành dịch vụ massage là một ví dụ điển hình. Các cửa hàng massage xuất hiện nhan nhản ở Bangkok cũng như Thái Lan, phổ biến như cửa hàng tiện lợi 7-Elevens. Trong giờ nghỉ trưa hay sau 1 ngày làm việc vất vả, người Thái rất chuộng đi massage.

Hoạt động được hơn 8 năm, cửa hàng massage của cô Maneenut hiện đối mặt với một tương lai không chắc chắn khi Covid-19 lan rộng khắp thế giới

Cũng giống như rất nhiều người khác, cô Maneenut Thongkham sở hữu một cửa hàng massage ở Bangkok. Trước đây, công việc của cô rất thuận lợi. Cô trả lương đầy đủ cho nhân viên, các hóa đơn phục vụ việc kinh doanh, nuôi sống cả gia đình một cách thoải mái… cho đến khi Covid-19 xuất hiện. Cuộc sống của cô bị đảo lộn chỉ sau một đêm. "Cơn sóng thần" ập đến mà không có bất kỳ cảnh báo nào và cô Maneenut Thongkham không chuẩn bị tinh thần trước cho việc này.

Maneenut không phải trường hợp duy nhất khi rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ ở đây cũng vậy. Nước mắt lưng tròng, cô Maneenut Thongkham chia sẻ: "Tôi không biết phải làm gì, nếu không có doanh thu, tôi không thể trả tiền thuê nhà hay mua đồ ăn cho mọi người. Nếu không có tiền trả tiền thuê nhà, chúng tôi không thể làm gì cả. Đây là dấu chấm hết cho chúng tôi".

Trong khi đó, nhân viên phục vụ 29 tuổi Kanyanat cũng đã trải qua tình trạng thất nghiệp trong nhiều tuần. Mọi chuyện đang trở nên bế tắc đối với cô: "Hàng tháng, tôi phải trả tiền thuê nhà, thẻ tín dụng, internet và các dịch vụ khác. Tôi không có bất kỳ khoản tiền tiết kiệm nào. Tôi phải tìm công việc mới ngay khi có thể". Nhưng đó không phải là câu chuyện dễ dàng đối với cô Kanyanat và những người dân Thái Lan ở thời điểm này khi cả nước đang rơi vào tình trạng suy thoái vì Covid-19.

N.A (Nguồn: Theo CGTN)