Ra mắt cuốn sách về Bác Hồ. (Ảnh: Huy Bình/TTXVN)


Tham dự buổi lễ có Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ M. J. Akbar, Giám đốc Bảo tàng tưởng nhớ Nehru Shakti Sinha, Giám đốc Viện khoa học xã hội Ash Narain Roy, Đại sứ Tôn Sinh Thành, Đại sứ Indonesia, các đại diện ngoại giao đoàn, các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên Ấn Độ và bạn bè quốc tế. Hội trường diễn ra buổi lễ đã không còn một chỗ trống, rất nhiều người đã phải đứng.

Phát biểu tại buổi lễ, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ M. J. Akbar cho hay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Mahatman Gandhi chiến đấu và vạch ra con đường cho độc lập tự do, họ biết rõ điều mà họ theo đuổi và những chông gai ở phía trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã hiểu rất rõ cách thức để giành độc lập cho dân tộc và Việt Nam là đại diện cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tại Đông Nam Á.

Trong khi đó, Giám đốc Bảo tàng tưởng nhớ Nehru Shakti Sinha nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo mẫu mực của Việt Nam và nổi tiếng trên khắp thế giới. Còn Giám đốc Viện khoa học xã hội Ash Narain Roy đã điểm lại những hoạt động cách mạng cũng như tư tưởng vĩ đại của Người.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại nhất của Việt Nam, Người đã cống hiến cả cuộc đời cho nền độc lập và thống nhất dân tộc. Không chỉ là người chiến đấu vì tự do, có đóng góp vô cùng to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa đã được UNESCO công nhận.

Cùng với Thủ tướng Jawarharlal Nehru, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và Ấn Độ hiện nay.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết thêm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp thế giới để tìm hiểu tình hình giai cấp công nhân, nông dân và trong thời gian đó, Người chú ý đặc biệt tới Ấn Độ. Trong thời gian từ năm 1924-1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo về cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống lại chế độ thuộc địa. Trong nhiều bài viết đó, Người rất ngưỡng mộ những người đấu tranh vì tự do ở Ấn Độ, đặc biệt là nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi.

 

Tác giả cuốn sách về Bác Hồ tại buổi ra mắt cuốn sách về Bác Hồ. (Ảnh: Huy Bình/TTXVN)


Đại sứ đã điểm lại những kỷ niệm đáng nhớ giữa Bác Hồ với Thủ tướng Jawarharlal Nehru, đồng thời nêu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Ấn Độ là một cường quốc lớn, đóng vai trò rất quan trọng ở châu Á cũng như trên thế giới và dặn dò rằng Việt Nam luôn phải giữ mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài với Ấn Độ vì Ấn Độ có thể giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam trong những thời điểm khó khăn và luôn là một người bạn của Việt Nam.

Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết và hai nước nên tiếp tục con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực để tăng cường mối quan hệ truyền thống và tin cậy chính trị lẫn nhau trong khi khai thác tất cả những tiềm năng sẵn có để thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế nhằm đáp ứng lợi ích của cả hai nước, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cũng tại buổi lễ trên, Hội hữu nghị và hợp tác văn hóa Ấn Độ (ISCUF) đã ra mắt cuốn sách "Hồ Chí Minh trong con mắt người dân Ấn Độ" của tác giả Bijay Kumar Padhihari. Đây là cuốn sách bìa cứng, dày 184 trang, là tập hợp các bài viết của các nhà lãnh đạo, các nghị sỹ, học giả, nhà văn và đông đảo người dân Ấn Độ, những người yêu mến và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, tác giả Bijay Kumar Padhihari bày tỏ hy vọng khi đọc cuốn sách này, người dân Ấn Độ sẽ hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Người.

Trước đó ngày 18/5, tại thành phố Bhubaneswar, thủ phủ bang Odisha của Ấn Độ, Trung tâm hợp tác Ấn Độ-Việt Nam cũng đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác. Những người tham gia buổi lễ đã tưởng nhớ về Người, sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chế độ phong kiến cũng như những đóng góp của Người cho hòa bình thế giới.

Theo chương trình, vào ngày 22/5, tại Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, ICCR sẽ phối hợp với Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam tại bang Tây Bengal tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề "Bác Hồ: Những ý tưởng và lý tưởng" để kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong ngày 19/5, tổ chức những người bạn Việt Nam-Nepal đã tổ chức lễ kỷ niệm 128 năm ngày sinh của người anh hùng dân tộc Việt Nam Hồ Chí Minh ở thủ đô Kathmandu. Tham dự buổi lễ có các nhà lãnh đạo chính trị, các chuyên gia quan hệ quốc tế, các nhà lãnh đạo tổ chức dân sự, các nhà báo, nhiều thanh niên và sinh viên.

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Anand Aditya, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là nhà phân tích chính trị, khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được mọi người nhớ đến vì đức tính giản dị, yêu nước và là một người chiến đấu vì tự do. Trong khi đó, quan chức của Đảng Cộng sản Nepal Sunil Kumar Manandhar nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại./.

                                                                                                                                                             Theo vietnamplus.vn