Nỗ lực cào tuyết ở một gia đình người Việt. 

Tối 5/1, Trinh Trần, 24 tuổi, ở Lowell, bang Massachusetts, ê ẩm cả người vì chưa bao giờ phải dọn nhiều tuyết như thế. Thành phố nơi cô sinh viên này đang sống là một trong những nơi hứng chịu cơn bão tuyết lịch sử đang càn quét vùng đông bắc nước Mỹ.

"Tuyết rơi nhiều vô cùng, liên tục từ 5h sáng đến 7h tối, dày tới hơn 30 cm, kèm gió rất mạnh", Trinh kể với VnExpress.

Cô cho biết mình và bạn cùng phòng đã hai lần hì hụi dùng xẻng để dọn số tuyết dồn lại trước nhà suốt 5 tiếng, giữa trời rét buốt, nhưng vẫn không hết. Chủ nhà của họ phải dùng máy xúc hỗ trợ mới dọn được đống tuyết ngập nửa xe hơi.

Nơi Trinh ở may mắn vẫn có điện nhưng nhiệt độ quá thấp khiến đường ống nước nhà cô đã bị đóng băng. Cô phải đun nước nóng để tắm gội, còn mọi sinh hoạt khác đều phải sử dụng nước đá lạnh ngắt. Việc gọi thợ sửa ống nước trở nên bất khả thi khi tình trạng trên xảy ra ở hầu hết các gia đình trong khu vực.

Nhiệt độ ở Lowell hiện là -10 độ C, các trường học địa phương đều đóng cửa để đảm bảo an toàn cho trẻ em nhưng các công ty vẫn hoạt động. Theo cơ quan khí tượng, mức nhiệt ngày mai còn giảm sâu kỷ lục xuống -23 độ C.

Sang Mỹ học tập mấy năm nay, chưa bao giờ Trinh trải qua mùa đông khắc nghiệt như hiện tại. Cô cho hay vùng đông bắc đã hứng chịu hai đợt bão tuyết và dự kiến thêm vài đợt nữa cho đến khi thời tiết ấm lên vào tháng 3, tháng 4 tới.

Sống ở thành phố Boston, nơi đang bị hoành hành bởi trận lũ lụt lịch sử do bão tuyết gây ra, Jimmy Lương cũng trải qua nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Tối 4/1, anh ngủ lại khách sạn gần công ty để tiện đi lại và được công ty chi trả tiền ăn ở. Công ty của Jimmy có chính sách hỗ trợ tối đa cho nhân viên trong điều kiện thời tiết bất lợi. Họ được thanh toán tiền taxi để về nhà, được phép làm việc từ xa hoặc hỗ trợ thuê khách sạn để qua đêm để tránh những nguy cơ khi di chuyển.

"Các vụ tai nạn xảy ra liên tục. Sáng thứ 5, con đường tôi đi làm trắng xóa màu tuyết, tầm nhìn xa chỉ 5, 6 mét. Các xe sau đâm vào đuôi xe trước", anh kể. "Tôi may mắn đến công ty kịp giờ bởi chỉ cần muộn hơn một chút, xe tôi cũng sẽ nổi lềnh bềnh trong nước và tuyết".Jimmy cho hay bão tuyết ập đến đúng ngày thủy triều lên nên các khu vực nằm gần sông hồ của Boston bị ngập úng, nhiều nơi nước cao tới đầu gối. Anh từng giẫm phải một vũng nước đá khiến chân đau buốt vì lạnh.

Trong thời gian xảy ra bão tuyết, chính quyền Boston đã khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm cũng giảm bớt các chuyến và phải tạm ngừng hoạt động khi thành phố bị lụt.

Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ ở đây ngày 6/1 tiếp tục giảm, từ -15 xuống -17 độ C, gió giật mạnh.

Tại New York, tuyết rơi dày và trời quá rét khiến chị Phương Đào phải cho con trai nghỉ học để tránh bị ốm. Các trường học, công ty ở New York đều đóng cửa vì bão tuyết hôm 4/1 và mở cửa lại vào hôm qua, nhưng các phụ huynh hầu như không ai dám cho con ra ngoài.

"Năm nay thời tiết bỗng nhiên lạnh hơn hẳn so với 5 năm trở lại đây. Nhiệt độ xuống thấp tầm -9 độ C, ngày mai chỉ khoảng -15 độ C", chị cho hay.

Trước khi bão đến, chị đã đi chợ mua thực phẩm để tích trữ, vì việc vận chuyển hàng hóa vào thành phố rất khó khăn. Chính quyền phải rải muối ra đường để làm tan tuyết, các xe cào tuyết hoạt động liên tục.

Hàng nghìn chuyến bay trong khu vực bị hủy khiến một nhóm bạn của chị đến New York đón năm mới bị mắc kẹt lại mấy ngày nay và vẫn chưa biết bao giờ mới có thể về nhà."Việc dọn tuyết trước cửa nhà rất vất vả. Nếu có người đi bộ ngang qua bị ngã, chúng tôi có thể bị kiện", chị Phương nói. "Khó nhất là việc đào tuyết để lấy ôtô ra. Ở New York, mọi người không có gara mà đỗ xe ngoài đường nên xe thường xuyên ngập trong tuyết, tuyết ngừng rơi thì chuyển thành băng. Lấy xe đã khó, đỗ xe cũng không dễ hơn vì đường trơn trượt".

Thảo Ly, ở Washington, cho hay thủ đô Mỹ không chịu ảnh hưởng lớn của bão tuyết nhưng thời tiết cũng rất khắc nghiệt, gió mạnh và lạnh buốt. Hai hôm nay, các trường tiểu học đã cho học sinh nghỉ ở nhà để đảm bảo sức khỏe.

Nhớ lại đợt bão tuyết năm 2016, Ly vẫn còn rùng mình. Khi đó, tuyết cao đến nửa người, suốt 3 ngày cô không thể ra ngoài, các trường học đóng cửa hơn một tuần.

Thế nên năm nay trước bão, Ly cũng như mọi người đều đi siêu thị mua các đồ dùng cần thiết để dự trữ cho khoảng 3 ngày, trong đó giấy vệ sinh là mặt hàng được mua nhiều nhất. Người dân Mỹ cũng được tổ chức tiêm phòng cúm miễn phí. Những ngày này, Ly hạn chế ra đường, luôn chú trọng giữ ấm cho cơ thể, uống nhiều nước và thoa kem dưỡng để da không bị khô nẻ.

"Nhiệt độ trong nhà là -10 độ C, nhưng ngoài trời thì chỉ -17 độ C. Rất may tuyết chỉ rơi nhẹ nên không có nhiều bất lợi về giao thông như năm ngoái. Chính quyền cũng rải muối liên tục ra đường nên các vụ tai nạn giảm đi", Ly nói.

Theo CNN, ít nhất 16 người đã thiệt mạng ở đông bắc Mỹ vì bão tuyết. Cơ quan khí tượng dự báo cuối tuần này, một đợt lạnh giá mới sẽ tiếp tục tấn công khu vực này kèm gió mạnh và đẩy nhiệt độ xuống mức thấp kỷ lục.

Theo VNexpress