Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch

Phát biểu tại buổi họp về tình hình thực hiện kế hoạch ứng phó dịch bệnh do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, yêu cầu các đơn vị của ngành tập trung phòng, chống dịch; tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực quản lý; đề cao tính chủ động, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để tham mưu, xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch bệnh SARS-CoV-2.

Trong đó, với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, trưởng ngành lao động đề nghị có các hoạt động động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại tỉnh Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành. Có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch SARS-CoV-2 hoặc đến từ các vùng khác.

Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác thì thực hiện việc tiếp nhận và cách ly y tế và giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Với vấn đề tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Cần xây dựng phương án tiếp nhận lao động có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc. Đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm ổn định tư tưởng của các lao động trong doanh nghiệp.

Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2019 nước ta có 147.387 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dẫn đầu thị trường là Nhật Bản (tiếp nhận 80.002 lao động), tiếp đến là Đài Loan (54.480 lao động), Hàn Quốc (7.215). Đây đều là những nước, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng dịch SARS-CoV-2.                             

PV