Áo dài thường được chọn mặc trong nhiều dịp đặc biệt, như du xuân đón năm mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Câu chuyện này đặt ra bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam nói riêng và các thương hiệu văn hóa Việt Nam nói chung, để từ đó không chỉ giúp các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam tạo ra những giá trị kinh tế cho đất nước, mà còn khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới và tránh được tình trạng đánh cắp bản quyền.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) 


Tuổi Trẻ giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của chuyên gia văn hóa và các nhà thiết kế xoay quanh vấn đề này.

* Nhà thiết kế Minh Hạnh:

Sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm

Việc thương hiệu thời trang Ne-Tiger của Trung Quốc giới thiệu bộ sưu tập giống hệt các mẫu áo dài của Việt Nam là sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm, như một dạng "đường lưỡi bò" trong văn hóa.

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Theo tôi, Việt Nam không thể đem áo dài lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đi đăng ký sở hữu trí tuệ, bởi việc đăng ký sở hữu trí tuệ thuộc về một cá nhân cụ thể. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, phía Việt Nam phải công bố áo dài là quốc phục. Nếu chúng ta không làm vậy, một lần nữa chúng ta bị "việt vị" như những lần phát hiện bản đồ có "đường lưỡi bò" trong GPS xe hơi, trong phim ảnh...

Thương hiệu thời trang Ne-Tiger là một trong những thương hiệu hàng đầu và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực thời trang ở Trung Quốc. Với tầm ảnh hưởng của mình, Ne-Tiger hoàn toàn có thể biến áo dài của Việt Nam trở thành thường phục của người dân một tỉnh nào đó ở Trung Quốc nếu chúng ta không đăng ký sở hữu trí tuệ.

* Nhà thiết kế Sĩ Hoàng:

Văn hóa của mình, mình phải tự giữ lấy

Cách đây khoảng 11 năm, nhân lần tham gia chương trình giao lưu kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt - Nhật, cùng Đoàn ca múa nhạc Bông Sen sang Nhật, tôi và trưởng đoàn là bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, đã đến tham quan Bảo tàng Kimono tại Tokyo.

Lúc đó, bảo tàng có cuộc triển lãm Lịch sử 5.000 năm trang phục Trung Quốc. Xem đến tủ kính cuối cùng, cả tôi và chị Thế Thanh đều sửng sốt khi thấy bên trong trưng bày bộ áo dài lụa Việt Nam màu xanh ngọc, có cả nón lá và đôi guốc gỗ. Họ ghi rất rõ "Trang phục hiện đại Trung Quốc".

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng

Do bảo tàng không cho chụp hình nên tôi đã không ghi lại được. Nhìn hình ảnh trưng bày đó, chúng tôi vừa giận vừa lo. Khi về Việt Nam, tuy không đủ kinh phí, tôi vẫn gấp rút bắt tay vào xây dựng Bảo tàng Áo dài (Q.9, TP.HCM) để 4 năm sau bảo tàng được khánh thành.

11 năm qua, trong các cuộc giao lưu về việc giữ gìn và phát huy áo dài, tôi đều nhắc đến câu chuyện này. Khi gặp gỡ các em học sinh - sinh viên, tôi thường hỏi các em ngoài bộ áo dài đồng phục, trong tủ của các em có thêm bộ áo dài nào khác không, và rất buồn khi nhiều em bảo không có.

Tôi cho rằng áo dài là văn hóa mặc của người Việt Nam, muốn giữ được văn hóa đó bạn phải mặc. Mặc áo dài không chỉ để đẹp, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Văn hóa chỉ được bảo tồn chắc chắn, phát huy được giá trị khi được sống trong lòng đời sống hằng ngày.

Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!

Những cô gái Việt duyên dáng với chiếc áo dài truyền thống - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông DIEGO CHULA (nhà thiết kế Tây Ban Nha nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam):

Đó là một sự chiếm đoạt văn hóa

Tôi nghĩ việc nhà thiết kế Trung Quốc nhận bộ sưu tập đó là sáng tạo của họ thực sự là điều đặc biệt đáng tiếc cho chính họ. Rõ ràng đây là sự chiếm đoạt văn hóa với áo dài và nón lá của Việt Nam.

Theo tôi, áo dài là bản sắc văn hóa Việt Nam. Người ta có thể thấy một lịch sử dài lâu của áo dài Việt Nam từ thế kỷ trước qua hội họa, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh.

Tôi nghĩ nhà thiết kế người Trung Quốc này sẽ chẳng nhận được bất kỳ thành công nào khi cố gắng chiếm lấy áo dài thành sản phẩm sáng tạo của Trung Quốc, bởi cả thế giới đều biết mối quan hệ giữa Việt Nam và áo dài.

Áo dài Việt bị coi là "sáng tạo" của thương hiệu thời trang Trung Quốc

Một "thiết kế" trong bộ sưu tập của Ne-Tiger - Ảnh: CHINA DAILY

Tại Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 diễn ra ở Bắc Kinh khai mạc ngày 25-10-2018, Ne-Tiger - một thương hiệu thời trang nội của Trung Quốc - đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là "sự sáng tạo" của nhà thiết kế.

Ngày 25-10 vừa qua, cũng tại Bắc Kinh, Tuần lễ thời trang xuân hè 2020 có sự góp mặt của thương hiệu thời trang Ne-Tiger này. Đài CGTN (Trung Quốc) dẫn lời ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne-Tiger, tuyên bố quan điểm của ông "khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc".

Ông này cũng nói: "Trong khi vẫn bảo lưu truyền thống, tôi đã luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để được người tiêu dùng chấp nhận trên toàn thế giới".

D.K.THOA 

 Theo tuoitre