"Những năm trước, tình hình chính trị Mỹ ít biến động, nhiều người gốc Việt như gia đình chúng tôi chỉ lo làm ăn. Tuy nhiên, năm nay chúng tôi lo lắng trước khả năng đảng Dân chủ lên nắm quyền và muốn Tổng thống Donald Trump tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ nên quyết định góp phiếu bầu", ông Mike Ngô, một thợ máy ở thành phố Chandler, hạt Maricopa, bang Arizona, chia sẻ với VnExpresss.

Arizona là bang có lịch sử ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, nhưng năm nay đây được xem là một bang chiến trường. Hầu hết các cuộc thăm dò trong vài tháng qua đều cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump ở bang này.

Sau cuộc tranh luận trực tiếp tối 7/10, hai ứng viên phó tổng thống Kamala Harris và Mike Pence đều đến Arizona vận động, hy vọng thu hút được các cử tri bỏ phiếu sớm. Tổng thống Trump trước đó đã nhiều lần thăm Arizona và dự định vận động tranh cử tại hai thành phố Tucson và Flagstaff, nhưng phải hủy kế hoạch do mắc Covid-19.

                     Một điểm bỏ phiếu sớm ở Cleveland, bang Ohio, hôm 13/10. Ảnh: AP.

Để thuận tiện về thời gian, tránh cảnh xếp hàng đông người giữa trời nắng và nguy cơ lây nhiễm Covid-19, ông Mike chọn đi bầu ngay từ 7/10, ngày đầu tiên các điểm bỏ phiếu trực tiếp ở bang Arizona mở cửa.

Cử tri Arizona được bỏ phiếu sớm trực tiếp tại các địa điểm tới hết ngày 30/10, trong khung thời gian từ 9h đến 17h các ngày trong tuần. Vào website bầu cử của bang, ông Mike tra cứu điểm bỏ phiếu gần nhà mình nhất rồi lái xe tới cùng hai người em gái.

"Tôi có mặt lúc 15h, điểm bỏ phiếu không quá đông người và chúng tôi không cần phải xếp hàng. Khi vào trong, tôi chỉ được yêu cầu trình bằng lái xe để nhân viên scan và xác nhận lại các thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh và địa chỉ, rồi in phiếu bầu", ông kể.

Ông Mike được nhân viên tại điểm bầu cử cung cấp bút và hướng dẫn cụ thể cách tô vào ô vuông cạnh tên ứng viên tổng thống mà mình chọn, sau đó tới các buồng riêng để điền hết các mục trong phiếu.

"Bước cuối cùng là dán phong bì đựng phiếu bầu lại vào bỏ vào thùng phiếu. Tại đây có hai người giám sát để đảm các cử tri thực hiện đúng quy trình và cấp nước khử trùng tay cho họ trước khi ra về nên tôi rất an tâm", người đàn ông gốc Việt nói thêm.

Hạt Maricopa, nơi ông Mike sống, đã ghi nhận kỷ lục số cử tri đi bầu sớm trực tiếp vào ngày hôm đó với 2.922 phiếu, so với chỉ 847 cử tri năm 2016. Tuy nhiên, ông Mike cho biết mình may mắn không phải chờ đợi lâu và mất khoảng nửa tiếng để hoàn thành bỏ phiếu, do "lần đầu đi bầu còn hơi bỡ ngỡ".

"Tôi không tin tưởng vào hình thức gửi phiếu bầu sớm qua đường bưu điện vì có thể xảy ra gian lận. Việc bỏ phiếu sớm trực tiếp rất thuận tiện cho những người bận rộn và nhất là đảm bảo an toàn trong mùa dịch", ông nói. "Một lá phiếu của tôi có thể không thay đổi được gì, nhưng nhiều người cùng bỏ phiếu thì sẽ mang lại hiệu quả lớn. Đó là lý do những người xưa nay chưa bao giờ đi bầu như tôi lần này đi bầu để đảng Cộng hòa thêm cơ hội chắc thắng".

Có 39 bang của Mỹ cho phép bỏ phiếu sớm trực tiếp, với khung thời gian tổ chức khác nhau. Đây là cách thức bầu cử thông dụng với công dân Mỹ, do ngày bầu cử chính thức luôn rơi vào thứ ba và chưa bao giờ là ngày nghỉ lễ.

Theo dữ liệu của Dự án Bầu cử Mỹ thuộc Đại học Florida, tính đến hôm 12/10, gần 10,3 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu ở các bang, bao gồm cả gửi qua thư và bầu trực tiếp. Số người bầu tổng thống sớm năm nay cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm năm 2016 do Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Mỹ là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 8,2 triệu ca nhiễm, hơn 220.000 người chết. Giới chuyên gia cảnh báo nhiều bang có khả năng chuẩn bị hứng đợt bùng phát dịch mới, đặc biệt là xu hướng đáng báo động tại vùng đông bắc đất nước.

Texas là một trong hai bang bắt đầu tổ chức bỏ phiếu sớm tuần qua với những hàng dài cử tri, đặc biệt là ở các khu vực đô thị và ngoại ô có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ. Nhiều người ở Texas phải xếp hàng khá lâu, đặc biệt ở thành phố San Antonio, quá trình chờ đợi kéo dài tới vài tiếng.

