Sinh viên đón Tết trong ký túc xá tại Mông Cổ

Những đốm lửa giữa Ulaanbaatar lạnh giá

Thường xuyên đi học xa nhà từ bé, nhưng chỉ khi sang Mông Cổ, Nguyễn Văn Quỳnh (quê ở Ý Yên, Nam Định) mới cảm nhận được trọn vẹn những cái Tết xa quê. Đang theo học thạc sĩ Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Mông Cổ, anh thấy giật mình bởi ngoảnh đi ngoảnh lại đã đón cái Tết cổ truyền dân tộc thứ 6 ở nơi xứ người.

Quỳnh kể rằng, Ulaanbaatar của Mông Cổ là thủ đô lạnh lẽo nhất nhì thế giới. Vậy nên người dân ở đây phải dùng than để sưởi khiến không khí luôn bị bao phủ bởi khói bụi. Theo tìm hiểu của anh, hiện có khoảng 300-400 người Việt đang sinh sống ở Mông Cổ, chủ yếu làm nghề sửa chữa ô tô để mưu sinh. Người Mông Cổ cũng đón Tết như người Việt, nhưng với anh, Tết Mông Cổ đặc trưng với vị “buồn” vì người Việt ít và vì trời lạnh giá nên gần như không ai muốn đi ra ngoài.

Đối với sinh viên như Quỳnh còn có thêm một nỗi buồn nữa mà không phải ai cũng cảm nhận được là họ sống trong ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài (chủ yếu là người Nội Mông (Trung Quốc) và Buryat (Nga) sống tại hai đầu biên giới với Mông Cổ). Khi Tết đến, sinh viên Nội Mông về quê ăn Tết, sinh viên Buryat về nghỉ đông nên khu ký túc xá bỗng dưng trở nên yên ắng và hiu quạnh. “Đến người mạnh mẽ nhất cũng không khỏi chạnh lòng”, Quỳnh tâm sự.

Nhưng bản chất của người Việt mình là tìm đến nhau nên mỗi năm Tết đến, sinh viên và cộng đồng người Việt sang đây làm ăn thường tập trung thành từng nhóm nhỏ để đón năm mới. Với Quỳnh, những nhóm nhỏ đó giống như những đốm lửa rải rác trong thành phố thảo nguyên lạnh lẽo. Không chỉ vậy, năm nào Đại sứ quán cũng tổ chức Tết cho cộng đồng. Nơi đây giúp cho “những đốm lửa” có cơ hội được chụm lại để bùng lên thành một ngọn lửa mạnh mẽ, tuy chỉ cháy trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng làm mỗi người vơi đi nỗi nhớ quê.

Quỳnh cho biết, người Mông Cổ cứ 4 năm thì có một năm ăn Tết sau Tết Việt Nam một tháng. Năm 2017 cũng vậy nên có lẽ sẽ lại là một cái Tết buồn nữa cho sinh viên và cộng đồng người Việt ở đây. “Nhưng dù buồn thế nào, tôi tin chúng tôi sẽ luôn hướng đến quê nhà và quây quần với nhau để tìm được những niềm vui nhỏ bé trong những ngày xuân xa quê.”, anh chia sẻ.

Ấm hơn bởi tình cộng đồng

Với nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý tại Ukraine “thời gian như bóng câu qua cửa". Chị không thể quên ngày đầu năm 1988 (vào tháng 12 Âm lịch) khi có mặt trạm tiếp khách Đông Anh để chờ ngày bay dưới trận mưa phùn liên miên và cái lạnh cắt da cùng với những cơn gió mùa Đông Bắc. Tạm biệt quê hương, chị đã gửi lại vùng trời bao niềm thương nỗi nhớ để sang Kiev vào đúng ngày Ông Công, Ông Táo. “Lúc đó, tôi đi cùng đoàn sinh viên 150 người ở cùng một ký túc xá. Tết đến, mâm cỗ bày ra nhưng không ai muốn ăn. Bọn con gái chúng tôi ôm nhau nước mắt vòng quanh. Nhìn trời tuyết trắng bay mà cồn cào nhớ về quê mẹ!”, chị Lý kể.

