Theo cô dâu Việt Nguyễn Thị Tạo: “Ngày Tết là thời điểm em nhớ về Việt Nam nhiều nhất".  

Cô dâu Việt Nguyễn Thị Tạo sinh năm 1988, quê ở Hậu Giang. Hơn 10 năm trước, qua mai mối, Tạo kết hôn với một người đàn ông đến từ quận Dalseogu, Thành phố  Daegu, Hàn Quốc. 

Sau những chuỗi ngày dài vất vả, cố gắng để vừa học tiếng Hàn, vừa học cách thích nghi với cuộc sống ở nơi xa lạ, vừa học cách làm vợ, làm mẹ… hiện cô đã có cuộc sống gia đình ổn định: con lớn đã lớn (10 tuổi) và cô cũng đã thực hiện được ước mơ học hành của mình là trở thành sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Xã hội và phúc lợi. Ngoài giờ đi học, Tạo còn thường xuyên đến làm việc tại Trung tâm gia đình đa văn hóa của Quận để làm công việc thông dịch/phiên dịch và trợ giúp pháp lý cho các cô dâu Việt khi gặp khó khăn. 

Khi chia sẻ về đời sống của cô dâu Việt trên đất Hàn trong những ngày Tết đến, Tạo cho biết: “Do đặc thù công việc nên em được tiếp xúc với rất nhiều cô dâu Việt tại đây. Em nhận thấy ngày Tết là ngày chị em thường vất vả nhất và cũng nhớ nhà nhiều nhất. Với bản thân em, xa nhà đã lâu và cũng không hay được về nên càng ngày Tết thì càng nhớ nhà nhiều. Với người Hàn, họ có phong tục ăn Tết trung thu lớn nên vào dịp Tết âm lịch thì cũng không quá rầm rộ, mọi hoạt động thường chỉ gói gọn trong 3 ngày. 
Người con dâu trong gia đình Hàn cũng giống hệt như con dâu trong gia đình Việt – thường phải đảm nhiệm rất nhiều công việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, nấu cỗ cúng lễ tổ tiên, mời họ hàng đến ăn… Mọi việc lo cho Tết khá giống ở Việt Nam nên cảm giác cũng thấy khá gần gũi. Tuy nhiên, do người phụ nữ chúng em phải làm nhiều nên cũng không có nhiều thời gian cho bản thân nhưng kiểu gì thì cứ đến giao thừa là nhớ Việt Nam nhiều lắm, là phải gọi điện về thăm hỏi, chúc mừng người thân ở nhà”.

Với cô dâu Phan Hà Anh (sinh năm 1981 tại Hải Phòng). Cô kết hôn với một người Đức, hiện đang sống ở thành phố Lubeck – CHLB Đức. Chia sẻ về những ngày Tết Việt tại trời Tây, Hà Anh cho biết việc gìn giữ những lễ nghi truyền thống đón Tết cổ truyền trong gia đình Việt - Đức là điều quan trọng và cô luôn chú ý giữ gìn.


 Hà Anh cho biết: “Trong ngày Tết ở đây, mình viết thư cho các con như là cách thể hiện tình cảm bằng văn chương. Mình kể cho các con nghe về ngày Tết ở Việt Nam có những gì, ví dụ như gói bánh chưng, đi chùa, được tiền mừng tuổi, được mặc quần áo đẹp, được đốt pháo… Hai đứa rất hào hứng nghe và hỏi han, nhiệt tình hưởng ứng mẹ làm cỗ ngày Tết”. Theo Hà Anh, việc cô cố giữ gìn những truyền thống ngày Tết khi sống ở nước ngoài, trước hết là cho chính bản thân mình, để khi nhìn thấy mọi người ở Việt Nam vui vẻ, mình cũng không có cảm giác bị lẻ loi, cô độc; Sau đó, mình hướng cho con cái và ông xã hiểu thêm một chút về văn hoá Việt Nam…

Với chị Thu Thủy  ở Hà Đông, Hà Nội từng có nhiều năm học tập ở Hàn Quốc và New Zealand, cho biết: “Chỉ đến Tết mới thấy nỗi nhớ nhà nó kinh khủng như thế nào”.



Chị Thủy đã đón Tết bằng những cuộc điện thoại đêm giao thừa, chị gọi về Việt Nam cho mẹ đẻ, sau đó là cho gia đình nhỏ của mình, để được nghe tiếng chồng, con ríu rít hỏi thăm mẹ, để đón Tết “chay” bằng cách nghe con khoe đi chợ mua hoa với bà, đi mua cây quất với bố, bảo món nem ngày Tết bố cuốn xấu lắm… 

Có đêm 30 Tết lại trùng thời điểm 6 giờ chiều tại trường học. Chị Thủy đã đón Tết bằng cách mỗi người Việt ở đấy chuẩn bị sẵn 1 món ăn giống Việt Nam nhất có thể, sau đó anh chị em tụ tập, tranh thủ gọi điện về nhà rồi ngồi nói chuyện rôm rả, ao ước có bát canh măng, có đĩa nem rán hay miếng bánh chưng và tất cả đều tưởng tượng cảnh được đi xem bắn pháo hoa rồi về đi chùa, hái lộc, rồi đi chúc tết ông bà nội ngoại…Và trong mắt ai cũng lóng lánh giọt lệ chực rơi…

THu Hiền