Ảnh minh họa

Cúc về làm dâu nhà bà Đạt đã 3 năm, có một cô con gái hai tuổi. Bởi vì chồng Cúc đi tàu quanh năm suốt tháng nên cô vẫn ở cùng với mẹ chồng, để bà tiện trông nom con giúp. Cúc đi làm chẳng biết bận gì mà tối ngày chẳng thấy mặt. Con bé 2 tuổi, đã nuôi bộ nên việc về nhà sớm của Cúc càng ngày càng hiếm hoi. 

Bà Đạt nhiều khi nhắc khéo con dâu: “Làm gì thì làm cũng phải có giờ giấc, rồi còn dành thời gian chăm con chăm cái. Mẹ già rồi có dạy dỗ cháu cũng không thể bằng các con được đâu”. Nghe mẹ nhắc, Cúc vội: “Dạ, vâng” nhưng chỉ được mấy bữa là cô lại đi sớm về muộn.

Có quãng thời gian, suốt cả tháng con bé chẳng được gặp mẹ. Ngủ dậy là nó đi tìm bà nội để bà cho ăn, chơi với bà cả ngày, đến tối mẹ chưa về cũng lại bà ru nó ngủ... Có điều mấy hôm nay con bé ươn người nên dở chứng. Nó cứ luôn miệng rên rỉ gọi: “Mẹ Cúc, mẹ Cúc ơi...”.

Bà Đạt xót cháu, lại nghĩ đến cảnh con trai đi làm ăn xa. Tình cảm của vợ chồng chúng nó chắc là cũng chẳng lấy gì mặn nồng sâu sắc. Mà con dâu ở nhà dù mạnh mẽ đến mấy cũng cần được quan tâm, âu yếm nên rất dễ thay lòng.

Rồi bà lại thở dài khi nhớ tới lời hàng xóm mách: “Bà phải cẩn thận để ý con dâu, kẻo sau này có chuyện không hay xảy ra lại hối hận”. Bà Đạt lo lắng quá, làm thế nào để ngăn cái Cúc đây?

Một hôm, buổi tối con bé bỗng sốt cao, có dấu hiệu co giật, bà phải vội bắt taxi cho cháu vào bệnh viện. Khi taxi đi đến Đê La Thành (Hà Nội) thì đường tắc, xe cộ phải di chuyển từ từ. Ngồi trong xe ôm cháu bà nghĩ vơ vẩn rồi đưa mắt nhìn quán xá, không ngờ chính lúc ấy bà lại nhìn thấy Cúc đang tình tứ với một người đàn ông lạ trong quán ăn phía bên kia đường.

Bà Đạt phải dụi mắt mấy lần. Đầu bà suy nghĩ rất nhanh: “Nếu giờ mình bắt quả tang con dâu quê quá bỏ đi thì hỏng”. Thế nên bà quyết định vờ như không biết, giống như chỉ tình cờ ôm cháu vào quán mua ít đồ ăn. Khi cô bán hàng hỏi bà cố tình nói to: “Cháu tôi ốm nhập viện gấp, cô bán cho tôi ít cháo mang theo”. Cô chủ quán lấy đồ cho xong là bà bước ra xe, đi thẳng.

Mà cô con dâu khi thấy “tiếng quen” quả nhiên đã bị giật mình. Vì chẳng kịp trốn đi đâu nên cô ấy vội quay người, xõa tóc che lấy mặt. Khi ra tới xe, bà Đạt lén nhìn lại thì thấy Cúc ngồi cúi mặt, tóc xõa rối rắm không còn thấy vẻ xinh đẹp chỉn chu của mọi ngày. Bà hiểu ý, xót xa cười.

Đưa cháu nhập viện xong, bà mới gọi cho Cúc và bảo cô về. Bà nói: “Con ạ, từ mai con ở nhà chăm con đến khi nào con bé khỏe rồi hãy đi làm lại”. Bà cũng nói với Thanh Tâm: “Qua chủ nhật này, sang tuần tôi định đi chơi với con gái mấy tháng để cho con dâu lo việc nhà và chăm con xem nó có thay đổi hay không chị ạ”.

Thanh Tâm vô cùng đồng tình với cách xử lý của người mẹ ấy. Hi vọng với lòng vị tha của bà cụ sau chuyến đó, cô con dâu sẽ tỉnh ngộ và nhận ra cần phải thay đổi, vun đắp cho hạnh phúc gia đình của mình.

 Thanh Tâm