Minh họa 

Vừa bắt máy, giọng nói trong trẻo của người phụ nữ ấy khiến Thanh Tâm nhầm tưởng đó là một cô sinh viên gọi điện hỏi về chuyện giận hờn yêu đương của tuổi mới lớn. Song, cô đã là mẹ của 2 đứa con nhỏ, năm nay 26 tuổi. Còn chồng cô 42 tuổi. Cô không phải đi làm, chỉ ở nhà chăm con. Chồng kiếm ra tiền, chịu khó đi chợ, chăm chỉ vào bếp. Những tưởng đó là hạnh phúc theo cách mà cô lựa chọn nhưng thực tế phũ phàng hơn nhiều. Với cô, được một hôm tự do đi chợ lại là… mong muốn xa xỉ.

Cầm tấm bằng loại ưu ngành ngân hàng, cô sinh viên ngày nào hừng hực nhiệt huyết muốn phấn đấu thể hiện khả năng của mình, muốn cống hiến cho xã hội, muốn giúp đỡ bố mẹ ở quê. Xin được công việc như mong muốn, đi làm vài tháng thì cô quen anh - sếp của cô. Bởi anh khá lớn tuổi, gia đình lại giục giã nên chỉ sau 5 tháng yêu nhau, cô và anh có một đám cưới linh đình, hạnh phúc.

Cưới xong, cô có bầu ngay. Vì sức khỏe của cô hơi yếu, cộng thêm gia đình anh trông ngóng đứa cháu này đã lâu nên mọi người kiên quyết bắt cô nghỉ việc ở nhà dưỡng thai. Yên tâm với lời hứa của chồng, khi cô đẻ xong sẽ đi làm trở lại, nhưng liền tù tì 2 đứa con “trứng gà trứng vịt” ra đời khiến cô gạt suy nghĩ đi làm qua một bên. Cũng có lần cô đề cập đến chuyện đi làm thì anh nổi giận và nói, tiền anh kiếm được nhiều gấp mấy lần lương của cô cho nên cô không cần đi làm, ở nhà chăm con cho tốt, giao con cho người giúp việc thì anh không yên tâm.

Song, chuyện khiến cô khó chịu hơn cả là anh không tin tưởng cô. Anh luôn đề phòng vợ, thậm chí cảnh giác như cô là “tên trộm” sống chung nhà. Có tiền, anh không bao giờ đưa cho vợ mà giấu biệt, thậm chí nếu có việc ra ngoài, anh bỏ tiền vào cốp xe rồi mang đi.

Từ ngày cưới tới giờ, cô chưa bao giờ biết đến đồng tiền nào của chồng. Cần mua gì, anh sẽ tự đi mua hoặc dẫn cả nhà shopping. Chuyện chợ búa hằng ngày cũng một tay anh đảm nhận. Cứ mỗi sáng, anh dậy thật sớm, đi chợ, sơ chế món ăn rồi cất gọn gàng vào tủ lạnh. Hôm nào thật bận rộn anh mới để vợ vào bếp, còn nếu không, anh luôn là “bếp trưởng”. Khi cô cần tiền chi phí gì thì nói với anh, nếu thấy hợp lý anh sẽ “chi”.

Thấy lạ, Thanh Tâm hỏi cô xem có xung đột gì giữa hai vợ chồng liên quan đến tiền bạc hay không mà anh lại có biểu hiện như vậy? Cô kể, hồi vợ chồng cô mới cưới, có lần gia đình cô gặp khó khăn về kinh tế, vay ngân hàng nhưng không có khả năng trả và có nguy cơ bị mất nhà. Lúc ấy, anh là người đứng ra trả cho nhà vợ một số tiền khá lớn để giữ lại ngôi nhà ấy.

Cũng từ đó, cô bắt đầu cảm thấy chồng đề phòng mình. Cô chia sẻ, ngoài những việc ấy ra thì anh là một người chồng tốt, biết quan tâm đến vợ con. Anh không bao giờ để mẹ con cô thiếu thốn bất cứ thứ gì. Nhưng sống cuộc sống bị đề phòng, phụ thuộc vào chồng khiến cô cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

Thanh Tâm khuyên cô hãy nghiêm túc nhìn nhận những mong muốn thực sự của chính mình và lên kế hoạch thực hiện nó. Cô cũng đừng ngần ngại chia sẻ với chồng về dự định đi làm trở lại, bù đắp và giúp đỡ cha mẹ, gia đình. Có thể chồng cô sẽ giận, có thể mối quan hệ của hai vợ chồng bắt đầu căng thẳng, nhưng đó là cuộc sống của cô, nó sẽ tạo nên hình ảnh của cô, biến cô thành một người vợ, người mẹ hạnh phúc, mong muốn được chăm sóc tổ ấm của mình chứ không làm việc đó như một người giúp việc.

Cô cũng cần dạy cho các con ý thức sống độc lập, nỗ lực làm những việc mình yêu và có ích cho đời, không chỉ bo bo cho cá nhân, ích kỷ. Đi làm, cô sẽ có thu nhập, làm chủ đồng tiền, tạo được những mối quan hệ xã hội, làm mới mình, mở mang kiến thức để có thể dạy dỗ con cái tốt hơn.

Thanh Tâm hy vọng cô gái mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết trong cô sẽ trở lại để có thể bứt ra khỏi cuộc sống bế tắc trong “chiếc lồng son” này.

                                                                                      Thanh Tâm Phunuvietnam.vn