Các đại biểu chăm chú lắng nghe báo cáo tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, nhờ thành công của chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm các nước, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội.

Theo Thứ trưởng hiện nay, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Đặc biệt là vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như: thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân.

Chính vì vậy dẫn đến thực trạng tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.

Xuất phát từ kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 21, cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này. Điều đó dẫn đến hàng năm có tới 1/3 trong số trên 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là ngoài ý muốn.

Trước tình hình đó, ngày 26/9/2007, với sự liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và SKSS đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Tránh thai Thế giới, lần đầu tiên được tổ chức năm 2007 tại châu Âu. Đây được coi là một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Ông Đinh Anh Tuấn (Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em) cho biết, tại Việt Nam, nhiều phụ nữ có thai ngoài ý muốn do nhu cầu không được đáp ứng như: có nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình nhưng không được cung cấp biện pháp tránh thai, không được tiếp cận với các dịch vụ. Bên cạnh đó có 40% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai không đúng cách hay sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả.

Trong năm 2017, Tổng cục DS-KHHHGĐ đã phối hợp với Hội LHPNVN tổ chức các buổi nói chuyện, truyền thông về KHHGĐ, giới thiệu các biện pháp tránh thai trong khuôn khổ chương trình “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” cho các thành viên Hội LHPN. Chương trình gồm chuỗi 12 hội thảo tổ chức tại 12 tỉnh thành, thu hút hơn 1.200 chị em phụ nữ trên toàn quốc đến tham dự trực tiếp.

Hiện nay, dân số Việt Nam khoảng 93 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,08% (năm 2016). Theo Tổng cục Thống kê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028.

Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng BPTT năm 2016 là 77,6%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 66,8%. Các kết quả công tác DS-KHHGĐ đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.


                                                                                 Theo Thế giới và Việt Nam