Bà Kazuko Tanaka (trái), người Nhât, trao tro cốt của cha mình khi anh chị cùng cha khác mẹ người Việt sang thăm vào tháng 10-2017

Những người con đó, nay đều đã trên 60-70 tuổi, là kết tinh của tình yêu giữa những người phụ nữ Việt và những binh sĩ Nhật ở lại Việt Nam tham gia Việt Minh đánh Pháp giai đoạn 1945-1954 sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Năm 1954, nhiều người được lệnh điều động quay về Nhật mà không thể mang theo vợ con mình.

Chuyến đi năm 2017 được thực hiện theo lời mời của Bộ Ngoại giao Nhật nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữ hai nước (1973-2018), sau cuộc gặp gỡ xúc động giữa Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản với gia đình các cựu binh Nhật ở Việt Nam tháng 3-2017.

Đài truyền hình NHK của Nhật đã theo chân những người con này trên chuyến hành trình tìm lại cội nguồn của mình trong 7 ngày trên đất Nhật. Phóng sự này vừa được phát sóng ngày 24-2 vừa qua

"Sang để biết quê bố"

Có mặt trong chuyến đi là các con của cụ bà Nguyễn Thị Xuân, hiện ngụ tại ngoại ô Hà Nội. Cụ Xuân và chồng mình là ông Yoshiharu Shimizu cưới nhau năm 1945 và có với nhau 4 mặt con, tuy nhiên người con đầu đã mất khi còn nhỏ do bệnh.

Bà và chồng sống với nhau được 9 năm, trong quãng thời gian đó ông cũng công tác đi đi về về. Đến một ngày năm 1954, năm đó bà Xuân 29 tuổi, ông Yoshiharu ra đi và không về nữa.

Lúc đó bà Xuân cũng chỉ nghĩ chồng mình đi công tác, rồi không ngờ biền biệt luôn mấy chục năm không liên lạc do chiến tranh.

Trước ngày ông đi, gia đình bà kịp chụp chung với nhau một tấm ảnh - kỷ vật quý giá còn sót lại của ông với con mình. Trong ký ức của cụ Xuân, ông Yoshiharu là người vui tính, hiền lành, và không bao giờ bà giận ông được.

Một tháng trước khi đi Nhật, bà Xuân trở bệnh nặng, phải nhập viện nên ba người con thay mẹ sang viếng bố.

Cũng như bà Xuân, bà Lương Thị Lộc (Hà Nội), năm nay 94 tuổi, cũng bặt tin chồng sau một ngày ông đi làm. Con trai bà là ông Cao Khánh Tường, năm nay 68 tuổi.

Chồng bà Lộc là ông Tamiya Takazawa, một bác sĩ quân đội. "Không phải ông ấy không tốt, ông ấy tốt lắm. Nhiều lắm… buồn lắm… không nói được", bà Lộc nói ngắt quãng, đầy khó khăn do tuổi già sức yếu.

25 năm trước, gia đình bà nhận được thư từ người chồng, người cha "mất tích" của mình, nói rằng ông ấy đã rất cố gắng để tìm gia đình qua các đầu mối mà ông có được. Trong thư, ông cũng bày tỏ nguyện vọng sang Việt Nam thăm bà và các con, hoặc đón gia đình sang chơi.

Hay tin đó, ông Tường xin nghỉ hưu sớm, dành thời gian học tiếng Nhật trông đợi đến ngày đoàn viên với cha mình. Tuy nhiên, hy vọng đó bị dập tắt khi chỉ vì vài tháng sau, mẹ con ông nhận được tin cha bệnh nặng không thể sang được và qua đời vài tháng sau đó.

"Sang để biết quê hương của bố", ông Tường bày tỏ trước chuyến đi. Tất cả thông tin ông có được là cha ông đã qua đời tại tỉnh Ishikawa.

Trong khi đó, ông Trần Đức Dũng, 63 tuổi cũng biết được cha mình đã mất nên muốn cùng con trai đang sang viếng mộ cha.

Bà Miyuki Komatsu, 70 tuổi, được Bộ ngoại giao Nhật nhờ điều phối chương trình ý nghĩa này.

25 năm trước, bà đến Việt Nam làm giáo viên tiếng Nhật. Biết được một trong những học trò của mình là con của cựu binh Nhật, bà bắt đầu hỗ trợ các gia đình này trên hành trình tìm chồng, tìm cha.

Hình bóng cha trên đất Nhật

Ngày 18-10-2017, đoàn 14 người con từ 10 gia đình cựu binh đến Nhật, bắt đầu chuyến hành trình tìm về nguồn cội của mình.

