Tết Việt 2019 đầm ấm của đại gia đình lớn ở Gent. (Ảnh: Rudy Moneyn)

Hai tuần qua, tôi dự ba cái Tết: Tết của sinh viên Việt tại thành phố Leuven, Tết của Tổng hội người Việt ở Brussels, rồi xúc động tìm ra một cái Tết đậm đà ký ức - đủ ngon đủ ấm và vừa vặn vui vẻ trong một cộng đồng người Việt ở Gent.

Đánh thức ký ức Tết

20 năm trước, chị Huỳnh Thảo theo chồng định cư tại thành phố Gent (Bỉ). Bấy giờ hàng Việt rất khan hiếm. Gent khi ấy chỉ có một cửa hàng của người Hoa và một của Philippines.

Ngày đầu đến Gent, chồng chị Thảo ý tứ đưa vợ đi sắm ngay một nồi cơm điện, một bao gạo và chai nước mắm. Cái nồi cơm điện ấy hai mươi năm vẫn chạy tốt. Tết 1999 đầu tiên ở xứ người, chị Thảo lang thang trong siêu thị người Hoa, không biết phải mua gì “Nhìn hai cô Trung Quốc cùng nhau tíu tít chọn hàng, mình bỗng trào nước mắt”. Đêm giao thừa ấy, chị trùm mền nằm khóc như mưa vì nhớ Tết nhà.

Năm 2002, chị Trần Thị Hồng sang ĐH Gent làm nghiên cứu sinh về công nghệ sinh học. Bảo vệ tiến sĩ thành công, chị ở lại trường làm việc liên tục cho đến 2017 tạm nghỉ vì lý do sức khỏe. Gent ở thời điểm chị Hồng mới sang chưa đông người Việt như bây giờ.

Chị cũng đau đáu nhớ những cái Tết đã gắn liền tuổi thơ “nào quét vôi nhà, quét vôi ngõ, rồi dọn dẹp nhà cửa, kiếm hoa mùi già về đun nước tắm. Đêm Giao thừa cả nhà quây quần trông nồi bánh chưng...”. Sinh viên Việt tụ về ĐH Gent đông dần. Năm 2004 chị Hồng quyết định tổ chức cho sinh viên Việt ở Gent ăn Tết. Cũng là dịp giới thiệu sinh viên mới đến làm quen, giúp đỡ nhau.

Cứ hai năm lại một lứa sinh viên rời đi, lứa mới tới. Chị Hồng sinh con đầu lòng cũng bận bịu hơn. Từ năm thứ ba chị nhường công việc tổ chức Tết lại cho sinh viên. Thôi tổ chức Tết không có nghĩa chẳng còn muốn Tết nữa. Nhưng làm thế nào có một cái Tết đúng là Tết mình thực sự nhớ nhung trong ký ức?

May mắn, năm 2008 chị Trần Thị Hồng gặp chị Huỳnh Thảo. Như thể chị Thảo đã tìm thấy người bạn cùng mình đi sắm Tết trong siêu thị đúng mong ước năm nào. Những thứ mình tìm, mình muốn bỗng chốc trở nên rõ ràng. Chiếc khuôn gói bánh chưng đặc biệt do một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chế tạo 10 năm trước cũng ra đời từ cuộc gặp gỡ này.

Biết chị Thảo muốn ăn bánh chưng, chị Hồng rủ bạn về nhà gói bánh. Gói thế nào? Trước tiên là nhờ được người mua giúp lá dong ở Paris mang về Bỉ. Một lần đi chợ Đồng Xuân ở Berlin, Đức, chị Thảo thấy bán lạt tre bèn mua sẵn để đó, nay có dịp sử dụng. Còn khuôn bánh? Chị Hồng vẽ phác thảo hình khuôn rồi mang lên phòng thí nghiệm ĐH Gent nhờ một kỹ thuật viên người Bỉ chế tạo giúp.

Kỹ thuật viên này lấy nhựa mica cắt rồi dán, làm luôn cho chị Hồng hai khuôn nhựa, thêm hai tay cầm nhỏ nhắn xinh xắn, tiện dụng. Bây giờ có sáng kiến lắp đồ chơi lego thành khuôn, chuyện gói bánh chưng không còn vất vả như xưa. Nhưng những chiếc khuôn nhựa do người Bỉ làm cho người Việt, tôi nói vui “Phải giữ lại làm hiện vật bảo tàng Tết Việt ở Gent trong tương lai”. Hai chiếc khuôn ấy, một chị Thảo giữ, chiếc thứ hai giao cho Nguyễn Chung Thủy, theo chồng sang Gent định cư từ 2007.

Từ sợ Tết đến...  nghiện Tết

Tết Việt 2019 tại Gent diễn ra trong khuôn viên một trường mẫu giáo và tiểu học xinh xắn. Phòng tổ chức hội gắn liền bếp. Hành lang khu vệ sinh dẫn ra sân chơi ngoài trời khép kín, an toàn và thoải mái cho trẻ em chạy nhảy. Vài năm nay không về quê ăn Tết được, tôi vẫn cố gắng gói bánh chưng và đúng Giao thừa gọi điện chúc mừng năm mới người thân ở nhà.

