Ảnh minh họa

Không ép con làm theo ý cha mẹ

Một khảo sát của tờ Sina cho thấy, bố mẹ Nhật không bao giờ cấm đoán sở thích của con, trái lại họ thường tạo điều kiện để con phát triển sở thích đó. Bố mẹ Nhật quan niệm, trẻ có quyền có sở thích, hứng thú riêng và coi đó là một thứ quyền lợi đương nhiên của trẻ.
 
Chỉ khi nào sở thích của con không lành mạnh, khi đó bố mẹ mới can thiệp. Ngoài ra, bố mẹ Nhật còn có nguyên tắc không bắt ép con làm theo ý mình. Việc tôn trọng sở thích của con sẽ tạo cho con cảm giác được là chính mình. Trẻ sẽ phát triển tự nhiên với cái tôi riêng của trẻ.
Tờ báo này cũng nhấn mạnh, với bố mẹ xứ sở hoa anh đào, các kiến thức ở trường trang bị cho con chỉ là về mặt lý thuyết, có giá trị rất ít trong thực tiễn. Vì vậy nhiều trẻ mặc dù ở trường được giáo dục tốt, đạt thành tích cao nhưng ra ngoài xã hội lại không thành công, không thích nghi được với môi trường thực tế.
 
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là trẻ không có suy nghĩ độc lập. Bố mẹ Nhật hiểu điều này nên ngay từ bé, trẻ con Nhật Bản đã được khuyến khích khả năng suy nghĩ độc lập.
 
Bố mẹ Nhật không có thói quen trả lời hay đáp ứng ngay đòi hỏi của trẻ. Thay vào đó, họ khuyến khích con suy nghĩ, quan sát, nhìn nhận, đánh giá và vận dụng thực tế. Người Nhật cũng không định nghĩa trẻ biết nghe lời là trẻ ngoan. Họ cho rằng, những đứa trẻ biết nghe lời thường bị động, vì luôn chịu sự sắp xếp của người khác mà không có chính kiến riêng.

Ảnh minh họa
 
Sự tôn trọng này thể hiện ngay trong cuộc sống thường nhật, đơn cử là bữa ăn của con.  Khi trẻ tập ăn, để con thỏa thích thể hiện sở thích ăn uống, bố mẹ thường trải tấm thảm nhựa dưới chân ghế ăn, bát, đũa cũng dùng những loại bằng nhựa, được thiết kế đặc biệt phù hợp với khả năng cầm của trẻ; thực phẩm cũng luôn cắt gọn để trẻ có thể tự xúc mà không gặp rắc rối.
 
Trên bàn ăn, cha mẹ Nhật lúc nào cũng đặt một chiếc khăn ướt và một chiếc khăn ăn để trẻ có thể học theo người lớn tự vệ sinh cho mình. Bồn rửa mặt và đánh răng quá cao thì mẹ Nhật sẽ thiết kế một chiếc ghế để con trèo lên. Quần áo nhiều cúc con chưa biết cởi thì mẹ Nhật sẽ thiết kế những loại khoá kéo hoặc cúc bấm đơn giản để con có thể tự mặc quần áo.

Ở nhà, muốn con biết tự cất đồ chơi thì cha mẹ sẽ làm một vài chiếc giỏ, trên đó dán đề can hiển thị loại đồ chơi được phép bỏ vào giỏ để trẻ hiểu qui tắc mà phân loại, cất giữ đúng chỗ.
 
Cái nhìn khác biệt về sai lầm của trẻ

Không như lối giáo dục thường thấy với việc không cho phép con phạm sai lầm hoặc sẽ phạt, mắng nếu con mắc lỗi, bố mẹ Nhật có cái nhìn rất khác về việc mắc lỗi của trẻ. Họ cho rằng, nếu không để con trẻ tự trải nghiệm thì con sẽ không bao giờ học hỏi được gì. Nhờ những lần phạm lỗi mà con trẻ mới có những bài học thực tế và trẻ cũng tự khám phá được chính bản thân mình thay vì lớn lên trong trí tưởng tượng.
 
Khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ Nhật cũng không mắng nhiếc và dùng hình phạt để xử lý con. Cha mẹ Nhật quan niệm, chúng ta làm việc rất nhiều lần mới có thể thành thạo nên khi trẻ bắt đầu làm dù có chậm hay sai sót thì cũng là chuyện rất bình thường. Do đó mà mẹ Nhật không bao giờ chê trách con cái, ngược lại họ luôn khích lệ để trẻ hào hứng và tự lập hơn.
 
Trẻ em Nhật thay đồ rất nhiều khi đến trường. Khi mới đến lớp, bé phải tháo giày ra và thay bằng dép đi trong nhà. Nếu có giờ học thể dục, bé phải tự thay đồ và giày. Khi tham gia các câu lạc bộ, bé lại thay đồ cho phù hợp với nội dung câu lạc bộ mà mình tham gia. Bé phải thu dọn bàn ghế và phòng học của mình sau giờ học...
 
Thời gian học ở Nhật thường kéo dài từ sáng tới chiều. Các bé thường được mẹ chuẩn bị bữa ăn mang theo và tự ăn trong những giờ nghỉ trưa. Việc một đứa trẻ nhỏ tự ăn và dọn dẹp phần ăn của mình là điều hết sức bình thường ở Nhật. Thậm chí, có bé mới học cấp 1 đã có thể nấu ăn.

Theo Phunuvietnam.vn