"Cuộc sống của tôi từ tháng 3 tới nay vẫn vậy, làm việc online, hạn chế ra đường và tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, dùng nước khử khuẩn tay, giữ khoảng cách 2 mét", Thomas Nguyễn, một người gốc Việt 30 tuổi làm trong ngành chứng khoán ở thành phố Boston, Massachusetts, chia sẻ với VnExpress.

Anh cho hay gần một năm kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, mọi người đều đã nhận thức được về dịch bệnh, được hướng dẫn cách phòng tránh và ít nhiều có tâm lý "sống chung với lũ". Với những người không đeo khẩu trang, anh cho rằng đó là quyền tự do của mỗi cá nhân và không thể bắt ép.

Y tá chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện UMass, thành phố Worcester, bang Massachusetts, hôm 4/12. Ảnh: AFP.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 15 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó gần 289.000 ca tử vong. Tuần qua, số ca nhiễm và ca tử vong trong 24 giờ liên tục cao kỷ lục, với thống kê của ngày 2/12 là hơn 2.800 ca tử vong, theo đại học Johns Hopkins. Trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những thống kê này, Thomas tỏ ra không mấy bận tâm.

"Tôi không hiểu họ lấy những con số đó từ đâu. Truyền thông Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ nên họ thích con số nào thì đưa ra con số đó mà thôi", chàng trai gốc Việt ủng hộ đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump, nói. "Tôi cho rằng có nhiều ca tử vong không liên quan tới Covid-19 nhưng cũng được tính vào".

Thomas cho hay một số bạn bè của anh từng nhiễm nCoV nhưng đều chỉ có những triệu chứng như cảm cúm thông thường, ở nhà uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và nghỉ ngơi một tuần là khỏe trở lại. Riêng với bố mẹ anh, những người trên 60 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ cao, thì có sự cẩn trọng hơn.

"Chúng tôi chỉ thi thoảng mới đi siêu thị, mua thực phẩm tích trữ cho thời gian dài. Mọi hàng hóa hầu như đặt qua mạng và khử khuẩn khi nhận. Mùa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh năm nay chúng tôi không ra ngoài vui chơi và tụ họp liên hoan như mọi năm, nhưng đó cũng không phải là điều gì quá to tát".

Theo một cuộc thăm dò tháng trước của Deloitte, 74% số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch mua sắm online vào dịp Lễ Tạ ơn (tỷ lệ này năm ngoái là 62%). 57% số người được hỏi nó họ sẽ tránh mua sắm tại cửa hàng (so với 42% của năm 2019). Lượng người di chuyển trong dịp Lễ Tạ ơn năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái, tuy nhiên, vẫn có hơn 6 triệu người Mỹ đã di chuyển bằng máy bay trong tuần lễ lớn này, bất chấp khuyến cáo của giới chức y tế.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Tiến sĩ Robert Redfield, cảnh báo nước Mỹ đang đối mặt với một mùa đông "khó khăn".

"Thực tế là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 sẽ là thời điểm khó khăn. Tôi thực sự tin rằng đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử y tế công cộng của đất nước", Redfield nói.

Ông cho biết thêm nước này đang bắt đầu ghi nhận 1.500 - 2.500 ca tử vong do nCoV mỗi ngày và tổng số người Mỹ chết vì virus có thể tăng lên gần 450.000 trước tháng 2.

Tuy nhiên, với chị Phượng Đoàn, ở thành phố Saint Louis, bang Missouri, những con số trên cũng không còn là mối lo lắng lớn lúc này.

"Tình hình dịch bệnh tháng qua trở nên nghiêm trọng, nhưng vợ chồng chúng tôi đã có sự chuẩn bị tinh thần ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi chỉ xem đây là một thách thức sớm muộn phải trải qua", chị Phượng cho hay.

Đầu năm nay, khi dịch bệnh mới bùng phát, chị cũng như nhiều người khác vừa lo lắng về nguy cơ lây nhiễm nCoV vừa mệt mỏi khi phải cân bằng giữa công việc làm từ xa và chăm sóc con cái.

