Một tiệm nail của người Việt ở thị trấn Sutton, ngoại ô thủ đô London (ảnh chụp ngày 6-11-2019) - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Gia đình ở Việt Nam gọi điện cho chúng tôi liên tục vì cảm thấy bất an.

Thắng (một thanh niên người Nghệ An) chia sẻ về mối lo nhà chức trách Anh tăng cường truy quét người Việt bất hợp pháp                                                                                  

 

Thông qua những kết nối đủ tin cậy và nhiều lần thuyết phục, Hòa (tên nhân vật đã thay đổi) đồng ý chia sẻ với chúng tôi về hành trình 45 ngày đến Anh từ quê nhà Hà Tĩnh cách đây 4 năm, và những niềm vui nỗi buồn của thân phận "người rơm" ở nước Anh trong thời gian đó. 

"Người rơm" là cách gọi những người Việt nhập cư bất hợp pháp vào nước này. Sở dĩ gọi họ là người rơm bởi những người này đốt bỏ giấy tờ tùy thân ngay sau khi đặt chân đến Anh, và thân phận như cọng rơm ngọn cỏ vì không có bất cứ quyền lợi gì.

Hành trình 45 ngày

"Đau lòng lắm vì tôi từng đi giống họ, chui vào thùng container từ Pháp vào Anh. Họ chết quá thương tâm" - Hòa chia sẻ với Tuổi Trẻ khi đang chờ khách làm móng (nail) tại một tiệm ở khu vực gần thành phố Birmingham, cách London khoảng 1 giờ rưỡi đi tàu. "Không ai muốn đánh đổi tính mạng cả. Cũng vì hoàn cảnh gia đình thôi, phải bươn chải, vượt khó" - cậu thanh niên 26 tuổi trải lòng.

Hòa kể, cách đây 4 năm đã trải qua hành trình sinh tử vào Anh kéo dài 45 ngày, đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, sau đó sang Nga bằng visa du lịch cùng với một nhóm khoảng 20 người Việt. Từ Nga, băng rừng đến Latvia, rồi sau đó bắt xe đi Ba Lan trước khi nằm trong container qua cảng Calais của Pháp, và sau đó tiếp tục nằm trong container qua cảng Dover của Anh.

Cậu cho biết chặng đường nguy hiểm nhất trong hành trình này chính là băng rừng từ Nga sang Latvia trong 2 ngày 2 đêm, ngày ngủ, đêm di chuyển. "Lúc ở trong rừng, chúng tôi ít ăn, chủ yếu là uống nước. Tuy nhiên nước không đủ, lúc đó chỉ mong gặp hồ nước hoặc trời mưa" - Hòa nhớ lại những ký ức kinh hoàng của hành trình vượt biên tìm đến vùng đất hứa.

Sau 45 ngày kể từ khi khởi hành từ Hà Tĩnh, Hòa đã đặt chân vào Anh sau khi container chứa người nhập cư qua mắt được các nhân viên hải quan ở cảng Dover. Về chuyến đi này, gia đình Hòa trả gần 600 triệu đồng cho đường dây.

Công việc làm nail ở nước Anh hiện tại mang lại cho Hòa một khoản thu nhập khá tốt và được chủ bao chỗ ở. Với mức lương khoảng 550-600 bảng Anh/tuần, mỗi tháng sau khi trừ chi phí ăn uống, Hòa có thể gửi về gia đình 1.500-2.000 bảng Anh. 

"Lúc tôi đi, nhà tôi dột nát. Sau 4 năm ở Anh, tôi đã gửi tiền về xây được một ngôi nhà khang trang cho mẹ và nuôi hai đứa em ăn học" - Hòa khoe về thành quả những năm tháng làm việc cật lực. 

Cậu cho biết sẽ tiếp tục ở Anh thêm một thời gian để tích lũy một số vốn để về Việt Nam mở nhà hàng hoặc kinh doanh.

"Nếu về nhà, chắc tôi sẽ bật khóc vì hạnh phúc"

Anh Dũng (39 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) cũng từng là "người rơm", và hiện sống ở thành phố Northampton nơi có nhiều người Việt sinh sống. Cách đây 10 năm, người đàn ông quê Hà Nội đã trải nghiệm khi ở trong "thùng container" từ cảng Calais (Pháp) đi cảng Dover cùng nhiều người nhập cư khác. 

Sau khoảng 1 năm đầu khó khăn, Dũng bắt đầu tìm các công việc hợp pháp dù là việc chân tay, để ổn định và hòa nhập với cuộc sống. Bây giờ, anh Dũng đã được chính quyền sở tại công nhận là người nhập cư hợp pháp.

Anh Dũng cho biết 2-3 năm gần đây, làn sóng người Việt di cư sang Anh khá nhiều, chủ yếu do quy chế cấp tị nạn của nước Anh dễ hơn trước. Vào được Anh, những "người rơm" Việt Nam phải làm việc cật lực 9-10 tiếng mỗi ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Ngày chủ nhật được nghỉ thì tụ tập giải trí, ăn uống. Nhưng theo anh Dũng, phần lớn những người lao động Việt ở Anh khó hòa nhập với cuộc sống bản địa, do rào cản văn hóa và ngôn ngữ khá lớn.

Sự mất mát, hi sinh lớn hơn của những cậu thanh niên trẻ như Hòa có lẽ là nỗi nhớ nhà và thèm những khoảnh khắc bên gia đình, người thân sau 4 năm xa nhà. Bởi nếu cậu có tiền cũng không thể mua vé máy bay về thăm nhà vì không có giấy tờ tùy thân và nỗi sợ lộ thân phận "người rơm".

"Nếu về nhà, chắc tôi sẽ bật khóc vì hạnh phúc. Đi bao năm rồi, muốn về ăn tết quê nhà lắm chứ. Bố tôi mất lâu rồi, rất muốn về thắp nén hương cho ông. Nếu có giấy tờ hợp pháp thì có thể bay về ăn tết với mẹ và giỗ bố" - giọng Hòa trầm ngâm và lại nói như tự động viên bản thân: "Vì hoàn cảnh gia đình, nên phải cố ở lại thêm một thời gian"...

Theo tuoitre