Người phụ nữ đó mở đầu câu chuyện với Thanh Tâm bằng một lời nhận định: “Có lẽ trên đời này em là người hạnh phúc nhất: có chồng làm sếp ở công ty, chồng là người tử tế, đức độ, yêu vợ hết lòng, 2 đứa con, 1 gái, 1 trai ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng, đó chỉ là trước đây thôi, còn bây giờ thì...”
Chị bắt đầu khóc và câu chuyện bị đứt quãng. Một lần, bước vào phòng chồng mà không gõ cửa, chị vô tình thấy chồng mình đang hướng dẫn công việc một cách tận tình cho một cô nhân viên. Cô này rất gần gũi với gia đình chị bởi 2 nhà rất thân với nhau, qua lại nhà nhau chơi thường xuyên, hay tổ chức đi picnic cùng nhau, yêu quý con cái của nhau. Chị bỗng nảy sinh nghi ngờ vì sự tận tình, giọng nói ngọt ngào của chồng với cô ta. Đêm hôm đó, chỉ sau vài câu truy vấn thì chồng chị đã nhận là họ có thân mật với nhau nhưng chưa vượt quá giới hạn. Bằng chứng là anh rất bận, luôn đi, về đúng giờ và hầu như lúc nào cũng có cậu thư ký ở kế bên và ngày nghỉ thì bao giờ vợ cũng ở bên cạnh.
Mặc cho chồng xin lỗi, chị vẫn tức tối, khóc lóc, vật vã. Thảo nào mà anh cất nhắc cô kia lên một vị trí để có điều kiện làm việc gần anh hơn. Chị đau đớn vì bị bất ngờ: không ngờ chồng mình tử tế thế mà lại bội bạc, không ngờ chồng yêu mình thế mà lại lừa dối, không ngờ 2 nhà thân nhau thế mà họ nỡ xỏ mũi người mình vẫn má ấp tay kề. Đã thế, cô kia vẫn cùng chồng con đến nhà chị chơi, cứ như không có chuyện gì xảy ra.
Càng thấy chồng hối hận, chịu đựng, sẵn sàng làm bất cứ gì để vợ hài lòng thì chị lại càng làm già, thậm chí còn đòi bỏ anh nữa.
Ảnh minh họa: shutterstock
Chị đay nghiến chồng: “Thà rằng anh bảo cô ấy đừng đến chơi nữa!”. Nhưng, tại sao chị không hiểu rằng nếu 2 gia đình đang thân nhau thế mà bỗng nhiên không đến chơi thì nhà nhau có gây ra nỗi tò mò, thắc mắc không? Và, khi bị chất vấn thì anh trả lời thế nào, cô bạn kia trả lời ra sao về sự bất thường này? Nếu nhận rằng vì chúng tôi có tình cảm thân mật với nhau thì có phải “lạy ông tôi ở bụi này” không? Và, cái tình cảm ấy nó cũng chỉ mơ hồ thôi, đã có gì cụ thể đâu? Thanh Tâm hỏi lại chị.
Tất nhiên, chị khẳng định rằng nếu chị không vô tình nghi ngờ, làm toáng lên thì liệu họ có vượt qua ranh giới? Càng thấy chồng hối hận, chịu đựng, sẵn sàng làm bất cứ gì để vợ hài lòng thì chị lại càng làm già, thậm chí còn đòi bỏ anh nữa. Rõ ràng chị là người quá yêu bản thân và chỉ nghĩ đến mình. Giống như một đứa trẻ được nuông chiều nay gặp phải chuyện không như ý thì hờn giận cho bõ.
Thanh Tâm đã phân tích cho chị thấy rằng từ lời nói, hành động cho hả cơn tự ái đến việc đòi ly hôn là chuyện hệ trọng, phải suy nghĩ kỹ. Anh là người tử tế, phải khẳng định ngay điều đó, bằng cớ là giữa anh và cô kia chưa có gì đi quá giới hạn (Nghĩa là nếu kết tội ngoại tình thì họ mới chỉ ngoại tình trong tâm tưởng thôi), vậy mà anh đã thành thật “khai báo” với vợ. Thái độ, hành động của anh sau đó chứng tỏ anh rất yêu vợ và nếu không có chị thì cuộc sống của anh mất hết ý nghĩa. Giả sử, chị cứ làm căng, đến mức anh không chịu nổi mà đồng ý ly hôn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn sự tan vỡ sẽ làm gia đình 2 bên đều đau khổ. Sau này, khi con cái lớn lên, biết lý do vì sao cha mẹ chúng chia tay thì chúng có oán hận mẹ không khi tình hình hoàn toàn có thể cứu vãn được? Chị sẽ thỏa cơn tự ái nhưng bản thân chị có sung sướng, hạnh phúc không khi thay vì cởi bỏ oán thán thì chị lại chồng chất oán hận lên mối quan hệ vợ chồng? Là người gieo đau khổ cho những người thân, liệu chị có ân hận trong quãng đời rất dài còn lại?
Nghe chừng sau khi trả lời những câu hỏi của Thanh Tâm, ngẫm ra người có lỗi lớn nhất lại là mình nên chị bắt đầu dịu giọng và ngập ngừng câu nhắc, chắc chắn chị sẽ chọn cho mình cách xử sự khôn ngoan hơn.
Thanh Tâm - Báo Phụ nữ Việt Nam
(1900599933)