Bà Thúy Hà tâm sự:

- TP.HCM hiện có 641 khách sạn với 17.646 phòng, trong đó chỉ có 19 khách sạn 5 sao, với khoảng trên 6.000 phòng và tập trung hầu như tại quận 1. Hiện nay mức giá chuẩn 5 sao còn cao, nhiều dịch vụ vượt thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam.

Vì vậy, tôi mong muốn sẽ có nhiều người được tiếp cận các dịch vụ 5 sao của Q-Mama Hotel, từ phòng nghỉ, ăn uống đến chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, giải trí với giá phù hợp. Ngoài những giá trị chung mà tôi mong muốn đem lại, Q-Mama Hotel còn tạo cơ hội cho những nhà đầu tư nhỏ trong nước. Thường thì các khách sạn 5 sao chỉ dành suất đầu tư cho các tập đoàn, nhà đầu tư lớn nước ngoài, nhưng Q- Mama Hotel sẽ nhắm đến các nhà đầu tư người Việt và đảm bảo lợi nhuận bền vững.

* Nhưng tại sao bà lại chọn nơi gần chợ An Đông, quận 5, để xây khách sạn, trong khi vị trí đóng vai trò rất lớn trong kinh doanh?

- Từ nhỏ, tôi đã gắn bó với quận 5 nên ký ức cũng như kỷ niệm ở khu vực này trở thành  thân thuộc, không thể quên. Nhiều năm xa xứ nhưng lúc nào tôi cũng nhớ về nơi mình đã sinh ra. Tôi thường nghĩ, nếu có cơ hội được trở về quê hương, tôi sẽ trở về ngôi nhà của mình là quận 5 để làm một cái gì đó cho khu vực này.

Hơn nữa, đây cũng là một trong những trung tâm kinh doanh sầm uất của người Việt gốc Hoa, mật độ dân số đông, có nhiều di tích lịch sử, có nhiều địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, như chợ Bình Tây, chợ An Đông, khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông, chùa Bà Thiên Hậu..., nhưng khách sạn chuẩn 5 sao chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Windsor Plaza, Parkson Hùng Vương, Thuận Kiều Plaza..., chiếm tỷ lệ 10,5%, trong khi có đến 15 khách sạn 5 sao tại quận 1, chiếm đến 78,9%.

Vì vậy, tôi muốn Q-Mama Hotel góp phần nâng tầm phát triển kinh tế, du lịch trong khu vực, tăng nguồn thu ngân sách cho TP.HCM. Song, điều lớn nhất mà tôi tin tưởng, quyết tâm đầu tư cho Q-Mama Hotel là gần đây, quận 5 đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, gìn giữ những nét văn hóa xưa cũ, như tổ chức phố lồng đèn, phố chuyên kinh doanh vàng, thuốc bắc. Xây dựng các tuyến phố trở thành sản phẩm du lịch đặc thù không chỉ của quận 5 mà còn là của TP.HCM.

* Là một trong những nhà kinh doanh bất động sản khá thành công tại Việt Nam nhưng tại sao bà lại chuyển sang đầu tư nhà hàng?

- Những năm còn ở Mỹ, mỗi lần điện thoại về Việt Nam thăm gia đình, ba tôi vẫn thường nhắc đi đâu thì đi, Việt Nam vẫn là quê hương, là nơi con sinh ra nên cố gắng trở về. Những năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, người ta đổ xô kinh doanh đất đai, chỉ cần mảnh giấy viết tay hay bản vẽ trên giấy cũng có thể sang tay nhau kiếm lời. Thậm chí, chi phí cho một vài bữa tiệc với bạn bè cũng có thể mua được một miếng đất nhỏ.

Thấy cơ hội kinh doanh tại Việt Nam khá dễ, trong khi ở Mỹ, mọi người phải lao động cật lực, làm việc cực khổ mà cơ hội kiếm tiền không nhiều, nên tôi đầu tư đất đai và mấy chục căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng. Thời điểm đó, khu vực Phú Mỹ Hưng còn ít người dám bỏ tiền đầu tư, nhưng do đã từng kinh doanh ở Mỹ, tôi dự đoán khu vực này sẽ có tiềm năng lớn. Quả thật, chỉ vài năm sau đó, giá đất bắt đầu lên. Trung bình mỗi ngày, tôi có khoảng 5 giao dịch nhà đất thành công.

Tuy có duyên với kinh doanh bất động sản nhưng để đầu tư xây dựng căn hộ thì tôi chưa nghĩ đến. Quan điểm của tôi, kinh doanh không đơn giản chỉ nhìn vào con số và lợi nhuận hoặc thấy người khác làm được mình cũng làm được mà còn là mục tiêu của mỗi người, đặc biệt là phải biết dựa vào thế mạnh, sở trường riêng.

