Tiến sĩ Lê Vũ Tuấn tại trụ sở tập đoàn Google, Mỹ.

Tại Mỹ, Lê Vũ Tuấn là một trong những sinh viên nước ngoài xuất sắc tại Đại học University of California Berkeley (top 10 đại học danh tiếng hàng đầu thế giới về học thuật, theo đánh giá của Times Higher Education). Anh theo học chương trình EECS Honors Degree dành cho số ít sinh viên được tuyển chọn.

Tự hào là người Việt Nam

Lê Vũ Tuấn chọn con đường du học sang Mỹ mà không theo lớp cử nhân tài năng trong nước. “Mỹ là quốc gia đứng đầu về các phát minh sáng chế và xếp hạng của hệ thống đại học. Ở đây, mình có điều kiện tiếp cận với hệ thống giáo dục hiện đại và có cơ hội làm việc trên những sản phẩm có tầm ảnh hưởng đến nhiều người sử dụng trên phạm vi toàn cầu”, Lê Vũ Tuấn chia sẻ.

Năm 2011, Lê Vũ Tuấn tốt nghiệp hạng ưu, ngành Khoa học máy tính (Computer Science), được kết nạp vào Phi Beta Kappa, hiệp hội học thuật danh tiếng nhất tại Mỹ. Với kết quả học tập này, Lê Vũ Tuấn được nhận học bổng thẳng vào chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường University of California Los Angeles và University of California San Diego.

Hành trang bảo vệ luận văn tiến sĩ vào năm 2016 của Lê Vũ Tuấn là 29 bài nghiên cứu được đăng ở các tạp chí và hội thảo khoa học quốc tế. Trong đó có 3 bài được trao giải thưởng bài nghiên cứu tốt nhất. Cả ba giải thưởng đều ghi nhận tầm ảnh hưởng về các cải tiến mới trong lĩnh vực mạng giao tiếp không dây.

Vừa học, vừa làm và tự lập từ khi sang Mỹ, Tuấn tranh thủ làm hè cho các tập đoàn lớn như Amazon, Google. Hai “ông lớn” này đều có thư mời Lê Vũ Tuấn làm việc chính thức sau quá trình thử thách làm việc và những vòng phỏng vấn khắt khe.

Tại Google, Lê Vũ Tuấn được biên chế vào nhóm các chuyên gia, kỹ sư phụ trách sản phẩm Google drive, thiết kế cấu trúc hạ tầng backend server, dùng cho lưu trữ dữ liệu, một sản phẩm quan trọng của tập đoàn. Tiến sĩ người gốc Tuy Hòa trở thành chuyên gia đầu nhóm, kiêm giữ vị trí phỏng vấn tuyển dụng nhân sự kỹ thuật cho Google, một “trạm thử thách” khắt khe mà anh đã từng phải vượt qua.

Dù đã thành danh trên đất Mỹ, có một vị trí quan trọng tại Google không phải ai cũng có được, nhưng mỗi khi trở về quê Lê Vũ Tuấn vẫn là chàng trai ít nói, hay cười, sống giản dị và nội tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng nhiều lần bất ngờ vì học trò cũ đến thăm cô đều bằng chiếc xe đạp, không ồn ào, phô trương. 

Giản dị và tự lập

Cô giáo về hưu Nguyễn Thị Hồng Phượng luôn nhớ về cậu học trò nhỏ Lê Vũ Tuấn ở lớp chuyên Hóa năm học 2001-2002. “Cậu ấy rất ít nói, hay cười và cực kỳ chăm chỉ. Trong 40 thành viên của lớp chuyên Hóa năm ấy, Lê Vũ Tuấn là người giản dị và tự lập”, cô Phượng phác họa một cách ngắn gọn.

Tuấn không phải là học sinh xuất sắc nhất môn chuyên, nhưng em rất cần cù và sáng tạo với những bài toán khó. Học chuyên Hóa, nhưng đặc biệt là Tuấn rất giỏi môn Tin học!”. Một kỷ niệm mà cô Phượng sau bao năm vẫn nhớ. “Có lần lớp Hóa kiểm tra môn Tin học, cả lớp đều đạt điểm cao giống nhau, thầy cô bộ môn phản ánh. Không cần điều tra, cô cũng biết “thủ phạm” là Lê Vũ Tuấn”, cô Phượng cười xòa.

