Mỗi sáng, vài phụ nữ chạy chợ rong phố phường Đà Nẵng vẫn mang theo một món hàng đặc biệt: con nhộng non, món ăn mà người phố tưởng như khó còn thấy kể từ khi tơ lụa mất thị trường Đông Âu cuối thập niên 1980. Thậm chí bây giờ trẻ con không biết ăn món nhộng xào, nhộng trộn bắp chuối, rau thơm. 

Chỉ dấu từ những con nhộng vàng ấy cho tôi tin rằng làng lụa quê mình - làng Mã Châu nổi tiếng một thời vẫn còn những biền dâu xanh bên sông Thu Bồn. Nghề ươm tơ dệt lụa gần 400 năm vẫn còn đó.

Mã Châu là một địa danh nổi tiếng trong nghề tơ lụa ở miền Trung, bởi đó là quê hương của bà Đoàn Quý phi, vợ Chúa Nguyễn Phúc Lan, được gọi là Hiếu Chiêu Hoàng hậu. Sau những tháng ngày nhìn cảnh tranh đoạt ở phủ chúa ngoài Phú Xuân (Huế), bà quý phi về dưỡng già tại quê nhà ở làng Mã Châu, nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.


Lăng mộ của bà hiện vẫn còn và trở thành di tích văn hóa của tỉnh, ghi nhận công lao của người phụ nữ đã phát triển nghề canh cửi, làm trù phú một vùng rộng lớn ở Xứ Đàng Trong, và kéo dài đến tận ngày nay. Bởi vậy, dân gian tôn xưng bà là Bà Chúa Tằm tang, nhiều làng lụa đã thờ bà như tổ nghề.

Con sông Thu Bồn vẫn còn đó, những mảng dâu xanh ngoài bãi bồi phù sa còn đó, tuy không bát ngát như thuở Xứ Đàng Trong.

Chúng tôi đi dọc con sông Thu Bồn, về nơi từng có nhà máy ươm tơ Giao Thủy những ngày hoàng kim thập niên 1980, thi thoảng mới gặp một vườn dâu xanh, và kỳ lạ là tiếng hò khoan của thôn nữ. Đây chính là cung đường Bà Chúa Tằm tang năm xưa đi thuyền từ dinh trấn Thanh Chiêm, ngược dòng Thu Bồn và sông Vu Gia đến tận các làng xã tơ tằm ở ven đôi bờ các con sông đó để thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa với bà con nông dân, khuyên bảo họ một cách ân cần, nên được bà con nồng nhiệt tiếp đón và một lòng nghe theo. Nhờ vậy, dần dần ở những làng xã nằm dọc hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia, Ba Kỳ, những nương dâu xanh thắm mênh mông chạy tít đến tận chân trời.

Khắp xứ Quảng, nghề tơ tằm trở nên phổ biến và phát triển, nhưng tập trung và nổi tiếng hơn cả là ở phủ Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, huyện Đại Lộc và phủ Hà Đông.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã đến Hội An vào cuối năm 1624, đã nhìn thấy như vậy và ông nhận xét: "Ở Đàng Trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền".

Tận mắt nhìn thấy những cánh đồng trồng dâu mênh mông để nuôi tằm lấy tơ ở Xứ Quảng mà giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn năm 1618, đã viết: "Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều". 
Vì vậy chúng tôi tin rằng ở một quy mô nhỏ, nhưng tơ lụa Quảng Nam đã từng tham gia vào "Con đường tơ lụa" năm xưa!

Làng lụa Mã Châu còn vang tiếng khung cửi, tiếng thoi đập đến tận hôm nay, dù chỉ vài chục hộ gia đình và một HTX dệt lụa Mã Châu, cố gắng đưa ra thị trường những thước lụa óng đặc thù và người điều hành là anh Trần Hữu Phương. Gia đình anh Phương không "Nam tiến" hồi thập niên 1960 để làm nên làng dệt Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM mà chọn ở lại mảnh đất đang nhàu nát vì chiến tranh, rồi thị trường khắc nghiệt, gia đình anh Phương vẫn giữ nghề. Anh từng nói: "Đi đâu về, nghe tiếng khung dệt chạy mới thấy đã đến nhà”.

