Lớp học hỗ trợ người gốc Việt có nguyện vọng nhập quốc tịch Campuchia (Ảnh: VOV)

Lớp học đầu tiên trong chương trình bổ túc tiếng Khmer, kiến thức văn hóa, lịch sử, pháp luật Campuchia cho cộng đồng người Việt tại Campuchia đã được tổ chức tại tỉnh Takeo, cách thủ đô Phnom Penh 75 km.   

Tham dự lễ khai giảng được tổ chức tại trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam tỉnh Takeo có Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Lại Xuân Chiến, đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville phụ trách khu vực lãnh sự tỉnh Takeo, Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, Chi nhánh hội tỉnh Takeo.

Đây là lớp học thí điểm kéo dài trong 3 tháng, với khoảng 36 học viên, nhằm hỗ trợ người gốc Việt đáp ứng cơ bản các điều kiện và có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Campuchia từng bước nâng cao trình độ văn hóa chung trong cộng đồng, hội nhập xã hội tốt hơn. Chương trình bổ túc này dự kiến kéo dài trong 5 năm (2020-2025), với lớp học thứ 2 có thể được tổ chức tại Phnom Penh.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Công sứ Lại Xuân Chiến chia sẻ ý nghĩa thiết thực và lâu dài của việc nâng cao trình độ văn hóa chung của cộng đồng; hiểu biết phong tục tập quán và đặc biệt là quy định pháp luật về quản lý ngoại kiều, di trú và quốc tịch là cách thực tế nhất để bà con người gốc Việt hội nhập xã hội Campuchia.

Các học viên gốc Việt được bổ túc kiến thức về văn hóa, lịch sử, pháp luật Campuchia (Ảnh: VOV)

Hoan nghênh việc tổ chức lớp học này, Phó Chủ tịch Hội đồng phường Roka Khnong thuộc huyện Daun Keo tỉnh Takeo, ông Ming Hourn mong muốn cộng đồng người gốc Việt tích cực tham gia khóa học để việc hội nhập vào xã hội nước sở tại được thuận lợi hơn.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Campuchia, có khoảng trên 160.000 người gốc Việt đang sinh sống tại nước này, tập trung đông nhất ở thủ đô Phnom Penh và 5 tỉnh giáp Biển Hồ, gồm: Kampong Chhnang, Pursat, Battambang, Kampong Thom và Siem Reap.

Nhìn chung, đời sống của bà con ở thành thị thời gian gần đây khá ổn định. Tuy nhiên, các hộ ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là dọc theo sông Mekong và Biển Hồ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Thời Đại