Nguyên đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Libăng Đỗ Hoàng Long (thứ sáu từ trái sang, hàng trên) và lãnh sự danh dự Chady Issa (cạnh bên) chụp ảnh lưu niệm với bà con Việt Nam tại Libăng năm 2016 - Ảnh: NVCC

Phần lớn những lao động này làm nghề giúp việc, dọn dẹp nhà cửa. Một số ít lao động nam làm phục vụ trong nhà hàng, lau kính.

4 chị em cùng làm giúp việc

Trận lũ lụt năm 2008 tại Bắc Giang cuốn trôi toàn bộ hoa màu, đẩy người chị gái đi làm ăn xa xứ. Một năm sau, chị Từ Thị Năm (30 tuổi) cũng nối gót, lên đường sang Libăng làm giúp việc cho các gia đình người địa phương. Quốc gia Trung Đông này cho đến nay là điểm đến của cả bốn chị em gái trong gia đình chị Năm.

Chị Năm cho biết cộng đồng người Việt ở Libăng quy tụ với nhau thành nhiều nhóm nhỏ thay vì một cộng đồng chung vì cách trở địa lý và đôi khi do nhà chủ không cho phép giao lưu bên ngoài.

Đi đi về về giữa Việt Nam và Libăng trong hơn 10 năm qua, ngoài những người chị em gái, chị Năm chỉ có một người bạn thân thiết tên là Đặng Huyền Nga, nạn nhân người Việt duy nhất trong vụ nổ ở Beirut hôm 4-8.

"Mỗi tháng chỉ được gọi về nhà một đến hai lần. Chủ nhà không cho liên lạc với bên nhà. Tôi dùng điện thoại nhưng phải giấu, không cho bà chủ biết" - chị Năm chia sẻ với Tuổi Trẻ qua điện thoại từ bên trong căn biệt thự của chủ nhà trên đồi ở thành phố Aley, cách thủ đô Beirut khoảng 15km.

Hòa nhập tốt với gia đình nhà chủ, chị Năm gắn bó với chỗ làm hiện tại hơn 6 năm trời. Cùng giúp việc trong căn biệt thự là một lao động đến từ Philippines, một từ Syria và một bà bếp người địa phương.

"Công việc không vất vả lắm, chủ yếu là dọn dẹp, chỉ trừ khi có khách khứa đến chơi. Những ngày nhàn nhã, 9h tối là đã có thể nghỉ ngơi" - chị Năm kể.

Dù tính chất công việc không nặng nhọc, nhưng áp lực tâm lý khi sống trong khu vực xung đột vũ trang triền miên tạo nên một gánh nặng vô hình cho những lao động Việt tại đây. 

Chị Năm kể tháng 8 năm ngoái, cả gia đình chủ nhà có ý định chuyển về Beirut sống, nhưng vì một vụ đánh bom khủng khiếp ở thủ đô nên quyết định ở lại.

"Tình hình bắt đầu xấu đi từ cuối năm 2019, giá cả tăng cao không tưởng tượng được. Ngay cả nhà chủ tôi kinh doanh cũng rất khó khăn. May mắn là họ vẫn trả đủ lương bằng đôla Mỹ và ăn uống không mất tiền. Đồ dùng cá nhân cũng được gia đình chủ người Libăng mua cho" - chị Năm nói.

Chị Từ Thị Năm giúp việc nhà ở Libăng - Ảnh: NVCC

Đoàn kết vượt khó khăn

Chị Nguyễn Thị Tuyết (41 tuổi), người đã từng lao động ở Libăng hơn 10 năm và trở về Việt Nam năm 2016, không thể nào quên được ký ức kinh hoàng khi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết về cuộc xung đột quân sự kéo dài 34 ngày vào tháng 7-2006 giữa lực lượng Hezbollah (Libăng) và quân đội Israel.

"Chứng kiến đạn bay vèo vèo trước mặt mà sợ hãi không biết phải làm gì. Chỉ ôm mặt khóc" - người phụ nữ quê Bắc Giang nhớ lại.

Từ đó đến nay, Libăng chưa một ngày yên ổn. Bạo loạn, biểu tình, đánh bom là những hình ảnh gắn liền với quốc gia này trên các bản tin thời sự.

Trong khi đó, lạm phát khiến đồng tiền nội địa trượt giá không phanh. Theo chị Tuyết, thời điểm 10 năm trước, mỗi lao động Việt Nam được trả lương khoảng 125 USD, đến nay con số đã lên 400 đến 500 USD. Người làm lâu, trên 20 năm được hưởng mức 600 USD/tháng.

Chị Đặng Huyền Nga (49 tuổi), người Việt duy nhất bị thương trong vụ nổ kép kinh hoàng ngày 4-8, đã làm nghề giúp việc gia đình ở Libăng hơn hai thập niên. 

Chị có một nhóm bạn nhỏ hơn chục chị em người Việt. Sống cạnh quốc lộ, nhà chủ của chị Nga là địa điểm thuận lợi để mọi người tụ tập lại nấu những món ăn Việt Nam cho đỡ nhớ nhà mỗi độ cuối tuần.

"Vì số lượng người Việt ít ỏi, chị em ở đây đoàn kết lắm, luôn đùm bọc lẫn nhau trong những lúc khó khăn" - người phụ nữ quê Thái Nguyên chia sẻ, nhấn mạnh rằng sự liên lạc thường xuyên giữa các thành viên là đòn bẩy tinh thần rất lớn trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành ở cả Libăng và quê nhà Việt Nam.

Tuy nhiên, vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4-8 đã khoét sâu vào những bất ổn về chính trị, kinh tế giữa lúc dịch bệnh đang lan rộng, khiến nhiều lao động Việt Nam suy nghĩ về việc hồi hương, trong đó có chị Nga.

Chị Nga tâm sự với Tuổi Trẻ khi đang còn ngồi trong bệnh viện chờ bó bột cánh tay rằng có lẽ sau lần này, chị sẽ về nước.

"Mấy năm qua có nhiều biến động nhưng ở trong khu của người Thiên Chúa giáo tôi đang sống, mọi thứ vẫn yên bình hơn. Tuy nhiên sau vụ nổ, gia đình ở Thái Nguyên khuyên tôi nên về. Tôi sẽ bàn bạc với chủ nhà" - chị Nga trải lòng.

Theo tuoitre