Để tạo ra loại lụa truyền thống, từng công đoạn đều làm bằng tay, công đoạn nào cũng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Làng lụa Mã Châu còn rất ít người dệt lụa theo cách thủ công này. Để dệt được tấm lụa đẹp, nghệ nhân phải xâu dây xà vào bàn xà. Việc xâu dây tưởng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa những bí quyết để tạo ra họa tiết cho tấm vải sau này.

 

Hàng ngàn sợi dây được xuyên qua lỗ nhỏ một cách cẩn thận và chính xác. Nghệ nhân thuộc lòng vị trí của từng sợi tơ. Sự phức tạp không chỉ nằm ở hàng ngàn sợi tơ mà còn nằm ở một chuỗi miếng bìa tương ứng, được gọi là "bản lập trình". Đây là công đoạn quyết định hoa văn, họa tiết của tấm lụa. Trong khi đó, ở một xưởng khác, tơ tằm được cuốn vào từng ống để chuẩn bị cho việc dệt vải.

 Công đoạn này ngày nay được máy móc hỗ trợ nên người thợ phần nào vơi đi sự vất vả. Nếu bạn từng nhìn thấy những nghệ nhân xe từng sợi tơ, rồi sợi tơ ấy qua công đoạn dệt nên tấm lụa, sẽ hiểu mỗi thước lụa ấy biết bao công phu, khó nhọc. Làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng, vội vội vàng vàng, vất vả thâu đêm.


Bởi vậy ở đây khi nghe tin về vụ "lộ xuất xứ hàng hóa" của một thương hiệu nổi tiếng là Khaisilk, bà con rất buồn. Cái buồn ấy cũng đơn giản. Nghệ nhân dệt cả tuần mới ra vài mét lụa, giá vài trăm nghìn đồng một thước ngay trong làng nên không thể chen chân vào những cửa hàng lớn của các đại gia tơ lụa vốn mua một bán mười.

 Thế mới có chuyện mua lụa công nghiệp Trung Quốc về bán cho người tiêu dùng Việt Nam, và qua đó cũng hiểu rằng người tiêu dùng Việt Nam không còn biết rõ thực hư về nghề tơ lụa, không biết một tấm lụa tơ tằm nó ra sao để bị chìm trong những thật thật giả giả của thị trường. Một nghệ nhân hiểu chuyện, nói: "Đừng tiếc thương hiệu ấy, bởi nó không có thước lụa Việt Nam nào ở đó cả. Nó có mất đi thì nghề tơ lụa Việt Nam cũng không tổn thất".

Trong cái nhiễu nhương của thị trường, vẫn có những người nặng lòng với lụa Mã Châu. Có một người phụ nữ điều hành một tổ chức hoạt động vì trẻ em một lần đến thăm làng Mã Châu và phải lòng những thước lụa màu truyền thống từng làm nên nhan sắc phụ nữ xưa.

Chị cố gắng giới thiệu lụa Mã Châu ở TP.HCM, khuyến khích khách hàng chọn lụa Mã Châu may áo dài. Rồi nhờ internet, lụa Mã Châu ngày ngày lên mạng giới thiệu sản phẩm, khách hàng đặt mua để may áo dài. Nhiều lần tham dự lễ hội tơ lụa ở vương quốc lụa Đông Bắc Thái Lan, lụa Mã Châu đã được các đồng nghiệp Thái Lan chú ý, khen ngợi.

Nhà thiết kế Minh Hạnh từng khuyến khích những nhà thiết kế trẻ định hướng sáng tác bằng sản phẩm của làng nghề, của địa phương thì mới đi được xa hơn, sẽ dễ thành công hơn. Điển hình như lãnh Mỹ A được một số nhà thiết kế nổi tiếng trong nước chú ý, có người đã gắn bó với nó như Võ Việt Chung. Gần đây các nhà thiết kế cũng được làng đũi Nam Cao, Thái Bình tài trợ để tạo mẫu tham gia trình diễn trong các tuần lễ thời trang trong nước.

Có lẽ con đường kết nối với thị trường thông qua những nhà thiết kế như Minh Hạnh từng làm và khuyến khích học trò, là con đường duy nhất đúng với một làng lụa đang cố gắng tồn tại. Hy vọng Mã Châu sẽ lọt "mắt xanh" của những người sáng tạo thời trang trẻ!

 Theo Doanh nhân Sài Gòn