Các nữ sinh Việt Nam trong một buổi tiệc cuối năm ở nhà ông Lân Bùi

Thị trấn Quarouble, tỉnh Nord, sát biên giới Pháp - Bỉ, một ngày cuối năm. Trong phòng bếp của gia đình vợ chồng nha sĩ gốc Việt Lân Bùi, mùi thức ăn ngào ngạt lan tỏa. Các cô gái trẻ đang bận rộn xào nấu, bày biện món ăn cho bữa tiệc đón những người đồng hương từ Mỹ và Việt Nam ghé thăm. Thực đơn bao gồm những món đậm chất Việt như gỏi cuốn, chả giò rế, gỏi củ hủ dừa... Mặt đỏ bừng vì sức nóng hắt ra từ lò nấu, Lê My Huyền Trang (sinh năm 1994) vẫn nhoẻn miệng cười và chờ mong mọi người sẽ đánh giá như thế nào về món của em.
Quê ở Phú Thọ, Trang đến Pháp từ năm 2013, theo học tại Đại học Bách khoa Hauts-de-France và ở trong ngôi nhà của gia đình ông Lân Bùi. Rời thủ đô Paris hoa lệ từ nhiều năm trước, hai vợ chồng định cư tại miền quê yên tĩnh và hiền hòa của miền bắc nước Pháp đến nay. Sau khi đến Pháp 2 năm, Trang biết đến vợ chồng nha sĩ gốc Việt thông qua một người bạn giới thiệu khám răng. Lúc đó, cô cũng đang kiếm nơi thực tập chuyên ngành kế toán, và được đề nghị thực tập tại phòng nha của ông Lân khoảng 2 tháng. Vợ chồng vị nha sĩ còn cung cấp chỗ ăn ở miễn phí trong thời gian này. Khi thực tập xong, Trang quyết định tiếp tục ở lại cùng với các bạn khác.
“Ban đầu vào ở, cảm giác thật sự lạ lẫm vì ở Việt Nam em chưa từng chung nhà với người khác ngoài cha mẹ mình. Thời gian trôi qua, em được hai bác đối xử như con cháu trong nhà. Em học hỏi được nhiều thứ, từ cách cư xử đến nấu ăn, và mang đến cho em một cảm giác như gia đình”, Trang chia sẻ với Thanh Niên. Tương tự, một sinh viên cùng nhà là Nguyễn Thúy Hằng (sinh năm 1994) lại cho biết: “Bất ngờ là trên đất Pháp, em lại tìm được cảm giác có một gia đình thực sự”. Hằng cho hay trường hợp của em hơi khác vì ở Việt Nam em không sống cùng cha mẹ. Bố mẹ bận rộn chuyện kinh doanh nên từ bé, Hằng chỉ sống với vú nuôi ở Hạ Long trước khi chuyển về Hà Nội vào năm lên 10. “Từ nhỏ đến lớn, em sống cùng người nuôi mình, bà nội, cô rồi vú nuôi”, Hằng nhớ lại, nên cái cảm giác gia đình khá nhạt nhòa, cho đến khi qua Pháp. Sống với vợ chồng nha sĩ Lân Bùi, cô biết thêm nhiều món ăn của miền Nam và thích nhất là canh chua cá bông lau với cá nhập từ Việt Nam. Mỗi khi có người từ Việt Nam sang thăm, cả nhà lại được thưởng thức rau xanh mang mùi vị quê hương hay thịt luộc cuốn bánh tráng Trảng Bàng. Bên cạnh đó, các sinh viên ở cùng gia đình còn có dịp tiếp xúc với nhiều người Pháp lui tới, thực tập nói tiếng Pháp thoải mái và thân thiện trong môi trường gia đình.
Khi rảnh rỗi, các bạn sinh viên còn phụ nha sĩ Trang Bùi, vợ ông Lân Bùi, quấn len lấy từ các nhà máy cho miễn phí thành những cuộn nhỏ, bỏ vào thùng kính ở phòng khách nơi khám răng để gây quỹ góp vào tổ chức từ thiện được hai vợ chồng và một cựu quân nhân Pháp thành lập tại Việt Nam từ năm 2009. Đây là tổ chức bảo trợ cho không ít trẻ em nghèo và mồ côi đang được nuôi dưỡng tại một số mái ấm tư nhân hoặc nhà chùa, cơ sở Công giáo ở TP.HCM. Họ cũng xây nhà tình thương, phát quà, sách vở cho trẻ em nghèo, trao xe đạp đối với những trường hợp khó khăn ở ĐBSCL.
Nha sĩ Lân Bùi chia sẻ ông và vợ nảy ra ý tưởng mở rộng cửa nhà cho các du học sinh Việt Nam sau khi các con của ông bà được một gia đình gốc Việt ở Mỹ đùm bọc trong thời gian du học tại California. Một trong số những người con của hai vợ chồng chính là cô Bùi Bảo Châu, nhân vật trong bài viết Nữ sinh Việt đoạt giải về đầu tư chứng khoán thế giới đăng trên Thanh Niên ngày 28.12.2016. Ông Lân cũng bày tỏ hy vọng việc dang tay chào đón này sẽ được lan tỏa thành phong trào ở khắp nơi để giúp thế hệ trẻ người Việt có điều kiện tốt hơn và cảm giác ấm áp hơn khi học tập ở xứ người.

Theo Thanh niên