Nhờ sự hỗ trợ của một nhà báo địa phương, ông Cao Khánh Tường là người đầu tiên được đưa đến gặp người em trai cùng cha khác mẹ của mình ở tỉnh Ishikawa.

Thuở đó sau khi về Nhật, cha ông Tường kết hôn một lần nữa. Em trai ông Tường - ông Kazuya Takazawa 59 tuổi - từ nhỏ đã được nghe kể về gia đình ở Việt Nam. "Lúc nhỏ tôi rất khó chấp nhận chuyện đó, nhưng khi lớn lên tôi bắt đầu hiểu được cảm giác của gia đình bên Việt Nam", ông Kazuya kể.

Sau cái bắt tay thật chặt giữa hai người đàn ông xa lạ bỗng dưng trở thành anh em máu mủ ruột rà, ông Tường đi thăm mộ cha khi trời đã sẩm tối.

Quỳ bên mộ phần của cha mình sau 63 năm đằng đẳng xa cách, ông Tường day dứt xin lỗi vì đã không ở cạnh bên chăm sóc lúc cha bệnh.

Hành trang ông mang về Việt Nam sau chuyến đi đó, là chiếc đồng hồ mà cha mình sinh thời hay đeo, cùng lời hứa năm sau đưa cả gia đình sang thăm.

Ông Ngô Gia Khánh quỳ trên mộ phần của cha mình 

Trong khi đó, ông Ngô Gia Khánh lên đường đi Nhật cùng nỗi trăn trở sau trận cãi nhau với cha cách đây 36 năm trong lần ông về Việt Nam thăm con. Ông Khánh trách cha sao không đưa gia đình về Nhật cùng, rồi hai bố con mất liên lạc từ đó.

Đến nơi cha ông an nghỉ, người con trai nay đã 72 tuổi gục trên bia mộ một lúc lâu. "Nói chuyện với bố xong rồi là hết, hai bố con đã hòa giải rồi, tất cả mọi điều", ông Khánh nhẹ nhõm nói khi ra về.

Ngày thứ 5 của chuyến hành trình, các gia đình được đưa bến cảng Maizuru, nơi 71 người lính Nhật về nước đặt chân xuống đầu tiên vào tháng 11-1954. Rất có thể, cha của họ cũng ở trên con thuyền về ngày ấy.

Nhiều người vui mừng nhận ra cha mình trong bức hình chụp những người lính Nhật về nước, giữa những giọt nước mắt xúc động của các thành viên trong đoàn.

"Có các cụ thì mới có chúng mình"

Ba người con của cụ Nguyễn Thị Xuân cũng được gặp lại bà Kazuko Tanaka, 61 tuổi, người em gái cùng cha khác mẹ. Sau khi về nước, chồng bà Xuân cũng có thêm một người vợ Nhật Bản.

Năm 2006, bà Kazuko đã từng cùng cha về Việt Nam trùng phùng cùng gia đình cụ Xuân sau 52 năm xa cách, sau khi một phóng sự về gia đình cụ được đài NHK phát sóng trước đó 1 năm.

Tháng 10-2017, bốn chị em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Bà Kazuko gửi tro cốt của cha mình - người đã mất trước đó 6 năm - cho các anh chị.

Ông Nguyễn Văn Phi , 64 tuổi, ôm tro cốt cha mình rưng rưng trong khi người chị lớn tên Phương, 69 tuổi, sụt sùi không cầm được nước mắt.

"Người Việt Nam đây là điều quan trọng nhất, có các cụ thì mới có chúng mình, có chúng mình mới có con của chúng mình", ông Phi nói với em gái Kazuko.

Về Việt Nam, gia đình cụ bà Nguyễn Thị Xuân tổ chức lễ tưởng niệm cho người cha quá cố của mình.

Nhận được tin chồng đã qua đời, cụ Xuân đang trên giường bệnh cũng nhất quyết đòi về để thắp cho ông cụ một nén nhang. Bà không nén được xúc động khi nâng niu chiếc khăn tay mà ông tặng bà năm 2006 khi họ gặp lại.

"Tôi cầu mong hai bên đất nước đoàn kết bảo vệ hòa bình. Cần nhất là hòa bình, chiến tranh chả ăn thua gì, toàn chết người chết của thôi", cụ Xuân nói giọng run run.

Ba tháng sau ngày tưởng niệm ông, bà Xuân trút hơn thở cuối cùng, được an táng ngay cạnh ngôi mộ của người chồng đã xa cách hơn 60 năm.

Theo Tuổi trẻ