Ông Trần Trọng Hùng – Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Ba Lan.

 

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng thế nào đến đời sống người Việt tại Ba Lan, thưa ông?

Ngay từ 30/1, khi nghe tin về dịch bệnh, cộng đồng đã triệu tập cuộc họp và lập ra Ban hỗ trợ và phòng chống Covid-19 gồm đại diện các tổ chức cộng đồng, đặc biệt nòng cốt là Hội người Việt, đại diện Đại sứ quán, các trung tâm thương mại có người Việt buôn bán và làm việc. Lúc đó, chúng tôi lo ngại mình sẽ là người mang bệnh tật tới Ba Lan. Bởi vậy, những thông báo đầu tiên chúng tôi khuyến cáo bà con không nên đi kinh doanh tới Trung Quốc, những người trở về từ Trung Quốc và Việt Nam nên ở nhà tự cách ly 14 ngày.  Thông tin dịch bệnh dồn dập khiến hầu hết bà con lo lắng, hoang mang, nhất là vào thời điểm ban đầu với nhiều thông tin trái chiều. 
Ý thức được trách nhiệm và vị trí công việc của mình, Ban hỗ trợ và phòng chống Covid-19 đã ra được 15 thông báo, thay đổi mức độ báo động theo thời gian, các khuyến cáo được đưa ra theo sự thay đổi của chính quyền địa phương, nhằm hỗ trợ bà con về mặt thông tin chính thống. Các cuộc họp phòng chống dịch được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của Đại sứ, Ban Công tác cộng đồng đã vạch ra những kế hoạch cụ thể, nhằm triệt để phòng tránh dịch bệnh, các tiểu ban được cắt cử như tiểu ban Y tế, quỹ hỗ trợ lo phần tài chính, tiểu ban xung kích. 
Tờ báo Quê Việt nhận trách nhiệm truyền thông, dịch những tài liệu bằng tiếng Ba Lan liên tục được ban hành cho bà con mình phần đông không hiểu tiếng Ba Lan. Một bản tin dịch bệnh được xuất bản hàng ngày với thông tin cơ bản giúp bà con hiểu được những chính sách của chính quyền sở tại, phân biệt và giải thích được cho bà con sự khác biệt về phương pháp phòng dịch ở địa phương khác với ở Việt Nam, nhờ thế tránh được những bất ngờ khi đối diện trực tiếp với dịch bệnh.

Từ ngày 13/3, khi chính phủ Ba Lan tuyên bố dịch bệnh, hoạt động buôn bán, dịch vụ của bà con ngay lập tức bị đóng băng, trẻ em ngưng đến trường. Nỗi lo sợ lớn nhất của bà con là Ba Lan có thể bị “vỡ trận” như ở Italy. Sau một thoáng lo sợ, bà con ta bắt đầu các hoạt động giúp đỡ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. 

Trong gian khó hẳn nghĩa tình cộng đồng chính là nguồn động lực lớn để người Việt có thể vượt qua khó khăn, phải không ông?

Cộng đồng người Việt được hình thành trong 30 năm qua ở Ba Lan. Hoạt động của cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau được coi là lẽ tự nhiên trong nét văn hóa “tình làng nghĩa xóm” vốn dĩ của người Việt. Cái “được” của dịch bệnh là sự đoàn kết, nhờ vậy chúng tôi cùng nhau vượt qua được khó khăn.

Bên cạnh hoạt động tương trợ lẫn nhau, bà con đã phối hợp ra sao với chính quyền nước sở tại để phòng chống dịch hiệu quả?

Nhờ có sự chuẩn bị và tổ chức phân công công việc cụ thể, Ban hỗ trợ và phòng chống Covid-19 của cộng đồng đã phát huy được sức mạnh. Ban đã liên lạc với cơ quan dịch tễ và chính quyền địa phương, ngay từ ca đầu tiên phối hợp được với họ phân tích dịch tễ từng trường hợp, giúp đỡ bà con khai báo dịch tễ, nhờ đó nhanh chóng khoanh vùng được dịch bệnh. 

Bác sĩ, y tá nước sở tại nhận hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

 

Đặc điểm của phòng chống dịch bệnh là phải triệt để và khẩn trương, nhờ sự phối hợp của Ban với những cơ quan dịch tễ địa phương, các bệnh nhân được nhanh chóng khám bệnh, nhập viện cấp cứu kịp thời. Các trường hợp nặng đều được phối hợp xử lý nhanh chóng, cũng nhờ thế bà con tin cậy vào hoạt động của Ban, những trường hợp nghi nhiễm đều được tư vấn khai báo đầy đủ. 

Nhóm phiên dịch thiện nguyện hoạt động bất kể ngày đêm. Với gần 150 trường hợp bà con cách ly lây nhiễm hoặc nguy cơ lây nhiễm, họ đã hoạt động như một cơ quan dịch tễ thu nhỏ, phối hợp với chính quyền thường xuyên trao đổi hỗ trợ được bà con trong các thủ tục hành chính, cũng như theo sát được dịch bệnh trong cộng đồng, nhận được những lời cảm ơn trực tiếp của lãnh đạo cơ quan quản lý dịch.