Kinh doanh nhà hàng là một trong những lĩnh vực cực nhất so với các lĩnh vực đầu tư khác, nhưng những năm ở Mỹ, tôi đã từng kinh doanh lĩnh vực này nên khi về Việt Nam, với kinh nghiệm vốn có cộng với cơ hội đang rộng mở nên tôi tự tin để tiếp tục. Sâu xa hơn, việc mở nhà hàng cũng là để chuẩn bị cơ hội đầu tư khách sạn 5 sao với nhiều dịch vụ, trong đó có nhà hàng.

* Bà có cho rằng mình kinh doanh thành công còn là do may mắn?

- Cũng có chút may mắn nhưng quan trọng nhất là phải biết xoay xở, nắm bắt thời cơ cũng như tận dụng cơ hội. Năm 2008, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu trầm lắng, có số vốn lớn và từng học ngành tài chính ở Thượng Hải, Trung Quốc, năm 2010, thấy ngành nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh, tôi thành lập sàn giao dịch hàng hóa Triều Phong để đón đầu cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, do đi quá sớm và mô hình này còn quá mới tại Việt Nam, mặt khác, mua bán trên sàn phải có ngân hàng bảo lãnh nên rất khó khăn, một số cổ đông chưa hiểu mô hình kinh doanh này nên cuối cùng tôi thoái vốn và chuyển sang kinh doanh thép xuất khẩu.

Trung bình một năm tôi xuất khẩu mấy trăm container thép sang các nước Đông Nam Á, lợi nhuận khá tốt, nhưng thị trường thép nhiều rủi ro, có thời điểm chỉ sau một đêm, giá thép đang từ hơn 200USD tụt xuống còn 43USD một tấn và cũng thời điểm đó, một số ngân hàng của Mỹ phá sản, trong đó mỗi cổ phiếu của Citibank đang từ 60USD còn 3USD, nên tôi chớp ngay cơ hội mua rất nhiều cổ phiếu của Citibank. Chỉ vài năm sau, cổ phiếu ngân hàng này tăng mạnh, tôi tiếp tục mua bán bất động sản ở Việt Nam.

Với lĩnh vực nhà hàng, thời kỳ đầu Q- Mama cũng rất khó khăn, lúc vắng khách thì lo, lúc đông khách thì lại bị đối thủ cạnh tranh. Nhưng với định hướng xuyên suốt là ăn ngon, dịch vụ tốt, cộng với nhiều chương trình khuyến mãi, dần dần khách biết và rủ nhau kéo đến Q-Mama ngày một đông.

* Nhiều năm trên thương trường, bà đã rút được bài học gì, kể cả thành công lẫn thất bại?

- Kinh doanh không gặp khó khăn thì không phải kinh doanh và ở Việt Nam, muốn trụ được, làm được thì phải có nghị lực và nỗ lực rất lớn. Một công thức chung cho kinh doanh mà tôi rút ra, đó là phải có chút mạo hiểm, phải biết lúc nào nắm, lúc nào cần buông, nhất là phải theo sát thị trường.

Đã có thời điểm tôi bán hố vài căn biệt thự do không cập nhật giá thị trường. Đặc biệt, trong hợp tác làm ăn, phải biết chọn đúng đối tác. Riêng kinh doanh nhà hàng, ngoài kinh nghiệm, chất lượng món ăn, điều cần nhất là phải chọn địa điểm tốt và dịch vụ phải khác biệt. Đó là lý do chưa bao giờ các  nhà hàng Q-Mama quảng cáo nhưng luôn đông khách.

* Từ một người kinh doanh đơn thuần đến đứng đầu một công ty với hàng trăm nhân viên, bản thân bà cảm nhận thay đổi gì lớn nhất?

- Lúc trẻ mình kinh doanh theo sở thích nhưng khi công việc kinh doanh ngày càng rộng mở, từ việc mở một nhà hàng đến xây dựng một khách sạn 5 sao thì suy nghĩ của tôi cũng thay đổi, thấy trách nhiệm nặng nề hơn, phải làm tốt hơn, cẩn trọng hơn từng bước.

Ngày xưa làm nhỏ, có sai cũng chỉ bản thân mình và gia đình bị thiệt, còn bây giờ là trách nhiệm với cả công ty, với cộng đồng. Hơn nữa, khách sạn là nơi khách hàng nhiều nước đến lưu trú nên tôi cũng phải học hỏi, tìm hiểu rất nhiều thứ, kể cả văn hóa, sở thích của con người từng khu vực, từng nước để đáp ứng một cách tinh tế nhất.

* Cách học của bà là...

- Học trên trường, trên lớp, trên sách vở là kiến thức nền, học qua trải nghiệm thực tế cho mình sự linh hoạt để vận dụng vào kinh doanh. Vì vậy, tôi thường đi các nước để trải nghiệm tại các khách sạn 5 sao, để giao lưu với khách hàng và học hỏi kinh nghiệm của những người trong cùng lĩnh vực, nhất là kinh nghiệm xử lý khi có sự cố. Tất cả những trải nghiệm này đã cho tôi sự tự tin và nhận ra không có khó khăn nào là không xử lý được.

