Mặc dù có hứng thú với chính trị nhưng mơ ước lớn nhất của Amanda Nguyễn là trở thành nhà du hành vũ trụ

Thông minh và nhiệt huyết

Sinh năm 1991, Amanda Nguyễn có cha và mẹ là người Việt di dân sang Mỹ từ nhiều năm trước. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã bộc lộ trí thông minh thiên bẩm và có tài lãnh đạo. Tốt nghiệp thủ khoa Trường trung học Centennial, Amanda đã chọn Đại học Harvard và sở hữu tấm bằng thạc sĩ năm 2013. Trong lúc ngồi ghế nhà trường, cô đã chọn làm thực tập viên tại Nhà Trắng.

Amanda cho biết, dù có hứng thú với chính trị nhưng mơ ước lớn nhất của cô vẫn là trở thành nhà du hành vũ trụ. “Từ bé, tôi đã luôn cảm thấy kinh ngạc với vẻ đẹp của bầu trời đêm. Nó vừa khiêm tốn, vừa vĩ đại. Hình ảnh mà bạn nhìn thấy thực chất là quá khứ. Đó là những hạt photon đã đi hàng tỷ năm ánh sáng để đến được đôi mắt của bạn” - đôi mắt của cô sáng lên mỗi khi bàn luận về chủ đề này - “Đứng trước sự kỳ diệu ấy, tôi nhận ra bản thân nhỏ bé, chỉ là cái nháy mắt của vũ trụ nhưng đồng thời cũng cực kỳ đặc biệt bởi vì tôi có thể sống và biết yêu”.
Rời khỏi Harvard, Amanda đăng ký làm thực tập sinh tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và làm việc cho Học viện Vũ trụ Smithsonian. Mong ước của cô dường như đã có thể nhanh chóng trở thành hiện thực nếu như không có một sự cố tồi tệ xảy ra năm 2013.

Sự cố tồi tệ

Amanda bị cưỡng hiếp ngay tại trường Harvard trước khi tốt nghiệp vào năm 2013. Cô đã giấu gia đình và tự mình báo cảnh sát, trải qua mọi quy trình được yêu cầu, bao gồm khoảng thời gian gần sáu giờ kiểm tra liệu cô có thật sự bị làm nhục hay không. “Cơ thể của bạn là hiện trường vụ án, do đó, họ đã làm đủ mọi thứ cần thiết” - Amanda nói - “Sau đó, tôi còn bị đưa về nơi đã xảy ra vụ việc. Trong cuộc đời mình, tôi chưa từng cảm thấy cô đơn đến vậy”.

Cảnh sát cho biết, Amanda có thời hạn 15 năm để truy tố kẻ thủ ác theo quy định của tiểu bang Massachusetts. Ban đầu, cô dự định bỏ cuộc vì không nghĩ bản thân có đủ thời gian và nguồn lực để theo đuổi vụ án. Tuy nhiên, Amanda đã rất bất ngờ khi biết rằng các tài liệu của vụ án - bao gồm kit xét nghiệm - sẽ bị hủy sau sáu tháng nếu không làm đơn gia hạn. Đây là một quy định cổ lỗ và không phù hợp với những đặc thù của tội cưỡng hiếp vì nạn nhân thường bị sang chấn tâm lý và không có kiến thức pháp lý, dẫn đến quá hạn.

Amanda nhận định, đây là một bất công quá lớn đối với bản thân cũng như hàng triệu nạn nhân khác trên khắp nước Mỹ. Thay vì oán trách hay thở dài, cô quyết định hành động: “Quy định này cần phải bị thay đổi”.

Trỗi dậy như phượng hoàng

Sau khi đã quyết tâm chiến đấu, Amanda tận dụng mọi kiến thức và kỹ năng có được từ Harvard và Nhà Trắng. “Nếu muốn thay đổi cuộc chơi, bạn phải hiểu rõ luật của nó” - cô nhận định. Đặc biệt, cô không hành động một mình mà kêu gọi sự giúp đỡ từ những người cùng chí hướng.


Ba năm trước khi phong trào #MeToo nở rộ, năm 2014, Amanda sáng lập Rise - một tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ các nạn nhân bị xâm phạm tình dục. Rise gây quỹ thông qua trang GoFundMe và mọi thành viên tham gia đều là tình nguyện. Theo cô, cái tên Rise (trỗi dậy) có ý nghĩa “nhắc nhở chúng ta rằng một nhóm nhỏ công dân có tư tưởng, có quyết tâm sẽ có thể vươn lên và thay đổi thế giới”.

Rise đã soạn thảo ra Bộ luật Quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục (Sexual Assault Survivors' Bill of Rights) với mục đích cải thiện tính thống nhất của quy trình tố tụng đối với tội tấn công tình dục và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nạn nhân lên tiếng.

Với kiến thức học được tại Washington, Amanda biết rõ nên làm gì để bộ luật được thông qua. Cô đã nhắm đến các nhân vật chủ chốt của Thượng viện và thành công trong việc thuyết phục họ đưa bộ luật lên bàn của tổng thống. Ngày 7/10/2016, Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua bộ luật này.

Tính đến nay, bộ luật này đã được thông qua tại nhiều bang khác của Mỹ và thay đổi cuộc sống của ít nhất 25 triệu nạn nhân. Không ít ngôi sao nổi tiếng cũng công khai ủng hộ như Patricia Arquette, George Takei, Gina Rodriguez và Tatiana Maslany.

Đóng góp được ghi nhận

Năm 2017, Amanda được tạp chí Forbes xếp vào danh sách “30 người dưới 30 tuổi có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới”. Ngoài ra, cô còn nhận giải Heinz danh giá của Mỹ và giải Nelson Mandela cho những đóng góp làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Năm 2019, Amanda được đề cử giải Nobel Hòa bình và là cô gái trẻ người gốc Việt có được vinh dự này. Mặc dù vậy, ước mơ từ thuở bé của cô vẫn không đổi. Amanda hiện đang được huấn luyện để trở thành nhà du hành vũ trụ và tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi vĩ mô nhất của tự nhiên. Và cô vẫn tiếp tục cất lên tiếng nói nếu nhìn thấy bất công trong xã hội.

“Tôi muốn mọi người biết rằng, việc cất lên tiếng nói không làm giảm đi thành tựu hay tham vọng của bản thân. Tôi vẫn đang miệt mài theo đuổi đam mê vũ trụ của mình” - Amanda nói. 

Theo phunuonline.com.vn