Cảnh vắng vẻ tại một điểm bỏ phiếu sớm tại thành phố Houston, bang Texas, hôm 15/10. Điểm bỏ phiếu đặt cả bảng hướng dẫn đỗ xe bằng tiếng Việt cho cử tri gốc Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Nguyên Minh, cử tri gốc Việt ở thủ phủ Austin, hạt Travis, chia sẻ cách đơn giản để không phải mất nhiều thời gian là vào trang web của chính quyền địa phương và xem biểu đồ thời gian chờ đợi ở các điểm bỏ phiếu.

"Ở hạt của tôi có khoảng 50 điểm bỏ phiếu sớm, tôi chọn một điểm cách nhà 16 km với thời gian chờ đợi dự kiến dưới 20 phút. Tôi đã bỏ phiếu xong chỉ trong 15 phút", anh cho hay.

Chị Hường Nguyễn ở Houston, thành phố đông dân nhất Texas và đông thứ tư tại Mỹ, cũng may mắn không phải trải qua cảnh xếp hàng nhờ truy cập website của chính quyền và chọn một địa điểm gần nhà mình để thuận tiện đi lại.

"Theo kinh nghiệm của tôi, vừa là người đi bầu vừa là tình nguyện viên hỗ trợ bầu cử, bỏ phiếu sớm trực tiếp là an toàn và đỡ mất thời gian nhất", người phụ nữ gốc Việt đã sống ở Mỹ 30 năm và 5 lần đi bầu cử tổng thống, nói.

Luôn ủng hộ đảng Cộng hòa và năm nay tiếp tục ủng hộ Tổng thống Trump, chị Hường quyết định đi bầu ngay từ ngày đầu tiên Texas tổ chức bỏ phiếu sớm 13/10. Chị cho hay năm nay, tất cả các thành phố của bang đều tăng thêm các điểm bầu cử sớm. Trong ngày đầu tiên, ở một số điểm, cử tri có thể phải xếp hàng dài do sự cố kỹ thuật, nhưng đây không phải là tình trạng phổ biến.

Tại Houston, các điểm bầu cử mở cửa từ 7h đến 19h.

"Khi vào phòng bỏ phiếu, nhân viên kiểm tra các thông tin cá nhân và xác thực tôi đã đăng ký đi bầu, sau đó cấp cho tôi một mảnh giấy có mã số riêng để đăng nhập vào máy và bắt đầu lựa chọn ứng viên mà mình tín nhiệm", chị kể.

Hạt Harris, bao gồm thành phố Houston, đã phá vỡ kỷ lục năm 2016 trong ngày bỏ phiếu đầu tiên với hơn 128.000 phiếu. Theo điều tra dân số Mỹ, Texas là bang có lượng người gốc Việt lớn thứ hai chỉ sau California, trong đó phần lớn tập trung ở thành phố Houston.

"Tôi luôn cảm thấy hãnh diện được bày tỏ quan điểm chính trị của mình, bầu chọn người đại diện cho khu vực và đất nước mình đang sinh sống", chị Hường nói. "Khi có thời gian và cơ hội làm việc đó, tại sao mình không làm mà phải chờ đến phút chót? Tôi còn đi bỏ phiếu sớm vì vào ngày bầu cử chính thức, tôi sẽ làm tình nguyện viên ở phòng phiếu của khu vực để hỗ trợ những cử tri gốc Việt khi cần. Hôm đó sẽ rất bận rộn".

Mảnh giấy gắn sticker "I Voted" mà chị Hường Nguyễn nhận được sau khi bỏ phiếu xong hôm 13/10 cùng tờ đôla lưu niệm in hình Tổng thống Trump mà chị được một người bạn tặng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trái với quan điểm của chị Hường và ông Mike, một số người gốc Việt cho hay đã bỏ phiếu bầu sớm qua thư để đỡ tốn thời gian đi lại và tránh cảnh chen chúc, số khác chờ đến ngày cuối mới đi bầu vì chưa quyết định chọn ứng viên nào.

"Tuần cuối cũng sẽ hứa hẹn nhiều thông tin giật gân nên tôi phải chờ xem sao. Hơn nữa, đi bầu sớm thì khác nào cho phép hai ứng viên 'bỏ rơi' mình", anh Đinh Bằng, cử tri ở bang chiến trường Florida, nói. "Chưa kể, ngoài bầu tổng thống, cử tri còn phải bầu hàng chục người khác nữa cho các vị trí ở địa phương và tôi vẫn chưa nghiên cứu xong. Có lẽ những ai bầu theo đảng phái sẽ dễ quyết định hơn, và đi bầu sớm".

Nói về vấn đề đảng phái, chị Hường cho hay trong gia đình, chị ủng hộ tổng thống Trump bao nhiêu thì ông xã phản đối bấy nhiêu. Tuy nhiên, cả hai đều tôn trọng chính kiến của nhau, không tranh cãi và cũng không buộc người kia phải theo ý mình.

"Tôi mong muốn mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình và sự tin tưởng vào những người sẽ điều hành đất nước trong nhiệm kỳ tới qua lá phiếu", chị nói. "Tiếng nói của mỗi người dân trên đất Mỹ đều quan trọng như nhau. Người Việt khi đã trở thành công dân Mỹ thì nên thực hiện quyền công dân của mình. Hãy bình chọn người mình tin tưởng và bỏ trống nếu thấy cả hai ứng viên đều không xứng đáng với niềm tin của mình".

Theo vnexpress