Thấm thoắt chị Lý đã trải qua gần 30 cái Tết xa quê. Từ những thiếu thốn ban đầu như không có những nguyên liệu để chuẩn bị món ăn Việt Nam, rồi sau những năm 1990, giao thương phát triển nên Tết đã dần ấm lòng hơn. Trên đất bạn, cứ vào những ngày cuối năm, chị lại cùng gia đình và bạn bè người Việt rục rịch lo Tết. Trong tình trạng khó khăn ở Ukraine những năm gần đây, bà con cũng thắt lưng buộc bụng không đón Tết tưng bừng như thời điểm trước khủng hoảng. Tuy nhiên, những mặt hàng phục vụ Tết cũng tương đối đầy đủ: các loại bánh, mứt, gạo nếp, lá dong… được vận chuyển từ Việt Nam sang với giá cả phải chăng. Nhờ thế, mọi gia đình đều được có hương vị ấm cúng của Tết cổ truyền dù sống xa quê hương.

Chị Lý cho biết, để con cái không quên văn hóa nguồn cội, các bậc cha mẹ người Việt ở Ukraine luôn quan tâm dạy cho con em cách gói bánh chưng, làm giò, nem, chả… cùng phong tục Tết cổ truyền của người Việt như Cúng Ông Công, Ông Táo dịp 23 tháng Chạp, mâm cỗ Tất niên, đón Giao thừa mừng Xuân và mâm cỗ Tết đủ đầy những món ăn bản sắc Việt…  Niềm vui với chị là vào thời khắc Giao thừa được đoàn tụ trước màn hình tivi, hồi hộp chờ đón lời chúc Tết của Chủ tịch nước với niềm xúc động rưng rưng…

Người Việt ở Ukraine đi lễ chùa đầu năm

Xuân này, chương trình Tết cộng đồng người Việt tại Ukraine đã được chuẩn bị chu đáo. Là một nhà thơ, người viết báo luôn tham gia tích cực các hoạt động  của cộng đồng, chị Lý cho biết, các chị em tại đây đã luyện tập văn nghệ, lên chương trình chào Xuân. “Chúng tôi sẽ ngồi bên nhau ấm áp trong không khí Xuân về trên đất Mẹ cùng nhịp cầu truyền thông dành cho đồng bào xa Tổ quốc, cùng lắng nghe lời chúc Tết của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, cùng nhau nâng ly, hát khúc ca mừng Xuân và chúc nhau những gì tốt đẹp nhất trong Năm Mới”, chị tâm sự.

Tết về trên Facebook và Zalo…

Với những lao động Việt đi “xuất khẩu” tại Đài Loan (Trung Quốc), Tết có lẽ ấm áp hơn bởi người Đài Loan cũng đón Tết truyền thống như ở quê nhà. Tại đây, vào ngày đầu tiên trong năm tính theo âm lịch, người người đều mặc quần áo mới với mong ước 1 năm mới tràn đầy hy vọng, vạn sự như ý. Ngày này ở Đài Loan cũng có những tục lệ như mừng tuổi, xông nhà hay có nhiều điều cấm kỵ như ở Việt Nam: không được quét nhà, đổ rác, không được nói những điều không may mắn, không được làm vỡ bát đĩa…

Tuy nhiên, đối với những lao động Việt. không khí Tết xứ người chỉ giúp an ủi họ được phần nào vì hầu hết họ phải xa gia đình của mình. Bùi Ngọc (quê Hải Dương) đi lao động tại Đài Bắc được 3 năm cũng là 3 cái Tết không được ở bên gia đình nhỏ của mình. Anh chia sẻ, cuộc sống mưu sinh rất vất vả nhưng anh và bạn bè Việt Nam tại đây đều cố gắng chăm chỉ lao động vì tương lai cuộc sống và các con sau này.

Làm việc trong một công ty sản xuất giấy công nghiệp, Ngọc cho biết, hàng năm mỗi khi Tết về, công ty anh thường tổ chức một ngày liên hoan cuối năm cho công nhân. Anh may mắn hơn là thường được nghỉ Tết khoảng một tuần, trong khi có bạn bè làm việc trong các viện dưỡng lão không hề có ngày nghỉ Tết. Ngọc kể, lao động Việt ở Đài Bắc vào dịp Tết thường sum họp trong các hội đồng hương như Hội Hải Dương, Hội Bắc Giang, Hội Thái Bình… Thành viên các hội này chủ yếu là đàn ông phải xa vợ con nên Tết chủ yếu quây quần bên nhau cùng đi chơi, hoặc sửa soạn mâm cỗ Tết và hàn huyên tâm sự. Một may mắn nữa là với sự phát triển của công nghệ ngày nay, gia đình cũng luôn luôn có mặt ở bên họ. Vì vậy, vào những giờ phút Giao thừa và những ngày đầu Xuân, Tết quê nhà lại về cùng họ thật gần trên chiếc điện thoại qua Facebook và Zalo...  

                                                                                        Theo Thế giới và Việt Nam