"Vì phải nghỉ học suốt thời gian dài và hạn chế giao lưu với bạn bè, một số bé có dấu hiệu thay đổi tiêu cực về cảm xúc, trở nên bực bội, đòi hỏi chúng tôi vừa phải đảm bảo năng suất công việc làm ở nhà, vừa dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, hỗ trợ con", chị Phượng nói. "Bản thân người lớn cũng gặp vấn đề về tâm lý, do bị mất việc, mất thu nhập hoặc không thể ra ngoài giải tỏa căng thẳng".

Một cô gái đi qua điểm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố New York hôm 1/12. Ảnh: AFP.

Sau khi hai con được đi học trở lại hồi tháng 9, vợ chồng chị cũng gần như trở lại nếp sống bình thường. Chị an tâm bởi ở trường, các bé được xếp ngồi cách nhau 2 mét, đeo khẩu trang và luôn có sẵn nước rửa tay khô. Thi thoảng, gia đình chị cùng vài người bạn tổ chức cắm trại ngoài trời, một cách an toàn để vừa xả stress vừa đảm bảo giãn cách.

"Chúng tôi đã quen với cuộc sống trong dịch Covid-19 và tìm được cách cân bằng. Nỗi lo lắng lớn nhất lúc này là làm sao đảm bảo tài chính, bởi dịch bệnh có thể kéo dài và không biết tình hình kinh tế sắp tới sẽ ra sao. Chúng tôi cần đưa ra phương án dự phòng cho tình huống tài chính xấu nhất".

Ông Lương Tạ, một người gốc Việt đã sinh sống hơn 40 năm ở quận Cam, bang California, đồng tình rằng việc dịch bệnh kéo dài gần cả năm qua đã khiến nhiều người bị "nhờn" và tâm lý này là dễ hiểu. Điều đáng lo ngại là từ tâm lý đó, một bộ phận người Việt không còn sợ Covid-19 và không tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của giới chức y tế và chính quyền.

"Nhiều người Việt truyền tai nhau rằng Covid-19 chỉ là cảm cúm mà thôi, không đáng sợ. Họ vào các tiệm ăn đông người mà không e ngại. Họ tiếp tục tụ họp, liên hoan", ông Tạ cho biết. "Thậm chí, nhiều người Việt tham gia các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không đeo khẩu trang và giương cao biểu ngữ 'Tôi thà mắc Covid-19 còn hơn là chấp nhận Joe Biden'".

Trước những cảnh báo của chuyên gia về Covid-19 khi nước Mỹ bước vào mùa đông và mùa lễ hội cuối năm, vợ chồng ông Tạ tuân thủ nghiêm khắc việc đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc ra ngoài nếu không cần thiết.

"Hai con tôi đều học trực tuyến và Lễ Tạ ơn năm nay của gia đình cũng được gói gọn so với mọi năm để tránh nguy cơ lây nhiễm", ông nói.

Theo bác sĩ Ngô Bá Định, người đã có 23 năm làm việc tại bệnh viện Fountain Valley, quận Cam, thái độ của người Việt với Covid-19 hiện có sự phân cực rõ rệt. Phần lớn người gốc Việt, nhất là người lớn tuổi, rất sợ Covid-19 bởi họ tôn trọng khoa học và nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh rằng dù có may mắn sống sót, di chứng mà nó để lại cho cơ thể là rất lớn.

"Tuy nhiên, một phần nhỏ có phản ứng ngược lại. Họ vẫn nghĩ rằng Covid-19 là không có thật, chỉ là bệnh cúm thông thường hoặc thậm chí cho rằng chỉ là trò lừa bịp mà đảng Dân chủ phóng đại để gây tổn hại uy tín của Tổng thống Trump", ông Định cho biết.

