Ông Đinh Văn Đông, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ( người đứng giữa) chứng kiến bàn giao lớp học giữa Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang và Ban Chấp hành Tỉnh hội Việt kiều tỉnh Pursat, Campuchia.

Qua vài cây số trên chuyến đò, chúng tôi tìm đến xóm chài mà người ta thường gọi là làng chài Kampong Luong, huyện Krakor, tỉnh Pursat, Campuchia.

Cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Pursat có khoảng gần 1.900 hộ, với gần 7.000 người, là tỉnh có nhiều bà con Việt kiều sinh sống nhất trong khu vực Tây Bắc Campuchia. Trong đó xã Kampong Luong có tới 900 hộ. Bà con Việt kiều tại tỉnh Pursat nói chung và xã Kampong Luong nói riêng rất nghèo khổ, chủ yếu sinh sống trên Biển hồ với nghề chài lưới; kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên.

Xa quê hương đất nước, xa bản quán gia đình nhưng tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ thông dụng tại đây, duy trì bền vững tiếng Việt trong ngôn ngữ nói và viết là cả một vấn đề lớn và khó. Tiếp xúc với một số bà con gốc Việt, họ nói rằng: Có biết quê hương ở đâu đâu, ông bà, bố mẹ bảo là quê ở Việt Nam thì biết vậy chứ có mấy người được trở về thăm quê. Tụi tôi sống trên xứ người vất vả lắm, “sống - chết” đều theo con nước.

Người lớn dù sao cũng có mục đích riêng của họ nhưng thật tội nghiệp cho lũ trẻ. Dưới nước, mấy đứa mới độ tuổi lên 5 lên 7, tôi đã thấy chúng bơi lội, đứa lớn dìu đứa bé kéo những chiếc lưới dài, nặng trĩu mong bắt được vài con cá. Trên bờ đứa thì đi nhặt củi khô, đứa thì đang tìm kiếm những gì trên bãi rác. Ngẫm đến câu nói “nơi kẻ ăn chẳng hết, nơi kẻ lần chẳng ra” mà thương xót cho những đứa trẻ nơi đây.

Ông Lê Hoàng, Chủ tịch Tỉnh hội Việt kiều cho chúng tôi biết: Trước đây điều kiện khó khăn lắm, các anh không tưởng tượng được đâu. Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, các lớp học tiếng Việt cho con em Việt kiều được cải thiện hơn nhiều. Sách giáo khoa, tiền trợ cấp giáo viên, tạp chí tham khảo, thường xuyên được cung cấp và vui nhất là lớp học mới vừa được xây xong, đây là điều kiện hết sức cần thiết cho các cháu học tập và cũng nhờ vào đó mà chúng tôi có thêm chỗ sinh hoạt cộng đồng.Khó khăn là vậy nhưng với bản chất hiếu học theo truyền thống cha ông ta để lại. Được sự giúp đỡ của Ban Chấp hành Tỉnh hội Việt kiều tỉnh Pursat, nơi đây đã vận động và duy trì được mấy lớp học Tiếng Việt trên Nhà nổi. Hiện tại xã Kampong Luong có tới 150 cháu là con em bà con Việt kiều đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Sách giáo khoa được cấp theo chương trình hỗ trợ trong nước và giáo viên cơ bản là các cô dì, chú bác trong làng chài, biết đến đâu giảng dạy cho các cháu đến đó.

Có lẽ còn nhiều nơi khác trên Biển Hồ bà con gốc Việt cũng gặp khó khăn tương tự. Ngoài sự tự lực cánh sinh của chính người dân, chúng ta cũng cần cố gắng để cưu mang những người đồng hương, sống xa quê hương, cầu thực, nghèo khổ như những người dân gốc Việt tại Kampong Luong, sớm được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Mong các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước dang tay giúp đỡ.

Theo Quehuongonline.vn