Nhiều người trong số họ có vóc dáng, màu da khác nhau
 nhưng đều cùng chung một giống nòi


- "T. ơi!... Tết này có sang đảo Maurice ăn tết với nhà vợ không?" - tôi hỏi T., một bạn học từ năm 1960 tới cuối thập niên đó, từ cuối tiểu học tới hết trung học, nay đang ở đảo La Réunion, nơi mà hai vị vua Thành Thái và Duy Tân bị lưu đày cách đây 112 năm trên con tàu Guardiana.

- "Bọn mình mới từ bên đó về. Tháng 4 này sẽ về nước chơi" - T. trả lời.

Tha hương

T. là bác sĩ chuyên ngành y khoa nhiệt đới, tốt nghiệp Trường Y Montpellier, thời thành phố biển miền nam nước Pháp này còn được các sinh viên Việt Nam biết đến với "chợ vuông" và "chợ tròn", tên gọi hai khu mua sắm quen thuộc thời đầu thập niên 1970.

T. ấp ủ mộng đi học y khoa nhiệt đới "để học xong về nước chữa bệnh cho dân chúng". Nhưng học xong không tiện về, bèn sang Guyane hành nghề do lẽ Guyane kha khá giống Việt Nam về tự nhiên và... bệnh tật. Mấy mươi năm làm lụng ở Guyane, cuối đời T. dọn về đảo La Reunion ở phía nam châu Phi cho gần gia đình vợ sống ở đảo Maurice cách đó không xa. Từ khi về hưu, T. mỗi năm về nước chớ hiếm khi về Pháp.

Đánh thức lịch sử!

Tết 2008, T. về thăm Việt Nam, gặp tôi nói: "Bạn ráng qua Guyane nhé. Ở đó có một nhà lao hồi đầu thế kỷ nhốt rất nhiều tù nhân người Việt". Đùng một cái đầu tháng 3, có tin sẽ phóng vệ tinh đầu tiên của viễn thông Việt Nam ở Guyane. Nhớ lại câu chuyện nhà lao anh bạn kể, tôi đi ngay Guyane, đúng vào dịp phóng vệ tinh.

Lúc đó, T. vừa mới dọn nhà từ Guyane sang La Reunion, song anh đã giới thiệu tôi với một bác sĩ gốc Việt khác tên là N.P.. Tôi bay trước, sang tới Paris mới chung chuyến bay trưa đó sang Guyane với các phái đoàn mấy mươi quan chức cùng phóng viên từ Hà Nội qua. Phụ anh N.P. trong việc đưa tôi đi "vòng vòng" xứ Guyane là bác V., năm đó đã hưu trí rồi, nguyên là giám đốc Sở Nông nghiệp Guyane. Nhờ những người bạn cũ và mới ấy, tôi đã rong ruổi đi tìm nhà lao An Nam ở Guyane.

Một di vật của cha ông

Chúng ta là anh, chị, em một nhà

Tháng 11 năm ấy, tôi quay lại Guyane sau hội nghị chống tham nhũng ở Athens (Hi Lạp). Thị trưởng Montsinéry, nơi nhà lao "đóng đô", ông P.L. đã thu xếp "một cuộc gặp và nói chuyện giữa tôi và con cháu các cựu tù Đông Dương ở Guyane về việc thành lập hiệp hội tưởng nhớ các tù nhân lưu đày tại Guyane vào lúc 4h chiều thứ ba 12-11-2008 tại tòa thị chính. Ông gửi thư cho dân chúng: "Kính mời quý bà, quý ông đến dự buổi gặp mặt - thảo luận giữa các con cháu cựu từ An Nam với nhà báo...".

Khoảng 50, 60 con cháu các tù nhân quá cố của nhà lao An Nam đã tề tựu tại đây. Họ đứng hẳn ra lan can ngoái cổ nhìn ra đường đợi chúng tôi đến... muộn 10 phút vì đường sá xa xôi và xe bác sĩ D., người dẫn đường, phải dừng để chỉnh lại kính chiếu hậu bị... sút văng xuống đường. Họ háo hức không phải vì "cái thăng tôi", mà vì từ sau loạt bài "Nhà lao An Nam ở Guyane" trên Tuổi Trẻ (cuối tháng 3-2008) với vài tiếng vọng ở Pháp, qua dịch thuật của một hội sinh viên người Việt, qua những tiếp xúc từ ông thị trưởng P.L. của Montsinéry (sau những trao đổi email với tôi) và với sự "giải thích" của bác sĩ N.P. mà họ đâm ra tò mò, muốn hiểu tại sao họ da màu, nói tiếng Pháp mà lại có tên họ Việt.

