UNWTO cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho rằng đây là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất mà thị trường du lịch quốc tế phải đối mặt, kể từ năm 1950. Tác động của nó khác nhau tại các khu vực. Châu Á và Thái Bình Dương là hai khu vực được dự đoán hồi phục trước tiên.

Thị trường du lịch quốc tế ngày càng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn toàn cầu, khi chiếm 7% thương mại quốc tế. Ngành cũng tạo ra sinh kế trực tiếp và gián tiếp, chiếm 10% tổng số việc làm trên toàn thế giới. Ảnh: Thaiger

Phong vũ biểu mới nhất của UNWTO chỉ ra ít nhất một triệu lao động bị mất việc trong năm nay. Đại dịch có thể dẫn đến sự sụt giảm 60-80% khách du lịch so với năm 2019, tương đương với mất 850 triệu - 1,1 tỷ khách quốc tế. Ngành cũng có nguy cơ mất 910 - 1.200 tỷ USD doanh thu xuất khẩu từ du lịch và 100 - 120 triệu việc làm đứng trước nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng này cũng có nguy cơ cản trở những tiến bộ đạt được trong quá trình tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp hạn chế đi lại, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Thời gian hạn chế đi lại kéo dài và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đe dọa du lịch và khiến ngành này có thể đứng cuối cùng trong danh sách phục hồi.

Dự báo về du lịch năm 2021, các chuyên gia từ UNWTO nhận định đây là một năm du lịch nội địa phục hồi nhanh hơn quốc tế. Phần lớn đều kỳ vọng mọi thứ có dấu hiệu phục hồi vào quý 4 của năm 2020, nhưng phải sang năm sau, sự tiến bộ mới rõ ràng hơn. Dựa trên kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng trước đó, UNWTO chỉ ra du lịch giải trí, thăm thân hơn và kết hợp công tác dự kiến phục hồi nhanh hơn.

Châu Phi và Trung Đông có khả năng phục hồi du lịch quốc tế lớn nhất trong năm nay. Châu Mỹ là nơi khiến nhiều chuyên gia ít lạc quan nhất. Châu Á và Âu nằm ở chỉ số 50-50%, tức chỉ một nửa chuyên gia nhìn thấy sự phục hồi tại thị trường này.

Theo vnexpress