"Khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã bị bất ngờ. Nhưng chỉ ba tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, dường như Việt Nam đã làm được những điều mà Hàn Quốc và Italy chưa làm được, đó là ngăn chặn virus", Rafi Kot, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm đang tham gia chống nCoV ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn tờ Haaretz của Israel hôm 26/2.

Việt Nam đã không ghi nhận ca nhiễm mới từ ngày 13/2 và toàn bộ 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

"Đó là một dịch bệnh bí ẩn", bác sĩ Kot nói. "Vấn đề lớn nhất là virus corona xuất hiện đúng dịp hàng triệu người Trung Quốc và Việt Nam chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Đó là yếu tố chính trong sự lây lan. Thứ hai, nó trái ngược với SARS, chẳng hạn nó lây nhiễm cho người khác ngay từ trước khi họ xuất hiện triệu chứng. Một lượng lớn bệnh nhân không biết họ mắc bệnh và tiếp tục đi khắp nơi, lây nhiễm cho người khác".

Bác sĩ người Israel Rafi Kot

Bác sĩ người Israel Rafi Kot. Ảnh:FMP.

Là một bác sĩ gia đình, ông Kot đã sống ở Việt Nam 32 năm. Ông góp phần xây dựng hệ thống chăm sóc y tế đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam và đồng bắc Bắc Bộ vào năm 1988. Ông dành một năm ở Triều Tiên trong nạn đói khủng khiếp trước khi trở về Việt Nam và mở mạng lưới phòng khám. Bác sĩ Kot hiện đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc y tế Việt Nam.

"Tôi đã tư vấn cho chính phủ Việt Nam và trong dịch bệnh, tôi chịu trách nhiệm cho một phần của nhóm đưa ra quyết định liên quan đến TP HCM, thành phố có 20 triệu dân. Chúng tôi gặp nhau gần như hàng ngày, đôi khi nhiều lần trong ngày và đôi khi vào giữa đêm", bác sĩ cho biết.

Theo ông, mọi việc bắt đầu vào trước Tết Nguyên đán. Ông và các bác sĩ biết về dịch bệnh ở Trung Quốc nhưng khá bình tĩnh. "Chúng tôi đã trả qua nhiều dịch liên quan đến virus corona, như SARS, cúm lợn và cúm gia cầm. Sau SARS, chúng tôi nghĩ không còn gì có thể thể tệ hơn vì SARS rất khủng khiếp. Bệnh nhân đầu tiên của SARS cũng như bác sĩ điều trị cho ông ấy đã qua đời ở Việt Nam", ông nói.

Theo Kot, cuộc chiến chống nCoV của Việt Nam chủ yếu diễn ra ở cấp tỉnh. Du khách nước ngoài chỉ đến một số địa điểm lớn ở Việt Nam, nên các chuyên gia y tế quan tâm đến những nơi có dân số đô thị lớn, giao thông quốc tế, có nhiều người Trung Quốc, du khách từ các quốc gia khác qua lại.

Khi số ca nhiễm ở Trung Quốc bắt đầu tăng lên, bác sĩ Kot và các chuyên gia y tế nhanh chóng nhận ra tất cả rất nhiều người Trung Quốc tới Việt Nam du lịch đến từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19. Ngoài ra, cả người Việt Nam và người nước ngoài chủ yếu tập trung ở 5-6 khu vực nghỉ dưỡng lớn.

"Nếu có sự tương tác của những người trong các khu nghỉ mát đó, 14 ngày đầu tiên sẽ rất quan trọng. Đó là lý do chúng tôi khuyên họ nên đóng cửa các trường học trên khắp Việt Nam và chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Khi đó chúng tôi chưa biết trẻ em hiếm khi mắc bệnh này", ông cho hay.

Bảo vệ đứng tại lối vào một trường tiểu học ở Hà Nội đã đóng cửa để ngăn virus lây lan hôm 3/2. Ảnh: AFP.