"Thưa quý chị, quý anh

Xin phép được gọi quý vị là chị, là anh do chúng ta cùng mang tên họ của những người Việt. Họ Trần, Nguyễn, Lại, Cẩm... dù màu da của chị C. này có trắng hơn của tôi một chút và tôi cũng ngăm như anh này, song kém sậm bằng chị này...". Tất cả cùng phá lên cười. Những ánh mắt sáng lên một tình cảm mới của những anh, chị, em vừa lần đầu nhận ra nhau. Trong khoảng 50, 60 người đang có mặt chiều hôm ấy chỉ 3 người có vóc dáng châu Á, song đó là những di dân người Việt sau này.

"Chúng ta là ai? Từ đâu đến?", tấm bản đồ hình chữ S được chiếu lên màn ảnh. Đối với nhiều người trong số họ, đây là lần đầu họ nhìn thấy hình thù quê cha đất tổ mình. Phải cố gắng tóm tắt gốc gác của họ thật nhanh, dễ hiểu và súc tích, tôi tự nhủ.

"Chúng ta là một dân tộc mà vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đã bị xâm lược, song đã bắt đầu nổi lên chống xâm lược. Các anh có biết ai đã cầm đầu cuộc nổi dậy ấy không? Không phải giới mày râu, mà là hai phụ nữ. Hai chị em nhà Trưng".

Hình ảnh Hai Bà Trưng khởi nghĩa được chiếu lên màn hình. Họ tròn xoe đôi mắt khi nghe "Hơn chục thế kỷ sau, chúng ta đã chặn đứng đoàn kỵ binh Mông Cổ từng chinh phục cả thế giới và "nhấn nước" họ khi họ trúng kế xuống ngựa"... Những ánh mắt đầy tự hào sáng hẳn lên từ nơi con cháu của những người tù và nô lệ năm xưa.

"Và tới phiên các ông, cha các chị, các anh cũng đã đứng lên khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp. Các chị, các anh có biết rằng Guyane đã mấy lượt "đón" các tù nhân bị lưu đày từ quê hương chúng ta qua đây từ nửa sau thế kỷ 19... Các anh, chị có mặt ở đây là từ các chuyến tàu "Martiniere" qua những đợt khác nhau, sau những cuộc nổi dậy Yên Thế, Duy Tân, Đề Thám tới Yên Bái, như trường hợp ông Trần Văn Cân, con cháu các cụ tù nhân đầu tiên, mà tôi đã gặp cách đây 6 tháng ở căn cứ không gian Kourou. Ông cố của ông ấy đến từ cuối thế kỷ 19".

Bài thuyết trình "Về nguồn" tiếp tục với những hình ảnh của Văn Miếu, "một Sorbonne của người Việt chúng ta, trước Sorbonne của Philippe Sorbon", của những áo tứ thân, cái yếm lả lơi, áo dài tân thời... của phụ nữ Việt xinh đẹp. Các hình ảnh được chiếu lên màn hình, từ phụ nữ mặc áo tứ thân đến áo dài.

"Nhất định phụ nữ Việt là đẹp rồi" - một anh la lên. Ánh mắt các chị hãnh diện. Sự hãnh diện thuộc về một gốc gác có văn hóa, được tạo hóa cho xinh đẹp, có lịch sử hào hùng.

Ánh mắt các anh, chị đồng bào mới nhận ra nhau hôm nay lấp lánh một niềm kiêu hãnh về gốc gác của mình. Chị Chantal V. - nữ giáo sư đại học, một "phụ nữ da trắng" là vợ một cựu giám đốc nông nghiệp tỉnh Guyane này - sau cuộc gặp mặt còn trách: "Lúc nãy anh không đào sâu hơn chủ đề Văn Miếu để nhấn mạnh hơn nữa văn hóa chúng ta".

"Chúng ta sẽ đưa con cái chúng ta cùng dự buổi dã ngoại viếng nhà lao vào sáng thứ bảy này" - các anh, chị con cháu các cụ tù năm xưa nhao nhao lên. Và thứ bảy hôm đó, hơn trăm người đã cùng đến nhà lao An Nam ở Guyane.

Những tù nhân bất khuất

Daniel Hemery trong La Guyane des bagnards indochinois đã thuật lại: "Ngày 17-5-1889, người ta đưa xuống tàu Martiniere hơn 300 tù hình sự bị kết án khổ sai trực chỉ Guyane. Các chuyến tàu chuyển tù đến cùng nơi đến này tiếp tục đến hết thế kỷ 19. Đa số tù nhân là người Việt, bị kết án do kháng cự cuộc xâm lược đất nước họ. Việc đưa tù nhân đến Guyane còn tiếp tục nhiều lần nữa đến năm 1922, sau một vụ nổi loạn lớn vào ngày 14-2-1918 đáng nhớ".

Theo Tuổi trẻ