Tại thành phố Huntingon Beach nơi bác sĩ gốc Việt này sinh sống, tuần nào cũng có những cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa của Thống đốc đảng Dân chủ Gavin Newsom và những tuần qua là biểu tình chống kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

"Tôi từng thấy những nhóm người Việt tụ tập hát hò, chung nhau một micro, nhảy đầm và không đeo khẩu trang cũng không giữ khoảng cách. Điều đó thật sự nguy hiểm", ông nói. "Gần đây, một gia đình gốc Việt ghi nhận tới 9 người dương tính với nCoV, trong đó người bố vừa qua đời, người mẹ đang hấp hối".

                   Bác sĩ Định trong trang phục bảo hộ tại bệnh viện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình hàng tháng tại Mỹ vì Covid-19 được dự đoán tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng 1, trước khi giảm xuống trong tháng 2.

Tại bang California, trước số ca nhiễm tăng kỷ lục, Thống đốc Newsom đã tái ban lệnh yêu cầu người dân ở nhà và cảnh báo nếu họ không tuân thủ, các bệnh viện của bang sẽ quá tải.

Hiện mỗi ngày bệnh viện ông Định tiếp nhận 2-4 trường hợp mắc Covid-19 nặng cần trợ thở. Phần lớn các ca dương tính nhẹ được chỉ định ở nhà dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ qua điện thoại. Bản thân ông cũng từng bị nhiễm nCoV từ bệnh nhân, dù đã cẩn thận đeo hai lớp khẩu trang, hai tấm chắn mặt. Khi đó, ông cũng phải nhập viện vì khó thở, kiệt sức và may mắn hồi phục sau hai tuần.

"Sau các cuộc vận động, biểu tình liên quan tới bầu cử và nhất là Lễ Tạ ơn, tôi cho rằng trong 4 tuần nữa, số ca nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19 sẽ tăng mạnh", bác sĩ Định nói.

Ông ca ngợi những biện pháp đơn giản mà hữu hiệu như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét đã được các nước như Việt Nam, New Zealand áp dụng thành công và trở thành hình mẫu chống dịch.

"Chỉ cần đeo khẩu trang 100 ngày như Tổng thống đắc cử Joe Biden đề nghị, dịch bệnh chắc chắn sẽ thuyên giảm", ông Định nói. "Đeo khẩu trang không làm mất đi sự tự do cá nhân, cũng không thể hiện quan điểm chính trị. Đeo khẩu trang là tôn trọng khoa học, bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh. Tôi mong mọi người hãy suy nghĩ cho lợi ích chung, giúp làm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Đừng vì ích kỷ cá nhân mà phải trả giá đắt".

Việt Phạm, chủ một nhà hàng ở thành phố Fountain Valley, kêu gọi người Việt ở Mỹ đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhà hàng của anh từng đóng cửa vì đại dịch, vừa mở cửa lại vài tháng và chỉ được bán ngoài trời với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Doanh thu giảm 70%, hiện anh lại đối mặt với lệnh đóng cửa tiếp theo của chính quyền bang.

"Đại dịch ảnh hưởng đến toàn thế giới. Mọi người đều lo âu, tuyệt vọng, chán nản. Những người làm kinh doanh như chúng tôi càng bấp bênh. Nhưng chúng ta cần đoàn kết với nhau để vượt qua thử thách", anh nói.

Để khích lệ tinh thần của mọi người, chủ nhật hàng tuần, anh Việt và các cộng sự tổ chức phát các hộp đồ ăn miễn phí mang đi, gồm các món ăn Việt Nam như cơm sườn nướng, cơm gà rôti, hủ tiếu xào, cơm tấm bì chả.

Chương trình bắt đầu từ giữa tháng ba và đến nay vẫn tiếp tục với hơn 25.000 suất ăn đã được phân phát đến những người cao tuổi, học sinh, người vô gia cư, người khuyết tật...

"Chúng tôi phải làm gương và hy vọng mọi người cũng sẽ đồng tình làm theo. Cùng nhau, chúng ta sẽ đi qua thời gian khủng hoảng này", anh nói.

Theo vnexpress