Bảo vệ đứng tại lối vào một trường tiểu học ở Hà Nội đã đóng cửa để ngăn nCoV lây lan hôm 3/2. Ảnh:AFP.

Việt Nam đã chọn không cách ly toàn bộ thành phố, nhưng nhiều người không đi làm vì sợ nhiễm virus và nhu cầu xét nghiệm nCoV cũng tăng vọt.

"Chúng tôi ngay lập tức nhận ra mọi người đều muốn được xét nghiệm vì họ lo lắng, vì vậy Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của Việt Nam đã chuẩn bị một bảng câu hỏi để xác định người nghi nhiễm, ví dụ như thân nhiệt hoặc người đó có tiếp xúc với người Trung Quốc hay không... Đồng thời, chúng tôi biết nhiều người sẽ nói dối trong bảng câu hỏi vì họ sợ bị chẩn đoán nhiễm nCoV và có thể chúng tôi sẽ bỏ lỡ ai đó, vì vậy chúng tôi đã chọn cách đặt câu hỏi từ các hướng khác nhau", theo bác sĩ Kot.

Vấn đề phức tạp nữa là các bộ dụng cụ xét nghiệm cho kết quả âm tính giả, vì vậy có những nhiễm bệnh có khả năng lây lan virus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng thừa nhận bộ xét nghiệm có vấn đề.

"Chúng tôi bắt đầu tìm thấy các trường hợp nhiễm bệnh khi những người có triệu chứng đến bệnh viện xét nghiệm và kết quả dương tính virus. Chúng tôi biết ở ngôi làng phía bắc Hà Nội, một nhóm công nhân vừa trở về từ Vũ Hán. Họ được một công ty sơn Nhật Bản đưa tới đó để tham gia khóa học, trở về nhà và lây cho gia đình. Cuối cùng Việt Nam có 16 người nhiễm bệnh", bác sĩ cho hay.

Những người nhiễm bệnh được đưa vào các cơ sở y tế để điều trị, trong khi những người nghi nhiễm được cách ly trong doanh trại quân đội. Các bác sĩ cùng thiết bị đặc biệt cũng được đưa tới. Có hai ca nặng, nhưng tất cả sau đó đều được xuất viện, Kot cho biết.

Theo bác sĩ Kot, số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng nhanh như Hàn Quốc hay Italy có thể do thời tiết ở Việt Nam nóng hơn. Khi trời lạnh, mọi người tụ tập ở nhà và ở gần nhau, lây nhiễm cho nhau.

Ông cho rằng các thách thức mà Việt Nam đã đối mặt trong cuộc chiến với nCoV có thể là những gì Israel có thể phải đương đầu trong những tuần tới.

Israel đã quyết định tiến hành xét nghiệm tại nhà đối với những người có triệu chứng đã được cách ly. "Tôi nghĩ rằng điều đó thật tuyệt vời. Bạn cần làm mọi thứ để mọi người tránh xa bệnh viện", ông Kot cho biết.

Bác sĩ này cũng dự đoán rằng nếu dịch Covid-19 bùng phát với quy mô lớn ở Israel, hệ thống y tế nước này sẽ khó có thể chăm sóc tốt cho từng bệnh nhân. 

"Israel có bao nhiêu giường chăm sóc đặc biệt? 100? 200? 300? Trung Quốc đã chuyển 115.000 nhân viên y tế đến Hồ Bắc và thậm chí điều đó không giúp được gì. Tel Aviv là khu đô thị đông đúc như Vũ Hán", ông nói. "Mỗi ngày trôi qua và trời ấm hơn là một tin tốt. Bộ Y tế Israel đã đúng khi nói rằng vấn đề then chốt là 'câu giờ' đến khi thời tiết ấm hơn hoặc có vaccine. Có thể là vào mùa hè, Covid-19 sẽ trở thành dĩ vãng".

Theo vnexpress