Vẫn không tài nào tìm ra được cảm giác hào hứng, bâng khuâng chờ năm mới đến. Trẻ con phải có bạn bè cùng đón Tết mới thấy văn hóa cội nguồn rõ hơn. Còn tôi, cũng cần được ngồi với đồng hương, giữa chị giữa em, vừa ăn góc bánh chưng nếm miếng mứt dừa vừa ôn chuyện cũ nói chuyện mới, khoe chiếc áo dài vừa sắm cho mẹ cho con. Đó mới là cảm giác Tết thật sự người xa xứ kiếm tìm.

May mắn tôi đã thấy điều này ở Gent. Chị Hồng còn băn khoăn “Không có ông bà ở đây để trẻ con được hát, được chúc Tết người cao tuổi”. Nguyễn Chung Thủy hứa “Sang năm sẽ cho các con học hát chúc Tết nhuần nhuyễn hơn. Nhiều bé năm nay lần đầu lên hát đã rất hứng khởi rồi”.

Trẻ em gốc Việt ở Gent hát mừng năm mới. (Ảnh: Rudy Moneyn)

Trong không gian này, trẻ con gốc Việt, lai Việt được đắm chìm giữa các khuôn mặt Việt đang cùng ăn, cùng mặc và cùng nói thứ tiếng giống mẹ, giống cha. Những người chồng Bỉ có dịp tụ lại trò chuyện, hiểu thêm về một nền văn hóa họ đã phải lòng, đã trót yêu.

Chị Thu Hoài ở Leuven mang đến những chiếc bao mừng tuổi tự tay chị mua giấy màu về cắt, khéo léo dán lên các bông mai vàng và nắn nót viết “Mừng năm mới”, “Mừng tuổi mới”, “Học giỏi” “Chăm ngoan”, “Hay ăn chóng lớn”... Chúng tôi đùa “Viết đẹp thế này ra phố ông đồ kiếm việc được rồi”. Chị cười “Chịu khó một chút là làm được. Chứ mua bao mừng tuổi xanh đỏ đầy chữ Hoa ngoài chợ không thuần Việt và cũng không đúng ý mình muốn chúc.”

Cũng chị Hồng muốn có trò chơi riêng cho trẻ em thêm hứng thú với Tết nên bàn với chị Hoài. Cả hai lên ý tưởng, mang đến nào bóng bàn, nào trò xếp cốc, thử làm cô Tấm nhặt hạt... Những trò chơi chẳng tốn nhiều tiền để mua, mang ra tập thể bỗng trở nên vui hơn, hấp dẫn hơn. Nếu coi Tết Việt là một kho tàng văn hóa thì mỗi người, mỗi thế hệ lại có cách mở và sử dụng kho báu này khác nhau. Nhưng rõ ràng người Việt xa xứ đang được chọn lọc và tái hiện Tết rất thuần Việt.

Đối với chị Huỳnh Thảo, trải qua bao thăng trầm buồn vui, hôm nay có được gia đình lớn cùng nhau đón Tết ở Bỉ là chặng đường dài hai thập kỷ. Các chị đã đến đích. Một cộng đồng tự nguyện chung tay, chia việc. Chị Thảo lo khâu hoa quả. Helen Mai mang đến món gỏi bò và thạch ba màu bắt mắt. Thảo Gavere góp nem chua rất hợp khẩu vị. Món tôm tẩm bột rán của chị Y đạt tiêu chuẩn nhà hàng.

Đây là bánh gạo của chị Ninh, bánh táo chị Hoài, chè thập cẩm chị Hồng. Góc bàn kia em Hà em Hường cũng bày những chiếc bánh brownie thơm ngọt kiểu Bỉ... Bên ngoài các anh hò nhau kê bàn xếp ghế, trong bếp các chị tíu tít cuốn nem. Trẻ con tung tăng trong tà áo mới. Đã ra một cái Tết vừa đủ ngon vừa đủ ấm vừa vặn vui.

Và chị Hồng cũng đã thoát khỏi nỗi sợ Tết khi còn ở Việt Nam “thương mẹ vất vả chợ búa nấu nướng cho tám họ, ngại những lễ nghi rườm rà tốn kém, ghét những quan hệ lấy lòng hời hợt”. Tết bây giờ không chỉ cho mình vui cùng đồng hương mà chồng con cũng cảm thấy không khí thật thân thương. Lại hẹn hò nhau ở Tết Trung thu.

Khi có thêm Thủy, một nhân viên xã hội chuyên giúp đỡ người tị nạn, trẻ vị thành niên có hoàn cảnh khó khăn tại Bỉ, Tết 2011 của ba chị em thành Tết của một nhóm gia đình, tết chung của nhiều chị em khác nữa. Năm thì tổ chức ở nhà chị Hồng, năm sang nhà Thủy. Quý ai cứ muốn mời thêm. Nhà chị Hồng chật dần. Mọi người quyết định chuyển Tết gia đình ra hội trường lớn. Nguyễn Chung Thủy về Việt Nam vác sang một vali đồ trang trí chuyên phục vụ Tết. Có đến 60 người dự Tết 2018. Tết Việt ở Gent từ đó trở thành cái Tết đoàn viên của đại gia đình lớn sống quanh Gent, người một số vùng khác cũng về dự./.

Theo vov