Trong câu chuyện về Tuấn, thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, lúc đó còn là giáo viên dạy Toán, chia sẻ: Tuấn học rất đều môn, cả tự nhiên lẫn xã hội. Cậu ấy nổi lên thế mạnh về Toán, mặc dù là học sinh chuyên Hóa. Nhiều dạng bài khó dành cho học sinh lớp chuyên Toán, Tuấn cũng giải nốt.

Tin học đúng là niềm đam mê của Lê Vũ Tuấn. Những năm đầu thế kỷ XXI, việc một học sinh phổ thông có thiên hướng và đam mê Tin học là chuyện không nhiều học sinh có được. Bởi đó là một điều mới mẻ và tốn kém. Con nhà có điều kiện chưa chắc đã theo học nếu không có đam mê, ngược lại mới chỉ có đam mê không thôi cũng khó có thể theo được bởi môn học cần sự đầu tư tốn kém. Lê Vũ Tuấn may mắn có được cả hai điều kiện cần và đủ nên đã tạo đà cho Tuấn phát triển theo đúng niềm đam mê của mình.

Bộ sưu tập giải thưởng tin học

Lê Vũ Tuấn bắt đầu yêu thích và theo đuổi môn Tin học từ khoảng cuối lớp 8, đầu lớp 9. Những năm 1998-1999, lúc này internet bắt đầu phát triển tương đối phổ biến ở Việt Nam, mặc dù kết nối còn qua hệ thống dial-up dây của điện thoại rất chậm. Chính nhờ tiếp cận sớm với internet đã mở ra thế giới rộng lớn và mê hoặc với chàng trai sinh năm 1986 này.

“Lúc ấy mình nghĩ tại sao internet chỉ phải truyền dẫn qua dây điện thoại khiến tốc độ quá chậm. Và sự trùng hợp là sau này khi du học sang Mỹ thì lĩnh vực về công nghệ không dây, kết nối mạng cũng chính là lĩnh vực nghiên cứu chính của mình”, Lê Vũ Tuấn bộc bạch.

Khi học lớp 10 (năm 2001), Lê Vũ Tuấn tạo nên cú đột phá cho cá nhân và tiếng tăm cho ngôi trường chuyên với giải khuyến khích Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam lần thứ hai 2001 do Tập đoàn FPT, Báo Lao Động và VTV3 tổ chức. Sản phẩm đoạt giải lúc ấy là CD Rom xây dựng các triều đại phong kiến Việt Nam. Một học sinh chuyên Hóa, lại đam mê Tin học và sản phẩm đoạt giải phần nội dung chính là môn Lịch sử. Kể cũng lạ! Nhưng với Tuấn điều này là đơn giản, bởi tin học là đam mê, lịch sử là môn yêu thích. Chọn học chuyên Hóa vì thời điểm ấy nhà trường chưa có lớp chuyên Tin học.

Ngoài giải thưởng Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, Lê Vũ Tuấn là người chuyên “săn” và sưu tập các giải tại cuộc thi Tin học trẻ không chuyên cấp tỉnh, cấp quốc gia... Tốt nghiệp THPT, Lê Vũ Tuấn thi khối A và đỗ cao vào khối cử nhân tài năng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Để đạt được những thành quả ấy là cả một nỗ lực của bản thân trong sự quan tâm lo lắng của gia đình. Bà Võ Thị Huyên, mẹ của Lê Vũ Tuấn, kể: Có những lúc thấy con vùi đầu học tập, nghiên cứu đêm nào cũng khuya lơ khuya lắc mà tôi lo lắng. Nhưng gia đình luôn ủng hộ tinh thần cho Tuấn để theo đuổi niềm đam mê riêng.

 Lê Vũ Tuấn luôn tự hào nêu cao tinh thần của người Việt Nam: "Tôi muốn thử mình ở nhiều vị trí, tham gia nhiều dự án, thực hiện nhiều nghiên cứu ở những tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Amazon, Microsoft (Big 4) để tích lũy kinh nghiệm; đồng thời góp một phần nhỏ bé của mình khẳng định với thế giới về con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Và tôi tự hào là người Việt Nam".

Theo Thời Đại