* Điều cần có của người lãnh đạo mà bà tâm đắc nhất?

- Đó là sự tự tin, không ngại khó. Một người dẫn đầu mà không có sự tự tin, mới thấy khó đã lo ngại thì không thể làm được gì. Bởi người dẫn dắt thấy khó thì người xung quanh mình cũng sẽ thấy khó. Quan điểm kinh doanh của tôi là mình có thể thất bại nhưng không bao giờ được mất tự tin.

Ngoài sự tự tin, người lãnh đạo phải là người biết lắng nghe, không cố chấp. Thế hệ trẻ bây giờ dù chưa nhiều kinh nghiệm nhưng có nhiều ý tưởng sáng tạo và ý kiến hay. Nếu biết lắng nghe họ, mình sẽ học được nhiều điều mới.

* Nhưng trong cuộc đời, ai cũng có lúc  mất tự tin...

- Tôi đã từng. Đó là lúc trẻ. Nhưng khi ngộ ra và thấm lời khuyên của ba là con hãy luôn tự tin thì mọi khó khăn sẽ qua, tôi thấy mạnh mẽ hơn và đã làm được nhiều việc, thậm chí xoay chuyển được nhiều tình thế xấu thành tốt.

* Trong kinh doanh, theo bà, điều gì khó nhất?

- Chiều theo lòng người là khó nhất, nhất là kinh doanh nhà hàng là nghề làm dâu trăm họ, trăm người trăm ý, mình làm tốt cũng có người nói không tốt. Cách xử lý của tôi là cứ làm đúng, thời gian sẽ trả lời.

* Bà có cho rằng phụ nữ không nên quá tham vọng và cũng không cần kiếm quá nhiều tiền?

- Đến thời điểm này, tôi có kiếm thêm tiền cũng chỉ tăng thêm chút ít trong khối tài sản đang có. Trong khi một ngày tôi cũng chỉ ăn hai bữa, sơn hào hải vị cũng không dám ăn vì sợ mập, ngủ cũng chỉ một chiếc giường, đi cũng một chiếc xe và mỗi ngày chỉ uống một ly cà phê. Vì vậy, có giàu thêm cũng chẳng mang lại giá trị gì cho mình.

Trong khi ông trời cho mình sức khỏe, trí tuệ, cho mình cơ hội mà mình không làm gì, chỉ hưởng thụ, ung dung với bản thân mà  bỏ quên trách nhiệm với biết bao người thì mình là kẻ ích kỷ. Đó là lý do tôi phải làm việc gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng, phải tạo ra việc làm cho nhiều người và dẫn dắt lớp trẻ cùng mình thực hiện trách nhiệm xã hội.

* Chắc hẳn công việc bà đang làm cũng là  để lại cho con?

- Tôi có bốn đứa con nhưng không nghĩ Q-Mama Hotel là để cho con kế thừa. Tài sản lớn nhất tôi cho các con, đó là ý thức trách nhiệm. Lúc nhỏ thì trách nhiệm với bản thân, khi lớn thì trách nhiệm với gia đình, xã hội, với sự nghiệp cha mẹ đã nhọc nhằn tạo dựng. Cách dạy con của tôi là giáo dục ý thức, ý thức về đồng tiền mình làm ra, ý thức về công sức lao động của người khác, ý thức tiết kiệm. Vì thế, dù có tiền, các con tôi vẫn đi loại xe ít tiền, vẫn đi máy bay hạng bình dân. Tôi quan niệm lao vào công việc mà không cân bằng được thời gian cho gia đình là sai lầm.

* Bí quyết của bà về người phụ nữ lãnh đạo và người phụ nữ của gia đình?

- Ra thương trường thì là người lãnh đạo, phải quyết đoán, ra lệnh, phải nguyên tắc trong cách hành xử, giải quyết công việc, nhưng khi về nhà với chồng con, người phụ nữ "quyền lực" ấy phải được tháo bỏ để trở về đúng vai trò người mẹ, người vợ, người bạn của con, dành thời gian trò chuyện, chăm sóc các con và gia đình. Bọn trẻ ngày nay đòi hỏi mẹ phải là người bạn để chia sẻ.

* Vậy bà quan niệm của thế nào là giàu?

- Chữ giàu với tôi là giàu bạn, giàu con, giàu nghĩa, giàu tình. Và hạnh phúc nhất là tôi đã có đủ bốn cái giàu đó. Tôi không nhiều tiền như một số bạn bè nhưng đi đến đâu tôi cũng có bạn và cũng nhờ bạn tôi có sự nghiệp ngày hôm nay. Nguyên tắc sống của tôi là đã gọi là bạn thì phải chia sẻ, cởi mở và hết lòng, trọn nghĩa, vẹn tình.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ!

Theo Doanh nhân Sài Gòn