Ảnh minh họa


Đúng lúc Thư nghỉ đẻ thì chồng cô cũng đột ngột mất việc làm. Thư như bị rơi vào khủng hoảng cả kinh tế lẫn tinh thần. Vừa đau đớn, mệt mỏi vì sinh con, cô lại vừa phải lo động viên chồng kiếm việc. Mặc dù hai vợ chồng Thư cũng có một chút tiền tiết kiệm nhưng cô không muốn rút ra tiêu xài.

Trong quan điểm của Thư, tiền ấy là của để dành, phòng lúc bản thân, con cái hay bố mẹ đau yếu, còn giờ hai vơ chồng trẻ làm ra được thì phải cố gắng kiếm tiền. Nhưng chồng Thư lại nghĩ khác vợ mình, anh vô tư bảo: “Hết thì rút tạm sổ tiết kiệm ra mà tiêu, làm gì phải keo kiệt”. Thế là vợ chồng lục đục.
 
Ngày nào, Thư cũng giục chồng tìm việc nhưng chồng cô gạt đi. Nếu Thư nói quá thì anh ta gắt lên: “Còn chán mới chết đói”. Dù không đi làm nhưng ở nhà, Nam cũng không lo cơm nước, chăm sóc vợ con. Việc nội trợ anh phó mặc hết cho mẹ vợ. Vợ đẻ mệt ngủ, Nam cũng ngủ hoặc cả ngày chỉ nằm xem điện thoại. Thư muốn chồng làm đỡ việc gì thì phải nhờ vả, nói rõ và chỉ dẫn tận tay. Dần dần, chồng Thư trở thành một người thụ động. Có lúc, Thư cảm thấy chán, muốn buông tay. Nhưng nghĩ lại con vừa sinh ra, hơn nữa Nam cũng chỉ mới mất việc...
 
Nửa năm sau, nhờ các mối quan hệ quen biết, Thư xin cho chồng vào làm ở một công ty xây dựng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Một lần nữa, cô lại động viên chồng học hỏi rồi tìm cách làm thêm nhưng Nam chỉ bằng lòng với mức lương hiện tại. Hàng tháng, Nam đưa hết tiền lương cho vợ rồi túc tắc xin lại để chi tiêu, trách nhiệm thế coi như xong, còn mọi việc Thư phải tự lo tất.
 
Dạo gần đây, con gái lớn hơn, tập nói và nhất là hay bắt chước. Nhưng Nam suốt ngày chỉ ôm điện thoại khư khư. Đã không chịu ngó ngàng đến con, còn dạy cho bé những điều không tốt. Đã nhiều lần Thư và chồng cãi cọ vì phương pháp dạy con gái. Cô thấy mình và chồng không có tiếng nói chung, cảm giác rất mệt mỏi và bế tắc.
 
Khi nghe Thư kể chuyện, Thanh Tâm thấy cô đang gặp phải rất nhiều vấn đề, trong đó nghiêm trọng nhất là cô đã quá ôm đồm mọi việc. Có thể do cô có năng lực, cũng có thể tính cách của Thư vốn lo xa nhưng việc cô bao quát và điều khiển chồng cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến anh ta thụ động và ỷ lại. Muốn cho tình thế thay đổi, muốn người chồng mạnh mẽ, có chủ kiến hơn, Thư phải học cách để chồng tự lớn.
 
Trong việc nuôi dạy con cái, Thư đứng từ góc độ một người mẹ nhưng Nam lại đứng trên quan điểm, lập trường của một người cha. Hai bên có thể sẽ có những cách truyền đạt khác nhau, miễn là những điều đó xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm và mong muốn đem đến những điều tốt đẹp cho con gái. Về cơ bản, Thư có thể góp ý với Nam về cách ăn nói, cư xử sao cho phù hợp với con nhưng cô tuyệt đối không nên chế diễu, phê phán, hạ thấp vai trò làm cha của chồng mình.
 
Hiện tại, việc cố gắng thay đổi Nam khiến cho Thư mệt mỏi nên Thanh Tâm khuyên cô ấy hãy học cách buông tay, dành cho mình một khoảng không gian để bản thân được nghỉ ngơi, refresh, nạp lại năng lượng. Dù sao từ trước tới nay, việc thay đổi một người khác luôn luôn khó hơn việc tự đưa ra quyết định của chính mình.
 
Thay vì cố gắng thay đổi chồng, Thư chỉ cần làm tốt mọi thứ trong phạm vi của bản thân và đưa ra những quyết định sáng suốt. Hãy biến mình thành người phụ nữ thoải mái, nhẹ nhõm. Khi người vợ chủ động cuộc sống sẽ lôi kéo người chồng thay đổi theo.

Thanh Tâm