Anh Bùi Thế Phương nhớ lại những giây phút sinh tử

Trở về sau 5 ngày vẫy vùng trong lũ rồi mắc kẹt lại bản Pin-Dong, anh Bùi Thế Phương (29 tuổi, sống ở bản May) vẫn không thể tin nổi là mình còn sống. “Tiếng trẻ con khóc, tiếng phụ nữ kêu cứu, tiếng đàn ông khan giọng gọi “xuồi-khọi” (giúp tôi), “au-khọi”(cứu tôi) là những âm thanh tôi không thể quên được”, anh ngậm ngùi kể với phóng viên Thanh Niên.

Vai vác con, cổ đeo theo vợ
Đà Nẵng trao 2,3 tỉ đồng hỗ trợ nạn nhân vụ vỡ đập
Sáng 30.7, đoàn công tác của TP.Đà Nẵng đã đến tỉnh Attapeu (Lào) trao hơn 2,3 tỉ đồng (tương đương 100.000 USD) để hỗ trợ khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện. Trong đó, 2 tỉ đồng trao cho tỉnh Attapeu, 200 triệu đồng hỗ trợ H.Sanamxay; còn lại trao quà trực tiếp cho các gia đình gặp tổn thất nặng và một đơn vị của Quân khu 5 đang tham gia cứu trợ tại Attapeu.
Huy Đạt - An Dy
Bản May là một trong 6 bản bị tàn phá nặng nề nhất sau khi đập vỡ đêm 23.7, khiến 5 tỉ m3 nước tràn xuống cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. “Đêm đen, nước lũ ập về, mọi người bắt đầu tháo chạy, trẻ con kêu khóc. Ai cũng tìm cách thoát thân”, anh Phương (quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) nhớ lại đêm kinh hoàng.
Sau khi lũ về, vợ chồng anh cùng đứa con nhỏ đứng trên lầu nhà hàng xóm đợi cứu hộ và cố soi đèn pin về phía nhà mình. “Lúc đầu còn thấy nóc nhà, sau chìm nghỉm rồi ục một tiếng thật lớn. Nhà tôi bị cuốn trong tích tắc”, anh kể. Chưa kịp định thần thì anh thấy thuyền của dân bản tới cứu. “Khi họ đến thì nước đã nhấn chìm lầu một của ngôi nhà tôi đứng. Để ra được chỗ thuyền không còn cách nào khác, phải bơi. Nhưng vợ tôi không biết bơi, con thì kêu khóc. Hoảng quá tôi nhảy xuống nước. Vai vác con, cổ đeo theo vợ bơi mãi cuối cùng cũng ra đến thuyền”.
Chiếc thuyền nhỏ xíu chở 5 người và một cái tủ lạnh xoáy tít giữa dòng nước xiết. “Ra khỏi ngõ, bắt đầu nghe tiếng la khóc kêu cứu. Tuy nhiên, nếu dừng lại thuyền sẽ lật ngay bởi nước xiết quá”, anh kể. Sau đó, anh Phương cùng một người khác đưa thuyền tìm chỗ cao thả người thân xuống rồi quay lại nhưng nhìn ra chỗ vừa kêu cứu thì không còn ai. “Trời tối om. Chúng tôi quay lại bờ trong bất lực”, anh nói, mắt đỏ hoe. Từ khuya cho tới khi trời sáng, anh Phương cùng hơn chục người kéo 2 chiếc thuyền gỗ đi tìm người mất tích và cứu thêm được một số nạn nhân bám trên ngọn cây.
“Có người không còn quần áo, có người nửa thân trên cây nửa thân dưới nước, có người không thể bám nổi phải cởi áo cột 2 tay vào nhau vòng qua thân cây. Ở phía đuôi bản, chúng tôi tìm thấy một người đàn ông gồng một tay giữ thuyền, tay kia bám vào ngọn cây. Trên thuyền có 4 người đàn bà và 2 đứa bé. Họ kể đã bám trụ trong lũ như thế mười mấy tiếng”, anh Phương nhớ lại.
300 người và 9 quả chôm chôm
Tới trưa 24.7, gia đình anh Phương cùng hơn 300 người về được đến Pin-Dong, bản nằm cao nhất trong số các bản gần khu vực đập. Tuy nhiên, bản này cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thiếu nước và thực phẩm, liên lạc và điện bị cắt nên lâm vào cảnh cô lập. Sau 2 ngày nhịn đói, tới ngày thứ ba thì không ai chịu nổi. “Mọi người bàn nhau bơi thuyền về bản, vào nhà nào còn lầu chưa bị ngập để tìm gạo. Một số nhà còn nhưng gạo ngâm nước 2 ngày đã chuyển sang màu đỏ nhưng cũng phải nấu lên mà ăn. Trẻ con, người già ăn cùng một loại thức ăn như thế. Sau đó có thêm mì gói và 9 quả chôm chôm. Chúng tôi dành cho những người đau yếu nhất ăn trước. Dù đói nhưng không ai giành ai”, chị Chi, vợ anh Phương, chia sẻ.

Vợ con anh Phương may mắn thoát nạn

Vợ chồng anh Phương vốn định ở lại với người dân cho tới khi tất cả được cứu khỏi vùng cô lập nhưng con anh chị sốt cao. Thêm vào đó, xác trâu bò và cả thi thể trôi nổi bắt đầu phân hủy, gây nguy cơ bệnh dịch. Mãi đến ngày 28.7, lực lượng cứu hộ bắt đầu đến nơi và do đứa bé bị sốt nên gia đình anh được cơ quan chức năng ưu tiên đưa về trung tâm huyện trong sự vỡ òa của bà con người Việt tại Sanamxay sau nhiều ngày liên tục lo lắng hỏi nhau “Có ai thấy thằng Phương không?”. Lúc đó, anh bỗng nhiên nảy ý muốn quay lại bản. Anh bảo: “Tôi biết ra rồi không thể vào lại được nữa bởi bản Pin-Dong đã bị phong tỏa. Mảnh tôn, đinh, chai lọ vỡ và bùn lầy không cho phép ai về bản. Tuy nhiên, nếu được vào lại tôi cũng sẵn sàng. Tôi muốn ở cùng những ân nhân cứu giúp cả nhà tôi thoát chết. Cả đời này, dù có làm gì tôi cũng không thể trả hết ơn cho họ được”.
Hiện anh Phương và vợ con trú tạm tại ga ra xe hơi của một đồng hương. Tính đến thời điểm được giải cứu, cả gia đình đã mắc kẹt hơn 100 giờ. May mắn thoát nạn nhưng anh Phương chưa thể ngủ một giấc nào thanh thản. “Tôi vẫn ám ảnh tiếng khóc xé lòng của những đứa trẻ kêu trong đêm lũ. Tôi lo cho những người Lào ở Pin-Dong, không biết khi nào họ mới được trở về nhà. Trong giây phút cận kề sinh tử, tôi hiểu rằng người Lào hay người Việt cũng giống nhau. Khi hoạn nạn, tình người sẽ trỗi dậy”.
Theo Thanh niên