Đặc biệt, một phong trào quyên góp mua kit xét nghiệm virus của Việt Nam tặng bệnh viện Ba Lan được phát động. Với “mạnh thường quân” là công ty Vifon Việt Nam cộng đồng đã mua và trao tặng Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam món quà tình nghĩa là 4.100 kit thử SARS-CoV-2. Không chỉ dừng lại ở đó, phong trào nấu ăn cho y bác sĩ được tổ chức liên tục trong hai tháng cách ly xã hội, nhiều khẩu trang vải được cộng đồng may gửi tặng bệnh viện, công sở, người dân Ba Lan. Bà con ta đã chứng tỏ mình là một bộ phận của xã hội bản địa và được báo chí cũng như chính quyền ghi nhận.

Ba Lan là một trong những địa bàn có nhiều người Việt được xác định dương tính với Covid-19. Tình hình sức khỏe của họ hiện tại thế nào ạ?

Ngày 4/5, Ba Lan bắt đầu giai đoạn 1 của việc nới lỏng những thắt chặt trong nền kinh tế bị đóng băng do dịch bệnh. Bà con ta làm những công việc tiếp xúc với khách hàng và là lý do nhiễm dịch bệnh. Ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào giữa tháng Ba là một sinh viên du học ở Anh trở về, nhưng 19/5 ta mới thực sự ghi nhận ca đầu tiên. Chỉ trong vòng một tháng tới nay chúng ta đã ghi nhận 70 ca lây nhiễm. Bệnh nhân ít tuổi nhất là cháu bé mới 7 tháng tuổi, bệnh nhân nhiều tuổi nhất 58 tuổi. 

Ban Y tế ngay từ đầu dịch đã tổ chức đường dây nóng, hỗ trợ bà con phương pháp phòng chống, hướng dẫn khám chữa bệnh trong thời gian cách ly và vào chính thời điểm này phát huy tác dụng triệt để. Bà con được hướng dẫn khám bệnh kịp thời, do vậy quá trình chữa bệnh tiến triển tốt, có ít nhất 5 ca được coi là nặng, được bệnh viện cứu trợ kịp thời nên không dẫn tới tình trạng nguy hiểm, 2 ca phải dùng máy trợ thở, 1 ca được chữa bằng huyết tương người khỏi bệnh.

Hai em bé được sinh ra với mẹ đang dương tính, các bé may mắn không nhiễm bệnh. Những người bệnh nặng, có bệnh nền, người cao tuổi mới phải nhập viện, phần đông bệnh nhân sau khi phát hiện ra bệnh được cách ly và chữa tại nhà. Cho tới nay, 20 ca đã khỏi bệnh hoàn toàn và quay trở lại công việc. Ngoài ra, nhiều ca âm tính hai lần đang đợi các thủ tục hành chính để “khỏi bệnh” và gần 170 trường hợp phải theo dõi dịch tễ.

Hội người Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan có những giải pháp và phối hợp gì để tiếp tục hỗ trợ cho bà con?

Đại sứ quán đã tham gia với Ban hỗ trợ và phòng chống Covid-19 từ ngày đầu tiên dịch bệnh. Nhiều tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo và các cá nhân tham gia trực tiếp vào các hoạt động hỗ trợ. Đông đảo các công ty, bà con, nhà hảo tâm tham gia đóng góp tài chính cho hoạt động của Ban. 

Trong các buổi giao ban được tổ chức online, Đại sứ quán đã cung cấp thông tin dịch bệnh cho Ban nhằm hỗ trợ bà con về phương thức phòng chống, phác đồ điều trị. Những bà con không có giấy tờ được Đại sứ quán ưu tiên xử lý gấp để kịp được khám chữa cho kịp thời. Những trường hợp bà con gặp khó khăn kinh tế cần trợ giúp được đưa ra bàn thảo và luôn nhờ được các công ty và nhà hảo tâm tìm được phương án giúp đỡ. Gần 100 bà con có nhu cầu về nước trong lúc các cầu hàng không không hoạt động đã được Đại sứ quán và cộng đồng tổ chức đưa về trên những chuyến bay hồi hương. 

Mỗi ngày ở Ba Lan đang có từ 300 tới 500 ca nhiễm mới, nhưng nỗi lo cũng bớt đi một phần. Một cảm giác được ai đó quan tâm, như có một tấm phao cứu hộ khiến cho tâm lý bà con, kể cả những người chưa hề bị ốm bớt được một phần nào lo lắng về dịch bệnh. Chưa thể nói là dập được dịch, nhưng có thể nói là cộng đồng chung sức đã và đang kiểm soát được dịch bệnh!

Theo baoquocte.vn